Ngày 4/10/2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho nhân dân Việt Nam. Hàng vạn người dân đã xếp hàng suốt ngày đêm để viếng ông. Hàng vạn người dân xếp hàng trên các con đường ở Thủ đô và ở tỉnh Quảng Bình để tiễn đưa Đại tướng về với đất mẹ.
Sinh thời, Đại tướng thường nhắc tới lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh - "Dĩ công vô thượng" - tất cả vì dân. Cuộc đời ông vì thế còn được nhiều người biết tới với một chữ Nhẫn... Và ngày hôm nay, khi đã về với đất mẹ Quảng Bình, Đại tướng vẫn luôn là thần tượng của giới trẻ. Họ học được ở ông bài học nhận thức về lẽ sống, về con người.
Đường Võ Nguyên Giáp dài 10,5km, rộng 70 – 100m, là đoạn từ cầu Nhật Tân đến nút giao QL18 giáp sân bay nội bài (đi qua địa bàn huyện Đông Anh, Sóc Sơn).
Hiện tuyến đường này đang thi công, theo dự kiến của Bộ GTVT sẽ thông xe vào dịp giải phóng Thủ đô tháng 10/2014. Điểm đặc biệt là tuyến đường này do nhiều người dân, các nhà quản lý và chuyên gia đề xuất đặt tên.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911 – 2013) tên khai sinh là Võ Giáp, bí danh là Dương Hoài Nam, Văn, Hưng, Chiến; bút danh: Vân Đình, Hải Thanh, Chính Nghĩa. Nguyên quán tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà chỉ huy quân sự và chính trị nổi bật của Việt Nam trong thế kỷ XX. Ông là Đại tướng, Tổng tư lệnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một biểu tượng cho sức mạnh Việt Nam. |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong chính phủ lâm thời; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Quân sự, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng… Do công lao to lớn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiêu huân, huy chương cao quy khác.
Đường Võ Chí Công được đặt cho đoạn từ cầu Nhật Tân đi qua phường Phú Thượng, Xuân La (quận Tây Hồ), phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) đến giao cắt với đường Hoàng Quốc Việt. Đường dài 4,25km, rộng 57,5 – 64,5m; dự kiến thông xe kỹ thuật toàn tuyến vào tháng 3/2015.
Cố Chủ tịch Võ Chí Công (1912 – 2011), tên khai sinh là Võ Toàn, quê ở thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Ông sớm giác ngộ và tham gia tích cực vào các phong trào cách mạng từ những năm 1930. Năm 1935, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Cố Chủ tịch Võ Chí Công. |
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng và công tác, ông giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII…
Ông đã có những chỉ đạo đóng góp vào thành công của cơ chế khoán nông nghiệp, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, đổi mới hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là công tác lập hiến và lập pháp. Với những đóng góp ấy, ông được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn được nhắc đến là người có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn đổi mới. |
Đường Võ Văn Kiệt dài 12km, rộng 23m, là đoạn từ cầu Thăng Long đến sân bay Nội Bài (hiện nhiều người quen gọi là đường Bắc Thăng Long – Nội Bài).
Đây chính là tuyến đường do cố Thủ tướng chỉ đạo xây dựng, hiện là tuyến đường chính của Thủ đô đến sân bay Nội Bài, cửa ngõ đón các đoàn khách quốc tế đến Hà Nội. Đường chạy qua địa bàn các huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922 – 2008) tên khai sinh là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, Chín Dũng, nguyên quán tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Ông là Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 1991 – 1997.
Năm 1939, ông được kết nạp vào Đảng và được cử giữ nhiều chức vụ quan trọng cả trước và sau cách mạng như: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Ủy viên thường vụ Trung ương Cục miền Nam; Bí thư Thành ủy TP.HCM; Bí thư tỉnh ủy Bạc Liêu.
Ông được ca ngợi là tổng công trình sư của nhiều công trình trọng điểm của Việt Nam và Thủ đô Hà Nội… Với những cống hiến to lớn ấy, ông được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.