Hàng chục ngàn dân miền Nam sơ tán tránh bão, TP. HCM sẽ ngập nặng

06/11/2013 13:28
Ngọc Luân
(GDVN) - Theo thông tin mới nhất từ Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, vào chiều tối nay ngày 6/11, áp thấp nhiệt đới có nhiều khả năng mạnh lên thành bão và sẽ đổ bộ vào khu vực bờ biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão các tỉnh phía Nam đang ra sức khẩn trương chỉ đạo chủ động ứng phó với cơn bão này. Theo cảnh báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, khu vực TP. HCM nhiều khả năng bị ngập nặng khi bão gây mưa lớn kết hợp với triều cường đang đạt đỉnh.

Từ sáng nay, tuyệt đối cấm tàu thuyền xuất bến

Ngay từ sáng sớm nay, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP. HCM đã có công điện khẩn cấp chỉ đạo cấm tất cả các phương tiện thủy nội địa cũng như hàng hải xuất biến, trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới có nhiều khả năng mạnh lên thành bão dự kiến sẽ vào bờ chiều tối nay.

Các phương tiện thủy được lệnh cấm xuất bến cho đến khi an toàn
Các phương tiện thủy được lệnh cấm xuất bến cho đến khi an toàn

Theo đó, công điện yêu cầu Sở Giao thông vận tải TP. HCM và UBND các quận, huyện phải kiểm soát chặt chẽ  các chủ bến và chủ phương tiện thủy như: đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng… chấp hành lệnh nghiêm cấm xuất bến hoạt động kể từ 9h ngày 6/11 cho đến khi có lệnh mới.

Đồng thời, các đơn vị có chức năng phải kịp thời thông báo cho các chủ bến và chủ phương tiện về diễn biến của áp thấp nhiệt đới có nhiều khả năng mạnh lên thành bão để chủ động tổ chức các biện pháp phòng, tránh, ứng phó bão; khẩn trương sắp xếp các tàu, thuyền đang neo đậu tại bến được an toàn trước ảnh hưởng của bão.

Các phương tiện đánh bắt cá của ngư dân Cần Giờ đã vào nơi trú bão an toàn
Các phương tiện đánh bắt cá của ngư dân Cần Giờ đã vào nơi trú bão an toàn

Đồng thời, công điện này cũng yêu cầu Bộ Tư lệnh TP. HCM, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP. HCM, Sở Cảnh sát PCCC và Công an TP. HCM duy trì sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi có lệnh điều động.

Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP. HCM, nếu tình hình hôm nay tại TP. HCM có mưa, dông lớn do ảnh hưởng của bão sẽ tiến hành cấm các phương tiện đường thủy hoạt động cho đến thời điểm an toàn.

Người dân miền Nam khẩn cấp di dời tránh bão

Trước tình hình diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới có nhiều khả năng mạnh lên thành bão, cũng trong sáng nay, tân Phó Chủ tịch UBND TP. HCM - Lê Thanh Liêm đã trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống ứng phó với áp thấp nhiệt đới có nhiều khả năng mạnh lên thành bão cũng như công tác di dời dân trên địa bàn huyện Cần Giờ.  Tại đây, Phó Chủ tịch đặc biệt yêu cầu lãnh đạo huyện Cần Giờ lên phương án di dời 2.000 người dân tại xã đảo Thạnh An và khu vực trũng thấp trên địa bàn huyện khi có yêu cầu.

Người dân xã đảo An Thạnh được hướng dẫn sơ tán đến nơi tránh bão
Người dân xã đảo An Thạnh được hướng dẫn sơ tán đến nơi tránh bão 

Theo ông Liêm, mặc dù chưa thành bão nhưng cơn áp thấp nhiệt đới này được nhận định có nhiều diễn biến khó lường, do đó các đơn vị không được chủ quan.

Khẩn trương thực hiện chỉ đạo đó, theo báo cáo mới nhất của UBND huyện Cần Giờ, tính đến 11h30 trưa nay, đã có hơn 1.800 người dân tại huyện Cần Giờ, TP. HCM được di dời về thị trấn Cần Thạnh để trú bão.

