Ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động triển khai thực hiện kịp thời Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; lựa chọn các nhiệm vụ trọng tâm để tập trung chỉ đạo; chỉ đạo điều hành linh hoạt, quyết liệt, bám sát cơ sở; phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Với nỗ lực quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tỉnh nhà, tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Một tuyến đường mới mở tại trung tâm Thành phố Hà Tĩnh. |
Kinh tế tăng trưởng cao
Tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 20,8%. Trong đó, nông nghiệp tăng 5,9%, công nghiệp và xây dựng tăng 48,9%, dịch vụ tăng 6,5%. Khu vực công nghiệp tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.
Quy mô GRDP năm 2018 theo giá hiện hành đạt 65 nghìn tỷ đồng, gấp 1,22 lần so với GRDP năm 2015.
GRDP bình quân đầu người đạt 51 triệu đồng, tương đương 2.217 USD (cả nước 2.540 USD).
Cơ cấu kinh tế: nông nghiệp 15%, công nghiệp - xây dựng 45%, dịch vụ 40%. Kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp.
Hà Tĩnh đang đổi thay từng ngày. |
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao; chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 86,7% so với năm 2017; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2018 tăng gấp 3,6 lần so với năm 2015.
Đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng toàn ngành là công nghiệp chế biến chế tạo (ước tăng 102,4%) và sản xuất phân phối điện (ước tăng 31,3%).
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu như điện sản xuất ước cả năm đạt 6,24 tỷ KWh (101,2% kế hoạch, tăng 23,8% cùng kỳ), thép ước đạt 4,3 triệu tấn (100% kế hoạch, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ), bia 58,2 triệu tấn (105,8% kế hoạch, tương đương năm 2017).
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh năm 2018 ước đạt 3,25 tỷ USD. Trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt 800 triệu USD, đạt 170% kế hoạch, tăng gấp 3 lần so với năm 2017.
Các mặt hàng xuất khẩu truyền thống (chè, dăm gỗ, may mặc) duy trì ổn định, riêng thép xuất trên 600 triệu USD, chiếm tỷ trọng 77% tổng kim ngạch.
Nhập khẩu ước đạt 2,45 tỷ USD, tăng gấp 2,26 lần so với năm 2017; chủ yếu nhập thiết bị hoàn thiện giai đoạn 1 dự án và nguyên liệu phục vụ sản xuất nhà máy thép FHS.
Khách san 5 sao đầu tiên tại Hà Tĩnh. |
Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 12.300 tỷ đồng, đạt 130,8% dự toán, tăng 37,7% so với năm 2017.
Trong đó, thu nội địa phấn đấu đạt 6.300 tỷ đồng (105% dự toán, tăng 4,6% so với năm 2017); thu xuất nhập khẩu 6.000 tỷ đồng (176,5% dự toán, tăng 106% so với năm 2017).
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 34.035 tỷ đồng, đạt 94% kế hoạch; trong đó vốn đầu tư khu vực Nhà nước chiếm tỷ trọng 18,81%, vốn của doanh nghiệp trong nước 9,94%, vốn khu vực dân cư 24,84%, vốn FDI 46,41%; vốn đầu tư dự án Formosa chiếm 94,6% vốn FDI, chiếm 44% tổng đầu tư toàn xã hội.
Huy động vốn đầu tư toàn xã hội không đạt kế hoạch chủ yếu do dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2 chậm tiến độ so với dự kiến.
Nỗ lực cải cách hành chính, thu hút đầu tư
Triển khai thực hiện Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về đổi mới, sắp xếp bộ máy theo Nghị quyết Trung ương 6; các ngành, địa phương tập trung xây dựng ban hành kế hoạch, đề án sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh giảm (đã giảm 18 phòng chuyên môn, 3 chi cục); tổ chức lại các trung tâm, đơn vị sự nghiệp công lập, kiện toàn hoạt động các Ban quản lý dự án cấp tỉnh, tổ chức lại các Ban quản lý dự án đầu tư cấp huyện (đã giảm 32 đơn vị sự nghiệp, trong đó có 22 Ban quản lý dự án cấp tỉnh, huyện).
