Thủ tướng: 'Việt Nam chúng ta đang thiếu cả thầy và thợ'

14/12/2012 13:19
Xuân Trung
(GDVN) - “Cơ cấu đào tạo nước ta hiện nay vẫn còn bất cập, chưa hợp lý, bình quân thế giới người ta đào tạo một sinh viên đại học, 4 người trung cấp, 10 công nhân kỹ thuật, nhưng ở nước ta, là 1 đại học, 3 trung cấp, 0,9 công nhân kỹ thuật”.
Sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi đối thoại trực tiếp với thanh niên trên cả nước. Cùng dự buổi đối thoại với thanh niên còn có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng các Bộ GD&ĐT, KHCN, LĐTB&XH, GTVT...

Thủ tướng cho biết, trong thời kì khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng chúng ta có những thành tựu nhất định, cơ bản giữ được ổn định kinh tế vĩ  mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm được an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, ổn định chính trị xã hội. Và, trong thành tựu đó có sự đóng góp lớn của thanh niên. 
Trả lời câu hỏi của thanh niên về tìm kiếm nghề nghiệp, việc làm: Thực tế chúng ta đang đào tạo tràn lan, mất cân đối các trường nghề, trung cấp; sinh viên tốt nghiệp nhưng gặp khó khăn trong quá trình xin việc...Thủ tướng cho biết, đây là một vấn đề lớn và khó. Hiện, chúng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang thiếu cả thầy và thợ chứ không phải thừa thầy thiếu thợ.

Việt Nam chúng ta đến năm 2012 có khoảng 88 triệu dân số, trong đó dân số độ tuổi lao động là 60 triệu người, chiếm 66% dân số. Có thể nói, đất nước ta đang trong giai đoạn dân số vàng, có nghĩa hai người độ tuổi lao động “gánh” một người đi kèm.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong buổi đối thoại với thanh niên. Ảnh TPO
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong buổi đối thoại với thanh niên. Ảnh TPO

Theo Thủ tướng, giai đoạn dân số vàng này dự báo kéo dài 30 – 35 năm. Trong số 60 triệu người độ tuổi lao động đến 2012 này, số lao động được qua các cấp đào tạo là 46%, tức là 100 người mới có 46 người được đào tạo qua các cấp học. Trong số 46% chỉ có 8% được đào tạo đại học, cao đẳng, trong khi đó, các nước phát triển, các lao động trong độ tuổi đều được đào tạo và được đào tạo lại, tỷ lệ cao đẳng, đại học là khá cao, cao hơn Việt Nam, thí dụ Malaysia 20,1%, Thái lan 14, 2%…

Mặt khác, nếu tính tỷ lệ sinh viên thì tính đến năm 2011, Việt Nam mới có 250 sinh viên cao đẳng, đại học trên một vạn dân, trong khi tỷ lệ Thái Lan là 374, Hàn Quốc 674, Anh 380, Mỹ 576… Theo dự kiến, ở nước ta, đến năm 2015, tỷ lệ này sẽ đạt 300 và năm 2020 đạt 350 đến 400 sinh viên trên một vạn dân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhận định rằng, Việt Nam chúng ta đang thiếu cả thầy và thợ, trong khi cơ chế đào tạo chưa hợp lý. Để giải quyết bài toàn này, Chỉnh phủ đã ban hành chiến lược về phát triển đào tạo, dạy nghề đến 2020, chiến lược và quy hoạch nguồn nhân lực.
Hiện nay cả nước hiện có 2,2 triệu sinh viên đại học, cao đẳng. Lực lượng này rất cần thiết cho đất nước, cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để cho sinh viên không bỏ học giữa chừng vì không có tiền đóng học phí, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã đặt ra mục tiêu hỗ trợ cụ thể. 

Theo Thủ tướng, những em chưa đủ điều kiện vào đại học, cao đẳng thì con đường vào học trung cấp, học nghề cũng rất tốt. Con đường các em có thể lập thân, lập nghiệp, khẳng định mình bằng cách vừa học vừa làm, học trong cuộc sống, học trong trường đời, học liên thông, học tại chức.

