Hải Phòng đưa "Hát Đúm Thuỷ Nguyên" vào chương trình giáo dục địa phương lớp 7

01/04/2022 07:04
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngày 31/3, Sở Giáo dục Hải Phòng tổ chức Hội thảo dạy học thực nghiệm Chủ đề "Nghệ thuật Hát Đúm Thuỷ Nguyên" trong Tài liệu Giáo dục địa phương lớp 7.

Tới dự hội thảo có Phó giáo sư Phạm Trọng Toàn – Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm Nghệ thuật Trung ương, ông Bùi Văn Kiệm – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, ông Đỗ Văn Lợi – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng.

Trong nhà trường, nội dung Giáo dục địa phương là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hoá, lịch sử, địa lí, kinh tế, môi trường, hướng nghiệp,… của địa phương bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc chung được thống nhất trong cả nước.

Giáo dục địa phương giúp trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho các em tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học được.

Theo quy định, trước khi đưa vào sử dụng, tài liệu cần được giảng dạy thực nghiệm nhằm rút kinh nghiệm thực tế để các tác giả và giáo viên kịp thời điều chỉnh nội dung và phương pháp giảng dạy.

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Dạy học thực nghiệm Tài liệu Giáo dục địa phương lớp 7 chủ đề 5 - Âm nhạc truyền thống: “Nghệ thuật Hát Đúm Thuỷ Nguyên”.

Các nghệ nhân xã Lập Lễ, Phục Lễ thể hiện làn điệu truyền thống Hát Đúm (Ảnh: Phạm Linh)

Các nghệ nhân xã Lập Lễ, Phục Lễ thể hiện làn điệu truyền thống Hát Đúm (Ảnh: Phạm Linh)

Chủ đề trên được biên soạn bởi cô Nguyễn Thị Trang Nhung – Chuyên viên Phòng Giáo dục Trung học – Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng và cô Nguyễn Thị Hạnh – Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lập lễ (huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng).

Phát biểu tại hội thảo, cô Nguyễn Thị Trang Nhung, tác giả biên soạn chủ đề cho biết: “Hát Đúm là sinh hoạt văn hoá nghệ thuật mang tính cộng đồng, cộng cảm của cư dân một số vùng ven biển như: Thuỷ Nguyên, Cát Hải, Kiến Thuỵ, Đồ Sơn.

Cũng giống như nhiều loại hình văn hoá nghệ thuật dân gian khác, Hát Đúm cũng trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử.

Nhiều năm gần đây, chính quyền địa phương, các cấp cùng nhân dân huyện Thuỷ Nguyên đã tập trung khôi phục và phát triển, sinh hoạt văn hoá loại hình nghệ thuật này”.

Nghệ thuật Hát Đúm được đưa vào Chủ đề 5 - Âm nhạc trong Tài liệu giáo dục địa phương lớp 7 (Ảnh: Phạm Linh)

Nghệ thuật Hát Đúm được đưa vào Chủ đề 5 - Âm nhạc trong Tài liệu giáo dục địa phương lớp 7 (Ảnh: Phạm Linh)

Cũng theo cô Trang Nhung, tác giả lựa chọn Nghệ thuật Hát Đúm Thuỷ Nguyên để đưa vào tài liệu Giáo dục địa phương là vì loại hình này mang tính truyền thống và có lịch sử lâu đời.

Hát Đúm gắn bó với sự hình thành và phát triển của vùng đất và con người Thuỷ Nguyên. Cái nôi của Hát Đúm là xã Phục Lễ, Lập Lễ, Phả Lễ (huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng).

Năm 2018, Nghệ thuật Hát Đúm Hải Phòng đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận đưa vào danh mục “Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia”.

Bên cạnh đó, việc đưa Hát Đúm vào giảng dạy sẽ góp phần gìn giữ một nét đẹp truyền thống của người dân Hải Phòng.

Trong phần chính của hội thảo, cô giáo Phạm Thị Thuỳ Dung cùng các em học sinh lớp 7 của Trường Trung học cơ sở Lập Lễ, Phục Lễ cùng thực hiện dạy học thực nghiệm với nội dung Tiết 2: "Tập hát trích đoạn Hát gặp".

Cô Phạm Thị Thuỳ Dung cùng học trò tìm hiểu, tập hát trích đoạn "Hát gặp" (Ảnh: Phạm Linh)

Cô Phạm Thị Thuỳ Dung cùng học trò tìm hiểu, tập hát trích đoạn "Hát gặp" (Ảnh: Phạm Linh)

Mở đầu tiết học, cô giáo Thuỳ Dung yêu học sinh nhắc lại kiến thức về nghệ thuật Hát Đúm Thuỷ Nguyên đã được tìm hiểu trong tiết học trước.

Tiếp đó là phần phân tích trích đoạn gồm các nội dung: tìm nhịp, chia câu hát cho đoạn trích; tìm câu đệm mở và câu đệm kết; tìm các kí hiệu âm nhạc được sử dụng trong đoạn trích.

Học sinh được chia tìm hiểu theo nhóm. Một nhóm sẽ xung phong lên bảng trình bày và giải đáp câu hỏi của các nhóm khác.

Quá trình học hát, học sinh còn được học cách hát kết hợp với vận động cơ thể theo nhịp, hát kết hợp nhạc cụ.

Học sinh học hát kết hợp vận động cơ thể theo nhịp (Ảnh: Phạm Linh)

Học sinh học hát kết hợp vận động cơ thể theo nhịp (Ảnh: Phạm Linh)

Thầy cô hát mẫu trích đoạn "Hát gặp" (Ảnh: Phạm Linh)

Thầy cô hát mẫu trích đoạn "Hát gặp" (Ảnh: Phạm Linh)

Xuyên suốt tiết học, nhiều em học sinh hăng hái giơ tay phát biểu, thể hiện sự tự tin khi trình diễn trích đoạn.

Qua đó, cho thấy sự chủ động tìm hiểu kiến thức kĩ lưỡng về trích đoạn "Hát gặp" của học sinh từ ở nhà.

Phần thể hiện hát kết hợp vận động cơ thể theo nhịp và nhạc cụ của nhóm học sinh (Ảnh: Phạm Linh)

Phần thể hiện hát kết hợp vận động cơ thể theo nhịp và nhạc cụ của nhóm học sinh (Ảnh: Phạm Linh)

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Đỗ Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đánh giá cao tiết dạy thực nghiệm của cô giáo Phạm Thị Thuỳ Dung và học sinh Trường Trung học cơ sở Lập Lễ và Phục Lễ.

Tiết học đã tạo không khí học tập nhẹ nhàng, thoải mái, học sinh được “chơi mà học, học mà chơi”.

Ông Đỗ Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đánh giá cao tiết dạy thực nghiệm của cô giáo Phạm Thị Thuỳ Dung (Ảnh: Phạm Linh)

Ông Đỗ Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đánh giá cao tiết dạy thực nghiệm của cô giáo Phạm Thị Thuỳ Dung (Ảnh: Phạm Linh)

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, khi nghệ thuật Hát Đúm được đưa vào chương trình giáo dục địa phương không riêng học sinh ở Thuỷ Nguyên mà trên toàn thành phố sẽ có cơ hội được về “cái nôi” của Hát Đúm để gặp gỡ, học hỏi cùng các nghệ nhân.

Phạm Linh