Những người dân vùng di dời được tập kết về 3 điểm chính là: Nhà thiếu nhi huyện, Trung tâm Văn hóa huyện và Liên đoàn lao động huyện.

Theo ông Lê Văn Thơm - Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, công tác di dời tại xã đảo Thạnh An của huyện đã cơ bản hoàn tất, các nơi còn lại vẫn đang tiếp tục công tác di dời. Ông Thơm cho biết, kế hoạch dự kiến, sẽ có gần 4.000 người được di dời trong hôm nay, trong đó có hơn 1.600 người ở xã đảo Thạnh An, số còn lại ở các xã khác và thị trấn Cần Thạnh.

Lãnh đạo huyện Cần Giờ cũng cho biết, việc di dời dân đã phải triền khai tích cực hơn và phải thực hiện sớm hơn kế hoạch dự kiến vì từ khoảng 7 – 8h sáng nay, biển Cần Giờ rơi vào thời điểm nước cạn, chảy xiết nên việc cho tàu thuyền cập bến để di dời sẽ rất khó khăn. Vì vậy, Ban phòng chống lụt bão huyện đã quyết định cho di dời từ 4h sáng.

Đến thời điểm nay, đã có tổng cộng hơn 30 chuyến tàu đưa người dân về khu vực tránh bão an toàn.

Người dân tránh bão được bố trí ở tạm tại Nhà thiếu nhi huyện Cần Giờ
Người dân tránh bão được bố trí ở tạm tại Nhà thiếu nhi huyện Cần Giờ

Trong khi đó, theo tin từ ông Nguyễn Thiện Pháp - Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Tiền Giang cho biết, địa phương này đã liên lạc được với 537 tàu đánh bắt xa bờ và 168 tàu gần bờ để thông báo tình hình của bão và hướng dẫn vào nơi trú ẩn an toàn.

Ngoài ra, các lãnh đạo có trách nhiệm trong tỉnh cũng đang có mặt tại các huyện Tân Phú Đông, Gò Công Đông và thị xã Gò Công để chỉ huy việc di dời dân, kêu gọi tàu thuyền vào bờ. Theo ông Pháp, Tiền Giang chủ trương không di dời dân hàng loạt mà vận động dân tự di dời đến nơi an toàn. Đối với các hộ dân sống ngoài đê, ven biển sẽ được nhắc nhở di dời và sẵn sàng cưỡng chế khi cần thiết.

TP. HCM sẽ ngập nặng

Theo tin từ Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rịa - Vũng Tàu, gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh.

Từ chiều nay 6/11, vùng ven biển các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rịa - Vũng Tàu có gió mạnh dần lên cấp 6, vùng gần tâm bão cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Ở các tỉnh Nam Bộ có gió giật cấp 6, cấp 7.

Đường đi dự kiến của áp thấp nhiệt đới có nhiều khả năng mạnh lên thành bão
Đường đi dự kiến của áp thấp nhiệt đới có nhiều khả năng mạnh lên thành bão

Đặc biệt, theo ông Phan Thanh Minh - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, đưa ra cảnh báo: ngoài khả năng xảy ra dông lốc và gió lớn, thì khu vực TP. HCM có nhiều khả năng bị ngập nặng khi bão gây mưa lớn kết hợp với triều cường đang đạt đỉnh.  

Trước đó, tại cuộc họp bàn giải pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới có nhiều khả năng mạnh lên thành bão, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trưởng ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương - Cao Đức Phát đề nghị các tỉnh vùng tâm bão từ Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu phải di dời dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn trước 19h ngày hôm nay 6/11/2013.

Chiều qua, ngày 5/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp giao ban trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn với các tỉnh thành phía Nam để chỉ đạo công tác đối phó với bão, mưa lũ.

Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh ven biển từ Đà Nẵng đến Cà Mau và Kiên Giang thực hiện ngay lệnh cấm biển trong ngày 6/11.

Cũng trong chiều qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện gửi các Bộ ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Cà Mau, Kiên Giang, các tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh và Đắk Nông để chỉ đạo công tác đối phó với áp thấp nhiệt đới có nhiều khả năng mạnh lên thành bão.


Ngọc Luân