Trả lời câu hỏi từ PGS. Bùi Thế Duy (PGĐ Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) về việc có chính sách gì để thu hút lưu học sinh về nước làm việc khi kết thúc khóa học, vì thực tế ngoài trở ngại thu nhập thấp còn có khả năng không được trọng dụng…? Thủ tướng khẳng định, đất nước đang cần đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, cả thầy và thợ đểu cần có trình độ, kiến thức, kỹ năng thực sự. Hơn 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống, định cư ở nước ngoài, trong đó khoảng 100.000 học sinh, sinh viên Việt Nam đang học ở các nước. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích đồng bào, thanh niên đang định cư học tập ở nước ngoài về làm việc trong nước.

Thực tế, những chính sách đó chưa thoả mãn nhu cầu của người làm việc được đào tạo sâu ở các chuyên ngành khác nhau. Chính phủ sẽ tạo điều kiện phù hợp để thanh niên có trình độ cao ở các nước về làm việc. Chính phủ đang rà soát bổ sung các cơ chế chính sách thu hút lưu học sinh.

“Tôi mong rằng, mọi công dân Việt Nam, đồng bào đang định cư ở nước ngoài, thanh niên đang học ở nước ngoài cũng chia sẻ với đất nước mình. Đất nước tuy đã vượt qua tình trạng nước nghèo kém phát triển, đang phát triển có nhu nhập trung bình, nhưng còn rất nhiều khó khăn do hậu quả của chiến tranh để lại”, Thủ tướng nói.

Chính vì vậy, thanh niên cần hiểu và chia sẻ với khó khăn của đất nước mà về đất nước tìm vệc làm phù hợp với mình, cho gia đình và đóng góp cho đất nước. Như trường hợp GS Ngô Bảo Châu là một ví dụ. GS nói làm việc với lương của Việt Nam thấp xa so với nhiều trường trên thế giới nhưng sẵn sàng về Việt Nam, một năm dành ba tháng làm việc đóng góp cho đất nước.

Bạn Đặng Tất Dũng, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Vương quốc Anh, nói: Tỷ lệ các bạn lưu học sinh sau khi tốt nghiệp không chọn trở về, mà ở lại nước sở tại làm việc còn cao. Có lẽ không phải do các bạn không muốn quay về, mà có thể do môi trường làm việc trong nước chưa tạo cơ hội cho họ phát huy hết khả năng của mình… xin Thủ tướng cho biết chiến lược, chính sách, nguồn sử dụng các nguồn lao động chuyên nghiệp, nhân lực chất lượng cao?

Nhìn thẳng vào vấn đề, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, đất nước hết sức coi trọng nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, có thực tế cơ chế quản lý phát triển nhân lực chưa có tầm nhìn dài hạn. Đến năm 2010 có hệ thống đào tạo tương đối phát triển. Nhưng không có một cơ quan quốc gia dự báo vấn đề nhân lực, có tầm nhìn dài hạn. Vì vậy, công tác đào tạo dựa vào khả năng đào tạo, chứ chưa bám vào nhu cầu xã hội.

Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 579/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020, với mục tiêu đưa nhân lực Việt Nam trở thành nền tảng và lợi thế quan trọng nhất để phát triển bền vững đất nước, hội nhập quốc tế và ổn định xã hội.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng được quy hoạch nguồn nhân lực quốc gia. Lần đầu tiên chúng ta có một đầu bài về đào tạo nhân lực. Trong đó nêu rõ, một trong hai trụ cột mới phát triển kinh tế, ngoài việc sử dụng vốn và đất thì sử dụng con người và khoa học công nghệ. Về việc sử dụng nguồn nhân lực có trình độ cao. Ta cần đặt ra câu hỏi, ai là người cần nguồn nhân lực có trình độ cao?

Phó Thủ tướng cũng cho biết, chúng ta đã gặp nhiều than phiền về vấn đề này, từ phía các doanh nghiệp, các địa phương về vấn đề thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Nay ta phải thay đổi, ai cần phải cùng bắt tay hành động cùng với nhà nước.

Để giải quyết vấn đề đó, hiện tại chúng ta có hai Đại học Quốc gia Hà Nội và TPHCM, các khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), khu công nghệ cao TPHCM… các đại học, khu công nghệ là nơi thu thút nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Ngoài ra, hệ thống đề tài cấp bộ, cấp nhà nước, cũng là cơ hội để các nhà khoa học trẻ có thể tham gia cống hiến.
Xuân Trung