Việc ở bậc trung học cơ sở chuẩn bị dạy theo chương trình mới theo hình thức cuốn chiếu, bắt đầu từ lớp 6 ở năm học 2021-2022 trong đó xuất hiện 2 môn mới gọi là môn “tích hợp” là môn Khoa học tự nhiên (gom 3 môn Lý, Hóa, Sinh), môn Sử và Địa (gom môn Sử, Địa).
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Sỹ Tuấn, Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông môn Khoa học tự nhiên, Tổng chủ biên sách giáo khoa Khoa học tự nhiên lớp 6 bộ Cánh Diều cho biết, Khoa học tự nhiên là 1 môn học mới, không phải 3 môn dồn 1. Theo ông, nhiều người quan niệm môn Khoa học tự nhiên là sự cộng vào cơ học của 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, là sai.
Bên cạnh đó, môn Sử và Địa cũng là một môn học mới, chứ không phải 2 môn Sử và Địa dồn lại.
Ông Chủ biên chương trình môn Khoa học tự nhiên đã nói đây là một môn học, tức là tiến tới sẽ do một người dạy, nó là môn “tích hợp” không phải là 3 môn dồn lại nhưng là một giáo viên đang đứng lớp bậc trung học cơ sở, tôi thấy việc gọi 2 môn trên là môn “tích hợp” có phần khiên cưỡng, bất hợp lý.
Tích hợp là gì?
Về từ nguyên, tích hợp (Integration) có nguồn gốc từ tiếng La-tinh với nghĩa là xác lập cái chung, cái toàn thể, cái thống nhất trên cơ sở các bộ phận riêng lẻ, tức là kết hợp các phần, các bộ phận với nhau trong một tổng thể.
Trong lĩnh vực khoa học giáo dục, khái niệm tích hợp dùng để chỉ tư tưởng giáo dục toàn diện, làm cho con người phát triển hài hòa, cân đối.
Trong dạy học ở bậc phổ thông, tích hợp được hiểu là sự tổ hợp theo một cách thức nào đấy một số nội dung cần thiết cho việc hình thành, phát triển năng lực người học thành một môn học mới; hoặc tạo môn học mới từ một số nội dung của các môn học khác; hay có thể lồng ghép thêm các nội dung cần thiết vào nội dung vốn có của môn học…
Dạy học tích hợp được hiểu là định hướng dạy học trong đó giáo viên tổ chức, hướng dẫn sao cho học sinh biết huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng đã có thuộc các lĩnh vực để giải quyết được nhiệm vụ học tập và qua đó mà hình thành kiến thức, kỹ năng mới.
Môn Lịch sử và Địa lý, môn Khoa học tự nhiên khó có thể gọi là môn tích hợp
Tôi xin được phân tích các sách giáo khoa của bộ sách Cánh diều, ở môn Lịch sử và Địa lý, sách giáo khoa mới lớp 6 chia thành 2 phần rõ rệt Phần I là Lịch sử, Phần II là Địa lý.
Mục lục sách giáo khoa Sử và Địa 6 – bộ sách Cánh diều |
Như vậy, thấy rất rõ là ở học kỳ I giáo viên môn Sử dạy, học kỳ II giáo viên môn Địa dạy, như thế tích hợp chỗ nào?
Còn ở môn Khoa học tự nhiên thì cũng gần giống như vậy. Tuy nhiên do gom 3 môn, 3 phần vào một cuốn sách nên sẽ phức tạp hơn nhiều.
Cụ thể ở môn Khoa học tự nhiên 6 gồm 5 phần:
Phần I: Giới thiệu môn Khoa học tự nhiên và các phép đo (Giáo viên vật lý dạy)
Phần II: Chất và sự biến đổi chất (Giáo viên Hóa học dạy)
Phần III: Vật sống (Giáo viên Sinh học dạy)
Phần IV: Năng lượng và sự biến đối (Giáo viên Vật lý dạy)
Phần V: Trái đất và bầu trời (Giáo viên Vật lý dạy)
Mục lục sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên 6 – bộ sách Cánh diều |
Như vậy rõ ràng là cả 2 sách được xem như có các phần riêng biệt nhau, phần của môn nào của chủ biên môn đó soạn độc lập, phần của giáo viên nào sẽ do môn đó dạy độc lập.
Nhưng tất cả lại gom vào một quyển sách rồi lại đặt tên là sách “tích hợp” là vô cùng khiên cưỡng, làm phức tạp một vấn đề đơn giản.