Mãi ghi nhớ những cô gái mở đường giải phóng miền Nam trên đất Hà Tĩnh. |
Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao trách nhiệm công vụ, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Chỉ số cải cách hành chính (ParIndex) năm 2017 của Hà Tĩnh xếp thứ 17 cả nước, đứng đầu cụm Bắc Trung bộ.
Phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ công, thành lập thêm 8 Trung tâm Hành chính công cấp huyện, hoàn thành mục tiêu đưa vào hoạt động đồng bộ Trung tâm Hành chính công tỉnh và 13/13 Trung tâm Hành chính công cấp huyện phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.
10 tháng năm 2018 Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh giải quyết 406.870 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn đạt 97,72% (cấp tỉnh đạt 99,95%, cấp huyện 97,53%); Trung tâm Hành chính công tỉnh giải quyết 47.206 hồ sơ (trước và đúng hạn 99,97%); 10.304 hồ sơ đăng ký trả qua dịch vụ bưu chính; 1.131 hồ sơ trung tâm hành chính được nộp qua dịch vụ công trực tuyến (đạt tỷ lệ 4,5%).
Nhiệm vụ xúc tiến, kêu gọi đầu tư, tháo gỡ vướng mắc, giải phóng mặt bằng, triển khai dự án sau đăng ký đầu tư được tập trung chỉ đạo.
Nhờ vậy, tiếp tục thu hút được các tập đoàn mạnh như T&T, FLC, Nguyễn Hoàng, Vingroup, Crystal Bay... đầu tư dự án quy mô lớn.
11 tháng qua, tỉnh đã có quyết định chủ trương đầu tư 64 dự án với tổng vốn đăng ký 6.430 tỷ (57 dự án trong nước vốn đầu tư 4.498 tỷ đồng, 7 dự án nước ngoài vốn đầu tư 84,1 triệu USD).
Lĩnh vực đầu tư đa dạng, tiếp tục thu hút được các dự án quy mô lớn, dự án nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất công nghiệp, đầu tư phát triển năng lượng mới, hạ tầng đô thị dân cư, hạ tầng cụm công nghiệp.
Một số dự án FDI lớn: Dự án may mặc xuất khẩu (Hàn Quốc) 15 triệu USD vào cụm công nghiệp Nam Hồng công suất 12 triệu sản phẩm/năm; 2 dự án điện mặt trời (Cộng hòa liên bang Đức) tổng công suất 58MW với tổng vốn đầu tư 46,6 triệu USD.
Đẩy nhanh tiến độ thủ tục pháp lý dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2. Số doanh nghiệp thành lập mới dự kiến đạt trên 1 nghìn doanh nghiệp (tăng 3% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký 5.500 tỷ đồng (tăng 17%).
Thành lập mới 50 hợp tác xã, tăng 19% so với năm 2017; số hợp tác xã thành lập mới giảm nhiều so với giai đoạn trước tuy nhiên đi vào thực chất hơn và đạt mức khá so với các tỉnh trong khu vực.
Cùng với việc phát triển doanh nghiệp là triển khai đồng bộ nhiệm vụ lao động, việc làm, dạy nghề.
Tập trung công tác tư vấn, giải quyết việc làm, cập nhật thông tin thị trường lao động, xúc tiến chương trình hợp tác lao động với Cộng hòa liên bang Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc; tổ chức 50 phiên giao dịch việc làm, 29 hội thảo, 15 hội nghị tư vấn việc làm tại các huyện.
Triển khai các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường; các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề trường trọng điểm, liên kết đào tạo, phân luồng học sinh học nghề; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 58,7% năm 2017 lên 61% năm 2018 (cả nước 58,6%).
Nâng cao chất lượng quản lý xây dựng đô thị, tài nguyên môi trường
Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng, phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng khu dân cư, nhà ở, quản lý chất lượng công trình xây dựng được tập trung chỉ đạo. Quy hoạch chung xây dựng Thị xã Kỳ Anh đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hoàn thành phê duyệt quy hoạch chung 16/16 đô thị.
Tập trung xây dựng quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị; tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đạt 50%, trong đó một số đô thị đã phủ kín 100% quy hoạch; tỷ lệ quy hoạch chi tiết đạt 14%; tỷ lệ đô thị hóa đạt 27,4%.
Tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn. Ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng đô thị Thành phố Hà Tĩnh, Thị xã Kỳ Anh, Thị xã Hồng Lĩnh; xây dựng Chương trình phát triển nhà ở đến năm 2030, Chương trình phát triển đô thị Thành phố Hà Tĩnh; trình Trung ương thẩm định phê duyệt Đề án Thành phố Hà Tĩnh đạt đô thị loại II.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm đô thị; thiết lập trật tự, chỉnh trang đô thị; xây dựng tuyến, khối phố văn minh; nhựa hoá đường nội thị; phát triển hệ thống đèn tín hiệu giao thông đô thị. Tuy vậy các tiêu chuẩn đô thị loại III của Thị xã Kỳ Anh và Thị xã Hồng Lĩnh đang ở mức thấp; tổ chức thực hiện Chương trình phát triển đô thị còn chậm.
Hoàn thành trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp tỉnh; hoàn chỉnh phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp huyện; sửa đổi chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn; điều chỉnh bổ sung bảng giá đất năm 2015; tập trung chỉ đạo chủ trương giải quyết đất nhà ở trước 18/12/1980, đã ban hành quy định để tổ chức thực hiện.
Tăng cường quản lý khai thác khoáng sản, rà soát chấm dứt hoạt động các mỏ không đủ điều kiện, tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo đúng quy định.
Nước thải dự án thép được nuôi cá để minh chứng môi trường biển Hà Tĩnh đã trở lại bình thường. |
Tập trung cao chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường sau sự cố môi trường biển; đã cơ bản hoàn thành công tác bồi thường bảo đảm khách quan, minh bạch, dân chủ, đúng quy định pháp luật; môi trường biển, chất lượng hải sản tầng đáy đã bảo đảm an toàn, nguồn lợi thủy sản phục hồi.
Giám sát quan trắc 24/24h các dự án có nguồn phát thải lớn; giám sát chặt chẽ quá trình khắc phục vi phạm và vận hành lò cao dự án Formosa; đến nay FHS đã khắc phục cơ bản 53/53 hành vi vi phạm.
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xử lý 12 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Triển khai thực hiện Đề án xử lý rác thải trên địa bàn toàn tỉnh (13/13 địa phương đã hoàn thành phê duyệt triển khai đề án).
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhất là khó khăn về nguồn lực và yêu cầu cao hơn về tiêu chí, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tiếp tục được tập trung chỉ đạo; các ngành và địa phương cơ sở vào cuộc tích cực, chủ động hơn từ đầu năm; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc ở cơ sở; tạo chuyển biến rõ hơn về kết quả trong 6 tháng cuối năm.
Huy động nguồn lực, cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, tổ chức sản xuất, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới, củng cố nâng cấp tiêu chí nhóm xã đạt chuẩn giai đoạn 2013-2015, xây dựng khu dân cư mẫu và vườn mẫu, xây dựng triển khai Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Thực hiện 10 tháng đầu năm có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 123 xã (đạt 53,9% tổng số xã).
Phấn đấu năm 2018 có ít nhất 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh (20 xã đạt chuẩn), nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 139 xã, chiếm 61% tổng số xã toàn tỉnh (cả nước 40%); huyện Nghi Xuân đạt chuẩn trước thời hạn, là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh; huyện Đức Thọ đẩy nhanh tiến độ đạt chuẩn; các huyện Vũ Quang, Can Lộc, Lộc Hà xây dựng đề án đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2020.
Dự kiến kế hoạch 2019
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh nhìn nhận: Có được thuận lợi từ kết quả của năm 2018, duy trì đà tăng trưởng, xu hướng phát triển ổn định bền vững hơn sẽ tiếp tục có động lực mới cho tăng trưởng năm 2019 khi triển khai được các dự án đầu tư trọng điểm.
Tiếp tục khai thác dư địa và tìm kiếm động lực tăng trưởng mới nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.
