Giữa "bão" tin đồn bán rừng cao su, Bầu Đức tiếp tục tuyển 3.000 lao động

05/10/2016 11:06
Cao Nguyên
(GDVN) - Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cho biết đang có nhu cầu tuyển dụng 3.000 lao động phổ thông làm việc tại Lào và Campuchia.

Thông tin từ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) cho biết, đang có nhu cầu tuyển dụng 3.000 lao động phổ thông, làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp như chăm sóc vườn cây và khai thác mủ cao su, dầu cọ, các loại cây ăn quả; chăn nuôi bò thịt... tại Lào và Campuchia với mức lương khởi điểm từ 5 triệu đồng/tháng.

Tiêu chuẩn tuyển dụng là người lao động còn trong độ tuổi lao động, có sức khỏe tốt, siêng năng, cần cù, chịu khó. Khi được tuyển dụng, người lao động làm việc tại các nông trường chăn nuôi, trồng trọt tại Gia Lai, Lào, Campuchia và được bố trí nơi ăn ở tiện nghi, được chăm sóc sức khỏe.

Thông tin tuỷen dụng lao động đăng tải trên webssite của Hoàng Anh Gia Lai.
Thông tin tuỷen dụng lao động đăng tải trên webssite của Hoàng Anh Gia Lai. 

Thông tin này đang dấy lên dự đoán, nhiều khả năng Hoàng Anh Gia Lai quyết tâm theo đuổi cao su đến cùng.

Trước đó, chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 (ngày 15/9 vừa qua), ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cho biết, công ty đang cân nhắc về việc bán 20.000 ha diện tích cao su tại Lào, dự kiến thu về 8.000 tỷ đồng để trả nợ (theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2016 đã soát xét, nợ ngắn hạn của Hoàng Anh Gia Lai 12.343 tỷ đồng, nợ dài hạn 14.340 tỷ đồng, tổng nợ 26.683 tỷđồng).

Ông Đức cũng cho biết, Hoàng Anh Gia Lai đang xin Chính phủ tái cấu trúc: “Có 2 trường hợp có thể xảy ra, nếu Nhà nước hỗ trợ Hoàng Anh Gia Lai tái cấu trúc thì cơ bản sẽ không phải bán. Còn nếu có trục trặc, sẽ bán 20.000 ha cao su tại Lào cho đối tác Trung Quốc, hiện đối tác này đang nghiên cứu, xem xét. Việc bán này sẽ phải có sự đồng ý của Chính phủ cả 2 nước Lào và Việt Nam”.

Báo cáo tài chính của Hoàng Anh Gia Lai cũng cho thấy, thời gian qua Hoàng Anh Gia Lai đã đầu tư rất mạnh và cao su và cọ dầu. Tính đến 30/6/2016, chi phí phát triển vườn cây cao su và cọ dầu của tập đoàn lên đến 12.969 tỷ đồng. 

Nông trường cao su của Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: HAGL.
Nông trường cao su của Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: HAGL.

Tuy nhiên, do những năm gần đây giá thành cao su liên tục tuột dốc và không có dấu hiệu phục hồi, hàng chục ngàn hecta cao su đến thời kỳ thu hoạch nhưng Hoàng Anh Gia Lai gần như không dám khai thác bởi cứ làm là sẽ lỗ.

6 tháng đầu năm 2016, Hoàng Anh Gia Lai đã lỗ hơn 8 tỷ đồng từ cao su khi doanh thu không gánh nổi giá vốn hàng bán.

Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của Hoàng Anh Gia Lai, chi phí lãi vay mà HAG đã trả trong 6 tháng đầu năm tăng vọt lên 798 tỉ đồng, từ mức 459 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái. Khấu hao tài sản cố định cũng tăng gần gấp đôi, từ 159 tỉ đồng lên 314 tỉ đồng, trong khi doanh thu tăng chưa đầy 20%, từ 3.036 tỉ đồng lên 3.659 tỉ đồng, chủ yếu từ mảng nuôi bò, trồng mía, bắp, dầu cọ... Điều này cho thấy sự phụ thuộc vào cao su của tập đoàn vô cùng lớn.

Ông Đoàn Nguyên Đức nhấn mạnh, nếu có bán 20.000 héc ta cao su tại Lào thì tập đoàn vẫn còn khoảng 60.000 héc ta nữa (kể cả ở Campuchia, Lào, Việt Nam).

Trong tâm thư gửi cổ đông trong tháng 6/2016, ông Đức cũng đặt nhiều kỳ vọng vào cao su khi cho rằng năm 2016, giá cao su đã có dấu hiệu phục hồi tăng trở lại, chủ yếu do nguồn cung giảm và sự hồi phục của giá dầu.

Công nhân cạo mủ cao su tại nông trường cao su Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: HAGL.
Công nhân cạo mủ cao su tại nông trường cao su Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: HAGL.

Cùng với đó, giá dầu cọ cũng được dự kiến sẽ tăng nhẹ vì vai trò chủ đạo và vị trí không thể thay thế của nó trong số các loại dầu và nguồn cung chất béo trên thế giới. 

Hiện đang có hàng ngàn người Việt làm cho Hoàng Anh Gia Lại tại Lào và Campuchia. Việc tuyển dụng 3.000 lao động lần này cũng hé mở khả năng, bầu Đức quyết tâm theo đuổi làm cao su đến cùng. 

Tháng 4/2014, cũng ngay giữa tâm bão dư luận về tình hình tài chính khó khăn, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đăng tải thông tin tuyển dụng 2.000 lao động làm việc tại các nông trường trồng trọt và chăn nuôi tỉnh Gia Lai và Lào với mức thu nhập từ 5 triệu đồng/người/tháng.

Cao Nguyên