2, 3 thầy 1 sách hay 1 thầy 1 sách đều rất phức tạp
Xin được nói thẳng sau khi sách giáo khoa được công khai trên diễn đàn mạng thì hy vọng về môn “tích hợp” mang lại hiệu ứng tích cực, tích hợp để giải quyết vấn đề chung theo đúng tinh thần định hướng về dạy tích hợp theo quan điểm cá nhân người viết, đã sụp đổ.
Tôi cho rằng sẽ rất khó để triển khai thực hiện, sẽ không có thầy, cô giáo giỏi môn “tích hợp” thì đương nhiên sẽ không có trò giỏi về “tích hợp”, sẽ rất khó để môn “tích hợp” thành công.
Nếu 2, 3 thầy cô cùng dạy 1 sách thì phân công thời khóa biểu như thế nào? Đối với môn Lịch sử và Địa lý chia thành 2 phần theo 2 học kỳ còn tương đối dễ sắp xếp, nhưng môn Khoa học tự nhiên thì vô cùng rối rắm, phức tạp.
Rồi ai cho điểm, chấm điểm, ráp điểm, vào điểm trong sổ, phần mềm, cộng điểm, ai sẽ ra đề, ráp đề, thẩm định đề,… ai sẽ chịu trách nhiệm về "môn mới", rồi nếu học sinh thi lại thì sẽ phải thi lại của cả 3 môn hay 1 môn,…
Nếu 3 thầy mà dạy cùng một sách, nếu không khéo sẽ xảy ra tranh chấp, cãi nhau mà không đi đến hồi kết, gây mất đoàn kết nội bộ,… Ban giám hiệu sẽ vô cùng khó khăn khi phân công, sắp xếp, hòa giải xung đột giữa 3 thầy cô cùng dạy "1 môn" Khoa học tự nhiên.
Một điều nữa là 3 môn Lý, Hóa, Sinh hiện hành là 3 môn khoa học riêng biệt, có tính liên thông, hệ thống, nếu muốn học sinh giỏi thì phải học từng ngày, từng buổi, đào sâu kiến thức theo hướng “văn ôn, võ luyện”.
Trong khi đó ở môn Khoa học tự nhiên sắp xếp phần I học sinh học Vật lý (4 tiết mỗi tuần), rồi sau đó vài chục tiết bỏ hẳn Vật mà nhảy sang phần II học Hóa học, sau đó nhảy qua phần Sinh học.
Khi học đến phần Sinh học với 4 tiết mỗi tuần, học sinh đã không còn kiến thức gì của phần Vật lý và Hóa học nữa, như vậy chắc chắn học sinh sẽ học yếu hơn, kiến thức khó mà có thể đào sâu.
Còn việc học 1 thầy dạy 1 sách với 2, 3 phân môn là điều viển vông, xa rời thực tiễn, không phù hợp với giáo viên Việt Nam, cả nước này rất khó tìm giáo viên mà giỏi cả 3 môn rất khó Lý, Hóa, Sinh để dạy được môn Khoa học tự nhiên từ lớp 6, 7, 8, 9.
Hiện nay, một số trường đại học đã đào tạo sinh viên sư phạm môn Khoa học tự nhiên, tuy nhiên tôi cho rằng các em đó còn lâu mới có thể đáp ứng được nhu cầu giảng dạy, mà trình độ các em có đáp ứng được hay không vẫn là một dấu hỏi lớn?
Còn hiện nay tại các trường học, cho dù có học kiểu gì, đào tạo kiểu gì thì không có ai có thể dạy tốt môn Khoa học tự nhiên, tôi nói là dạy tốt chứ không phải dạy được.
Dạy được là dạy kiểu cầm sách có gì dạy đó, học sinh hiểu hay không mặc kệ thì có thể dạy được, dạy tốt là phải hiểu kiến thức chuyên sâu, dẫn dắt học sinh đi đến hình thành kiến thức một cách khoa học, sâu rộng là điều tôi tin hiện nay khó ai có thể làm được.
Với cách thiết kế sách như hiện nay với các lý do như trên, 2 "môn mới" là Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý khó có thể gọi là môn “tích hợp”.
Một lần nữa, bộ môn Khoa học tự nhiên tôi thấy vô cùng phức tạp, rắc rối, rất khó có thể đáp ứng được kỳ vọng của giáo viên, học sinh và nhân dân, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu cẩn thận và có giải pháp phù hợp.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.