Chuyển dịch cơ cấu sản xuất cần tránh hiện tượng “bóng đi trước, hình chạy sau” |
Phát triển công nghiệp gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường; thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ; nâng cao năng lực tăng thêm toàn ngành; tiếp tục đóng vai trò động lực chính cho tăng trưởng.
Giữ vững ổn định sản xuất nông nghiệp cùng với đẩy mạnh cơ cấu lại toàn ngành. Tập trung chỉ đạo xây dựng nông thôn mới.
Phát huy tốt hơn tiềm năng phát triển khu vực dịch vụ. Hoàn thiện cơ chế chính sách đầu tư; nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư.
Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng đô thị và tiến độ triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn. Cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Quan tâm phát triển toàn diện văn hoá, xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; chủ động phòng chống thiên tai.
Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; giữ vững ổn định tình hình. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Những nhiệm vụ trọng tâm
Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu đề ra năm 2019, tỉnh Hà Tĩnh sẽ chú trọng vào các nhiệm vụ trọng tâm:
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể đến năm 2020 và Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030; tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư cùng với công bố định hướng phát triển Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030.
Phát huy nội lực, đa dạng hóa các yếu tố phát triển, tích cực khai thác các yếu tố tăng trưởng từ đầu tư, tín dụng, sản xuất, tiêu dùng, xuất nhập khẩu... để duy trì tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.
Tập trung tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện triển khai các dự án trọng điểm, các dự án dự án đầu tư lớn theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm tiếp tục tạo động lực cho tăng trưởng.
Triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế.
Rà soát đánh giá toàn diện hoạt động Khu kinh tế Vũng Áng và dự án Formosa; tiếp tục tập trung nguồn lực và cơ chế cho đầu tư hạ tầng, xúc tiến đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trọng điểm tại Khu kinh tế Vũng Áng; hoàn thành đồng bộ các hạng mục giai đoạn 1 dự án FHS, đẩy mạnh kết nối giữa FHS với công nghiệp hỗ trợ sau thép, dịch vụ hậu cần; phát triển trung tâm dịch vụ cảng biển, logistics.
Rà soát điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu vực cửa khẩu, cải tạo nâng cấp Quốc lộ 8A (giai đoạn 2); rà soát các dự án đầu tư trên địa bàn, có cơ chế tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư do thay đổi chính sách khu kinh tế cửa khẩu.
Đánh giá thực trạng hoạt động các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để có các giải pháp toàn diện tháo gỡ khó khăn vướng mắc, nhất là các giải pháp về cơ chế chính sách, thủ tục đầu tư, trung tâm hành chính, triển khai hiệu quả chính sách khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và hợp tác xã.
Xúc tiến công nghiệp hỗ trợ, xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp; nâng cao năng lực tăng thêm toàn ngành, tiếp tục phát huy vai trò động lực chính cho tăng trưởng; chủ động phương án kế hoạch khi Trung ương có quyết định chính thức đối với dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê.
Giữ vững ổn định sản xuất cùng với cơ cấu lại toàn diện ngành nông nghiệp. Xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, bền vững.
Xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng thương mại dịch vụ theo hướng văn minh hiện đại; xúc tiến phát triển dịch vụ cảng biển, logistics; thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch.
Những công trình nhà ở cho người thu nhập thấp đang hình thành tại Thành phố Hà Tĩnh. |
Triển khai kịp thời Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, Hội nghị Trung ương 8. Tổ chức thực hiện quyết liệt, bài bản, hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6; làm tốt công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận trong thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tinh giản bộ máy.
Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, chất lượng dịch vụ công, gắn với cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp.
Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội; chăm lo đời sống nhân dân; giảm nghèo bền vững.
Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Bảo đảm an ninh trật tự, giữ vững ổn định tình hình để phát triển.
Rà soát thực hiện các thông báo kết luận chỉ đạo, kiểm tra giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh.
Tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Tiếp tục tập trung giải quyết tồn đọng. Đôn đốc thực hiện các nội dung theo kết luận thanh tra, kiểm toán.
Xác định cải cách hành chính gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị, phát triển khoa học công nghệ tiếp tục là 3 nhiệm vụ đột phá trọng tâm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và kết luận Hội nghị đánh giá giữa nhiệm kỳ của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh.