Hải Phòng: Nhu cầu học tiếng Hàn, Nhật, Trung tăng, các trường đáp ứng ra sao?

14/03/2023 09:30
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo thống kê từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, hiện có 13 trường trên địa bàn thành phố đang triển khai học ngoại ngữ 2 gồm: tiếng Nhật, Hàn, Trung.

Nhu cầu học tiếng Hàn, Nhật, Trung ngày càng tăng

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho biết, trong bối cảnh thành phố đang có nhiều nhà đầu tư như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,…nhu cầu của phụ huynh và học sinh về việc học các ngoại ngữ khác tiếng Anh để tăng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ngày càng tăng.

Theo đó, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố hiện có sự quan tâm, tạo điều kiện để học sinh được học ngoại ngữ ngoài tiếng Anh. Từ đó, giúp học sinh được tiếp cận với nhiều ngoại ngữ khác nhau, phù hợp với xu hướng hội nhập hiện nay.

Đến thời điểm hiện tại, Hải Phòng có 13 trường triển khai học ngoại ngữ 2 gồm: tiếng Nhật, Hàn, Trung. Trong đó, học sinh vẫn học ngoại ngữ 1 là tiếng Anh và được nhà trường tổ chức học thêm một ngoại ngữ khác với thời lượng 3 tiết/tuần (môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018).

Đặc biệt, có một số trường ngoài công lập rất cố gắng triển khai dạy ngoại ngữ 2,3 điển hình có Trường Trung học phổ thông Marie Curie triển khai 4 ngoại ngữ khác nhau (ngoài tiếng Anh nhà trường còn chọn tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Trung).

Nhu cầu của phụ huynh và học sinh về việc học các ngoại ngữ khác tiếng Anh để tăng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ngày càng tăng (Ảnh: Phạm Linh)

Nhu cầu của phụ huynh và học sinh về việc học các ngoại ngữ khác tiếng Anh để tăng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ngày càng tăng (Ảnh: Phạm Linh)

Ghi nhận của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tại Trường Trung học cơ sở Quán Toan (quận Hồng Bàng, Hải Phòng), do trường nằm trên địa bàn gần các khu công nghiệp lớn của thành phố như Khu công nghiệp Tràng Duệ, Khu công nghiệp Nomura nên nhu cầu của phụ huynh, học sinh về việc học các ngoại ngữ khác tiếng Anh cao hơn.

Theo đó, năm 2020 – 2021, trường triển khai thí điểm môn tiếng Hàn dưới hình thức câu lạc bộ, bước đầu có 50 học sinh tham gia tuy nhiên sau 2 tháng thì câu lạc bộ này dừng hoạt động.

Đến năm học 2021 – 2022, nhà trường đã hình thành 1 lớp có tiếng Hàn ngoại ngữ 2 và phát triển thêm 2 lớp 6 có tiếng Hàn là ngoại ngữ 2 vào năm học 2022 – 2023.

Đến hiện tại, việc triển khai ngoại ngữ 2 của nhà trường đã ổn định, bền vững 2 lớp 6 và 1 lớp 7 học tiếng Hàn Quốc.

Hiện Trường Trung học cơ sở Quán Toan có 3 lớp học tiếng Hàn là ngoại ngữ 2 (Ảnh: Phạm Linh)

Hiện Trường Trung học cơ sở Quán Toan có 3 lớp học tiếng Hàn là ngoại ngữ 2 (Ảnh: Phạm Linh)

Theo cô giáo Phạm Thị Duyên – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quán Toan, nhà trường có điều kiện thuận lợi khi cựu học sinh là Tiến sĩ Hàn ngữ Đặng Nam Giang đã hỗ trợ tốt cho nhà trường về mặt chuyên môn cũng như trực tiếp giảng dạy.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng là một trong 5 trường trên địa bàn thành phố được thụ hưởng dự án dạy tiếng Hàn với các trang thiết bị dạy học hiện đại, 1 phòng văn hóa Hàn Quốc, giáo viên bản xứ. Giáo viên sẽ thực hiện mỗi lớp 2 tiết, có trợ giảng của người Việt Nam hỗ trợ.

Đối với học sinh của lớp ngoại ngữ 2 là tiếng Hàn, tuy thời lượng có tăng hơn nhưng học sinh được tham gia tính điểm như các môn học khác nên học sinh ngày càng hứng thú hơn và có trách nhiệm đối với việc học tiếng Hàn.

