Thực hiện Kế hoạch số 110 của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, ngày 13/7/2018, ông Trần Xuân Hà - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội dẫn đầu đoàn nhà báo, phóng viên của gần 50 cơ quan báo đài Trung ương và Thành phố Hà Nội đi thực tế tại Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống.
Chuyến đi thực tế nhằm phục vụ công tác tuyên truyền 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô.
Theo đó, giúp phóng viên các cơ quan báo chí đóng trên địa bàn Hà Nội hiểu hơn ý nghĩa Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống do Công Ty Cổ Phần Nước Mặt Sông Đuống làm chủ đầu tư.
Tại chuyến thực tế đại diện phóng viên báo đài tại Hà Nội được ông Đỗ Văn Định - Giám đốc Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống thuyết trình dự án.
Theo đó Dự án Nhà máy Nước mặt Sông Đuống được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ Đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Dự án được phê duyệt đầu tư theo quyết định số 499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/03/2013 và quyết định chủ trương đầu tư số 2869/QĐ-UBND của Ủy Ban Nhân dân thành phố Hà Nội ngày 03/6/2016.
Ông Đỗ Văn Định - Giám đốc Dự án Nhà máy nước mặt sống Đuống thuyết trình dự án. |
Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 5.000 tỷ đồng (225 triệu Đô la Mỹ), bao gồm 02 hợp phần chính gồm Công trình thu – trạm bơm nước thô, nhà máy nước được quy hoạch trên diện tích gần 61,5 ha tại khu vực xã Phù Đổng và xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm) và tuyến ống truyền dẫn nước sạch dài 76km phân bố trên huyện Gia Lâm; Long Biên; Sóc Sơn; Đông Anh; Hoàng Mai, Thanh Trì và khu vực Hưng Yên.
Về quy mô dự án, theo quy hoạch và kế hoạch mở rộng Nhà máy Nước mặt Sông Đuống đến năm 2020 sẽ đạt công suất 300.000 m3/ngày đêm, chia thành hai kỳ đầu tư: Kỳ 1 đến năm 2018, vận hành kinh doanh nước sạch với công suất 150.000 m3/ ngày đêm và kỳ 2 đến năm 2020, vận hành kinh doanh nước sạch với công suất 300.000 m3/ ngày đêm.
Ông Đỗ Văn Định - Giám đốc Dự án Nhà máy nước mặt sống Đuống đưa phóng viên đi thực địa quan sát tiến độ thi công dự án |
Tiếp nối giai đoạn này, dự án sẽ mở rộng và phát triển công suất đến năm 2030 đạt 600.000 m3/ ngày đêm, tầm nhìn đến năm 2050 quy mô công suất 900.000 m3/ ngày đêm.
Dự án sử dụng nguồn nước thô được khai thác từ sông Đuống có chất lượng và lưu lượng đảm bảo cung cấp nước cho sinh hoạt và đáp ứng các giai đoạn phát triển nâng công suất nhà máy nước đến năm 2050.
Chất lượng nước sau xử lý đạt Quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống do Bộ Y Tế ban hành.
Nhà máy nước áp dụng dây chuyền công nghệ xử lý nước tiên tiến trên thế giới với công nghệ từ Châu Âu đạt hiệu suất xử lý cao; tiết kiệm chi phí xây dựng; chi phí quản lý vận hành; quy trình xử lý khép kín và không có nước xả thải ra môi trường.
Các thiết bị chính sử dụng cho dự án được cung cấp bởi các nhà sản xuất hàng đầu thế giới từ các nước Châu Âu và G7.
Tuyến ống truyền dẫn của nhà máy cũng được đầu tư sử dụng nguồn nguyên liệu chất lượng cao bao gồm ống thép; ống gang dẻo, ống HDPE và các vật tư phụ kiện được nhập khẩu từ Châu Âu, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan và Châu Á.
