Việc Trung Quốc đưa giàn khoan 981 xâm phạm lãnh vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông đang bị dư luận trong nước và thế giới đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ.
Tuy nhiên lợi dụng lòng yêu nước của người lao động, công nhân tại một số khu công nghiệp kẻ xấu đã kích động, xúi giục người lao động dẫn đến hành động quá khích như đập phá, gây thiệt hại cho một số doanh nghiệp nước ngoài. Những hành động này ngay lập tức được ngăn chặn, đến thời điểm này mọi hoạt động đã trở lại bình thường, lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp đã hoạt động trở lại.
Môi trường đầu tư Việt Nam vẫn tốt và hấp dẫn. |
Nhìn lại, GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài cho rằng đây chỉ là sự việc đáng tiếc, do kẻ xấu lợi dụng lòng yêu nước của người lao động, của công nhân để nhằm mục đích xấu.
“Sự việc đáng tiếc đó chắc chắn ảnh hưởng đến đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài về môi trường đầu tư Việt Nam. Đặc biệt khi từ trước đến nay, chúng ta thường nhấn mạnh an toàn xã hội cho nhà đầu tư, thì sự cố vừa rồi sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới hình ảnh môi trường đầu tư Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế”, GS Nguyễn Mại thẳng thắn nhìn nhận.
Theo GS Nguyễn Mại, xét một cách toàn diện, các nhà đầu tư nước ngoài trước hết là nhà đầu tư Trung Quốc, Đài Loan và một số nhà đầu tư trong khu công nghệ Việt Nam – Singapore sẽ nhìn nhận vấn đề thấu đáo, không vì sự kiện đơn lẻ mà đánh giá môi trường đầu tư Việt Nam không hấp dẫn.
“Đặc biệt liên quan đến vấn đề mà ai cũng biết đó là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lòng yêu nước, ai cũng hiểu sự việc bắt nguồn từ việc Trung Quốc đặt giàn khoan 981 trái phép trên vùng biển thềm lục địa Việt Nam. Và hơn hết mọi người đều biết người lao động bị kẻ xấu kích động, lôi kéo, lợi dụng”, GS Nguyễn Mại nói.
Vấn đề còn lại là Chính phủ và chính quyền tại các địa phương giải quyết vấn đề như thế nào. GS Nguyễn Mại cho rằng, động thái vừa qua của Chính phủ là rất tích cực và đang hoan nghênh, khi Thủ tướng Chính phủ liên tục có công điện về việc bảo vệ an toàn nhà đầu tư. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi thư công khai yêu cầu các địa phương đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư, bảo vệ quyền nhà đầu tư. Tiếp đó lãnh đạo một số địa phương để xảy ra sự việc đã đứng ra xin lỗi nhà đầu tư và sẵn sàng đối thoại với nhà đầu tư…
Bên cạnh sự tích cực đó, để cụ thể hóa lời nói đi đôi với việc làm, các cơ quan quản lý cần làm 2 việc tiếp theo. Thứ nhất Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét hướng dẫn các địa phương một số giải pháp như giảm thuế, giãn cho nhà đầu tư nước ngoài. Với doanh nghiệp nước ngoài bị thiệt hại máy móc cần nhập mới, cơ quan có trách nhiệm cần tạo điều kiện ưu đãi cho quá trình nhập máy móc mới, nhập nguyên vật liệu mới…
Thứ hai, khi việc diễu hành vượt quá giới hạn, xảy ra hành động đập phá nhà xưởng trong gần 1 ngày các lực lượng mới đến ngăn chặn. Như vậy là chậm trễ cần rút kinh nghiệm, thậm chí có hình thức kỷ luật với cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ.
Trong khi đó đứng ở khía cạnh nhà đầu tư, nhiều nhà đầu tư nước ngoài bị vạ lây từ đợt gây rối vừa qua bởi các phần tử quá khích đã khẳng định: Đó là sự cố ngoài ý muốn: “Chúng tôi không không bỏ Việt Nam. Đất nước các bạn vẫn là môi trường đầu tư hấp dẫn thân thiện”.