Dự kiến năm học tới nhà trường sẽ phát triển thêm 1 lớp ngoại ngữ 2 tức sẽ tuyển sinh 3 lớp tiếng Hàn với lớp 6 và duy trì các lớp đã học thật tốt.

Còn tại Trường Trung học cơ sở Ngô Gia Tự (quận Hồng Bàng, Hải Phòng), năm học 2020 – 2021, nhà trường bắt đầu triển khai dạy ngoại ngữ 2 là tiếng Nhật. Đến nay, trường có 3 lớp ở các khối 6, 7, 8.

Mục tiêu quan trọng nhất của việc mở lớp học ngôn ngữ Nhật là mở rộng nhu cầu học ngôn ngữ hai của học sinh và phụ huynh học sinh. Đồng thời, tạo điều kiện để học sinh trau dồi kỹ năng, rèn luyện và học tập ngoại ngữ thứ hai sớm từ cấp trung học cơ sở nhất là đối với học sinh có nguyện vọng thi vào lớp chuyên Nhật.

Dự kiến, từ năm học 2023 – 2024, nhà trường chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện phối hợp với Trường Tiểu học Ngô Gia Tự để có thể tiếp nhận học sinh lớp 6 khi các em đã được học tiếng Nhật từ cấp tiểu học.

Tổ chức câu lạc bộ tạo nền móng cho việc triển khai ngoại ngữ 2

Mặc dù chưa đáp ứng được về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để triển khai đưa ngoại ngữ 2 vào thành môn học chính thức nhưng một số trường trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã tổ chức dưới hình thức câu lạc bộ.

Trường Trung học phổ thông Kiến Thuỵ triển khai cho học sinh tiếp cận tiếng Hàn với hình thức câu lạc bộ (Ảnh: Phạm Linh)

Trường Trung học phổ thông Kiến Thuỵ triển khai cho học sinh tiếp cận tiếng Hàn với hình thức câu lạc bộ (Ảnh: Phạm Linh)

Ghi nhận tại Trường Trung học phổ thông Kiến Thuỵ (huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng), năm học 2021 – 2022, triển khai cho học sinh tiếp cận ngoại ngữ 2 (tiếng Hàn Quốc) với hình thức câu lạc bộ.

Mặc dù còn hạn chế về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên nên chưa thể đưa tiếng Hàn trở thành môn học chính thức nhưng việc thành lập câu lạc bộ sẽ đặt nền móng để nhà trường tiến tới có thêm ngoại ngữ 2.

Về góc độ học sinh, đây là cơ hội để phát huy năng lực ngoại ngữ ngoài tiếng Anh và những môn học truyền thống. Thực tế việc triển khai câu lạc bộ tiếng Hàn đến thời điểm hiện tại đã mang lại những hiệu quả nhất định về chất lượng cũng như số lượng học sinh tham gia ngày càng đông.

Hiện tại Trường Trung học phổ thông Kiến Thuỵ có khoảng 160 học sinh ở cả ba khối tham gia câu lạc bộ tiếng Hàn. Mỗi tuần, học sinh sẽ học 1 buổi với giáo viên người nước ngoài.

Học sinh hào hứng và kỳ vọng môn tiếng Hàn sẽ mang lại nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn sau khi tốt nghiệp (Ảnh: Phạm Linh)

Học sinh hào hứng và kỳ vọng môn tiếng Hàn sẽ mang lại nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn sau khi tốt nghiệp (Ảnh: Phạm Linh)

Là một trong những học sinh đầu tiên đăng ký tham gia câu lạc bộ tiếng Hàn, em Đặng Bùi Anh Đức – học sinh lớp 10C12, Trường Trung học phổ thông Kiến Thuỵ chia sẻ: “Em vẫn luôn mong muốn được tham gia các hoạt động, câu lạc bộ để cải thiện vốn ngoại ngữ của bản thân nên ngay khi nhà trường có câu lạc bộ tiếng Hàn em đã đăng ký tham gia ngay.

Việc học ngoại ngữ ngoài tiếng Anh cũng sẽ giúp em có thêm cơ hội chọn ngành đào tạo đại học, lợi thế khi chọn công việc trong tương lai”.

Với dự định du học tại Hàn Quốc sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, em Lưu Như Quỳnh – học sinh lớp 10C2 cho biết: “Do đã có dự định đi du học Hàn Quốc nên em đã vạch ra cho bản thân kế hoạch là hoàn thành chương trình học cấp trung học phổ thông rồi bắt đầu học tiếng và phỏng vấn xin học thông qua các trung tâm.

Khi nhà trường tổ chức câu lạc bộ tiếng Hàn, em thấy rằng đây là cơ hội rất tốt đối để trau dồi kiến thức cơ bản, giúp em tiến gần hơn mục tiêu đi du học.

Việc được học cùng cô giáo người bản địa cũng giúp em phát âm chuẩn hơn, được tìm hiểu những nét văn hoá độc đáo của Hàn Quốc”.

Ghi nhận thêm tại Trường tiểu học Nguyễn Văn Tố (quận Lê chân, Hải Phòng), dự án dạy học tiếng Hàn của nhà trường được một doanh nghiệp Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Tràng Duệ tài trợ thí điểm 9 năm.

Trong đó, học sinh được học hoàn toàn miễn phí, các lớp học đều được đầu tư trang thiết bị hiện đại từ máy tính, ti vi, máy chiếu, đồ dùng học tập, âm thanh…

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố làm quen với tiếng Hàn cùng giáo viên người bản địa (Ảnh: Phạm Linh)

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố làm quen với tiếng Hàn cùng giáo viên người bản địa (Ảnh: Phạm Linh)

Câu lạc bộ tiếng Hàn của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố được tổ chức vào sáng thứ 7 hằng tuần. Nhà trường bố trí 4 giáo viên phụ trách câu lạc bộ.

Sau mỗi tháng, các cô giáo đều tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập của từng học sinh để tìm phương pháp thúc đẩy việc học ngoại ngữ.

Cô giáo Jung Hye Kyung – giáo viên dạy tiếng Hàn chia sẻ, cô đến với thành phố Hải Phòng theo chương trình hợp tác của Bộ giáo dục Hàn Quốc với Bộ giáo dục Việt Nam nhằm hỗ trợ giáo viên dạy tiếng Hàn bậc trung học phổ thông nằm trong chương trình thỏa thuận khi Việt Nam chọn tiếng Hàn trở thành ngoại ngữ 1.

Hiện, cô Jung Hye Kuyng đang giảng dạy tại 4 trường, trong đó có 2 trường trung học phổ thông (Trung học phổ thông Kiến Thuỵ và Trung học phổ thông chuyên Trần Phú), Trường Trung học cơ sở Quán Toan và Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố.

“Dạy học tiếng Hàn Quốc cho học sinh không phải là việc dễ dàng khi học sinh đang học đồng thời 2 ngoại ngữ, nhất là đối với học sinh bậc tiểu học do các em còn đang ở mức độ hạn chế trong tiếp nhận ngôn ngữ khác.

Bản thân tôi cũng có hạn chế do trong quá trình giảng dạy vì không biết tiếng Việt dẫn đến quá trình giao tiếp với học sinh còn nhiều hạn chế, phải nhờ đến sự hỗ trợ của giáo viên người Việt Nam.

Tuy nhiên sau một thời gian giảng dạy tôi thấy rằng, các em học sinh từ tiểu học đến trung học phổ thông đều say mê và tỏ ra yêu thích môn ngoại ngữ tiếng Hàn.

Tôi cùng đội ngũ giáo viên dạy tiếng Hàn đều nhận được sự quan tâm lớn của các nhà trường. Những đơn vị tài trợ cũng quan tâm trao đổi để đầu tư hỗ trợ về giáo trình, trang thiết bị dạy học để việc giảng dạy tiếng Hàn đạt hiệu quả cao nhất” cô Hye Kuyng nói.

Cô Hye Kuyng cũng đề xuất: “Việc dạy tiếng Hàn hiện có nhiều trường trên địa bàn thành phố quan tâm tuy nhiên có một thực tế, có nhiều học sinh sau khi học hết chương trình theo dự án thì phải dừng nên tôi cảm thấy rất tiếc bởi học tiếng Hàn thì nên theo đến cùng từ sơ cấp lên trung cấp thì sẽ có cơ hội học cao hơn.

Trong khi đó, thành phố Hải Phòng là địa phương có nhiều khu công nghiệp với nhiều doanh nghiệp Hàn đầu tư nên các nhà trường nếu có định hướng cho học sinh làm việc ở doanh nghiệp này hoặc đi du học tại Hàn Quốc thì việc học tiếng sẽ ổn định, không bị dừng nghỉ giữa chừng”.

Phạm Linh