Các phóng viên phỏng vấn đại diện dự án về tiến độ thi công |
Với mục tiêu phát triển bền vững, nhà đầu tư đang nghiên cứu và sẽ áp dụng các giải pháp tái sử dụng bùn thải cùng với việc tận dụng mặt bằng thuận lợi để lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời để tận dụng nguồn năng lượng sạch và tiết kiệm chi phí.
Dự án hiện đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thành thi công xây dựng các hạng mục nhà máy nước và tuyến ống truyền dẫn; dự kiến sẽ tiến hành chạy thử; xúc xả từ tháng 9/2018 và phát nước thương mại chính thức vào Lễ kỷ niệm 64 năm ngày Giải phóng Thủ đô - 10/10/2018.
Chia sẻ khó khăn của nhà đầu tư ông Tạ Đức Hoàng – Tổng giám đốc Công ty AquaOne (nhà đầu tư chiến lược dự án) cho biết, đầu tư khai thác nước mặt chi phí lớn đòi hỏi doanh nghiệp phải có công nghệ, có kinh nghiệm và cả tiềm lực tài chính lớn.
Với quy mô nhà máy nước mặt sông Đuống dù được đầu tư với công nghệ hiện đại, sản phẩm nước sạch sau khi xử lý đảm bảo tiêu chuẩn uống tại vòi nhưng giá bán sau khi hoàn thành sẽ cạnh tranh với giá khai thác ngầm.
Nói cách khác nhà đầu tư, doanh nghiệp chấp nhận kéo dài thời gian thu hồi vốn thậm chí thua lỗ thời gian đầu để người dân thủ đô được sử dụng nguồn nước sạch chất lượng nhất.
Ông Trần Xuân Hà - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. |
Đánh giá ý nghĩa của dự án, ông Trần Xuân Hà - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, dự án sẽ góp phần cải thiện chất lượng sống của người dân, đặc biệt là người già, phụ nữ và trẻ em như giúp giảm thiểu các bệnh tật gây ra từ nguồn nước bị ô nhiễm; đặc biệt là nguồn nước ngầm hiện đang được sử dụng phần lớn tại Hà Nội.
Với ý nghĩa đó, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đề nghị đại diện cơ quan báo chí tuyên truyền dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống để người dân hiểu tâm quan trọng của nước sạch.
Từ đó nâng cao ý thức người dân trong sử dụng nước, trong việc tạo điều kiện cho dự án trong việc triển khai mạng đường ống nước dẫn từ nhà máy đến nhà dân.
Cũng tại buổi làm việc nêu lên khó khăn của doanh nghiệp ông Đỗ Văn Định cho biết, nước sạch của Nhà máy nước mặt sông Đuống đủ tiêu chuẩn nước uống tại vòi.
Tuy nhiên đơn vị này chỉ lắp đặt đường ống nước mới những trục chính và hệ thống ống nước vào tận nhà dân ở một số phường xã.
Như vậy nếu nước dù đạt tiêu chuẩn uống tại vòi nhưng nếu đấu nối vào hệ thống đường ống cũ do đơn vị khác quản lý có thể ảnh hưởng chất lượng nguồn nước.
Vì thế Dự án Nhà máy Nước mặt sông Đuống chỉ đảm bảo nước sạch chất lượng uống tại vòi trên hệ thống trục chính do đơn vị này lắp đặt.
Khi hoàn thành Nhà máy Nước mặt sông Đuống sẽ cung cấp nước sạch cho các khu vực phía Đông Bắc thành phố Hà Nội: bao gồm quận Long Biên (14 phường), huyện Gia Lâm (22 xã), huyện Đông Anh (20 xã), huyện Sóc Sơn (26 xã), và các khu đô thị, công nghiệp trên đường 179; khu vực phía Nam thành phố Hà Nội: bao gồm quận Hoàng Mai (14 phường), huyện Thanh Trì (15 xã), huyện Thường Tín (29 xã) và huyện Phú Xuyên (28 xã); các khu vực thiếu nước và các vùng phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên… |