Giảm một nửa
Số liệu vừa được công bố cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, đầu tư trực tiếp (FDI) của các doanh nghiệp Nhật Bản vào thị trường Trung Quốc chỉ đạt 1,6 tỷ USD, giảm tới 46,8% so với cùng kỳ năm trước.
Con số về giá trị đầu tư của các DN Nhật đã khiến nhiều người giật mình bởi sự suy giảm đang gia tăng mạnh và đã kéo trong một thời gian khá dài. Trong năm trước, FDI của DN Nhật vào Trung Quốc cũng giảm 33% so với 2012.
Tờ Xinhua của TQ thậm chí phải thừa nhận sự thật đáng buồn là đầu tư FDI từ Nhật giảm ồ ạt và là một xu hướng hình thành suốt 3 năm qua. Tốc độ suy giảm đang tăng lên ngày càng mạnh mẽ..
Trong khi FDI tại Trung Quốc suy giảm, các số liệu cho thấy, đầu tư của Nhật vào các nước ASEAN như Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines lại đang có chiều hướng gia tăng. Năm 2013, con số này cao gấp 3 lần đầu tư vào Trung Quốc cho dù Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, với thương mại lên tới hơn 340 tỷ USD.
Lý giải trên báo chí quốc tế về hiện tượng này, đại diện Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) cho rằng, trước đây, giới đầu tư Nhật bị thu hút bởi quy mô thị trường và tiềm năng tăng trưởng của Trung Quốc. Tuy nhiên, xu hướng mới với dòng vốn xuống các nước ASEAN đã hình thành.
Nhiều công ty của Nhật đã lao đao, phải đóng cửa các nhà máy tại Trung Quốc do ảnh hưởng từ căng thẳng trong quan hệ hai nước. |
Một nguyên nhân được nhiều chuyên gia Nhật và cả Trung Quốc nói đến là, do quan hệ Trung - Nhật đang xấu đi trong thời gian gần đây. Trong khi đó, các chi phí sản xuất như đất đai, lao động tại Trung Quốc ngày càng tăng góp phần làm tăng sức mạnh cho xu hướng dịch chuyển dòng đầu tư của Nhật xuống những nơi hấp dẫn hơn, bao gồm các nước ASEAN.
Trên thực tế, giới đầu tư cho rằng, với những gì đã và đang diễn ra, các DN có lẽ cũng phải tính tới phương án an toàn trong hoạt động đầu tư của mình, cho dù trong một số trường hợp có thể bị thiệt hại về lợi ích riêng của DN trong ngắn hạn.
Trước đó, hồi cuối năm 2012, nhiều công ty của Nhật trong đó có các tên tuổi lớn như Honda, Toyota, Nissan, Panasonic, Canon... đã lao đao, phải đóng cửa các nhà máy tại Trung Quốc do ảnh hưởng từ căng thẳng trong quan hệ hai nước.
Mất ổn định ngắn hạn?
Là nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 trên thế giới, Trung Quốc và Nhật Bản phụ thuộc vào nhau rất lớn. Số liệu xuất nhập khẩu cho thấy, Nhật đứng ở vị trí khoảng thứ 4 đối với xuất khẩu của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các DN Nhật Bản.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các DN Nhật Bản. |
Điều này cho thấy, kinh tế Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào Nhật, ngược lại kinh tế Nhật cũng như rất nhiều các quốc gia khác, trong đó có các nước thuộc khối ASEAN phụ thuộc lớn vào thị trường hơn tỷ dân của Trung Quốc.
Sự căng thẳng hai bên có thể kéo chậm đà hồi phục không chỉ của 2 nền kinh tế lớn nhất châu Á mà có thể tác động đến kinh tế toàn khu vực và cả thế giới trong bối cảnh châu Âu vẫn gặp nhiều khó khăn, còn kinh tế Mỹ hồi sức chậm chạm.
Những con số về đầu tư nói trên đang là minh chứng cho một sự chuyển hướng của dòng đầu tư mà chính các DN là người quyết định. Không chỉ thế, Nhật cũng thể hiện khá rõ ràng khi xác định ASEAN là một trọng tâm của dòng vốn FDI cũng như hợp tác trên các lĩnh vực khác.
Trong Đối thoại Shangri-la 13 cuối tuần trước tại Singapore, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã không ngần ngại bày tỏ ý định của Nhật Bản đóng vai trò lớn hơn, chủ động hơn trong việc đảm bảo hòa bình, an ninh, thịnh vượng trong khu vực.
Trên thực tế, những căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong vài năm gần đây chưa có dấu hiệu dịu đi.
Trước đó, hồi giữa tháng 10/2012, thế giới cũng đã từng chứng kiến Trung Quốc thể hiện thái độ không muốn hợp tác bằng việc bỏ họp thường niên với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khi sự kiện này diễn ra tại Tokyo.
Còn trước đó nữa, hồi cuối tháng 9/2012, cựu Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda vừa tuyên bố Nhật Bản sẽ không bao giờ thỏa hiệp với Trung Quốc trong việc khẳng định chủ quyền đối với đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Không thể phủ nhận được tác động tiêu cực sẽ đến với cả Nhật và Trung nếu 2 nền kinh tế lớn nhất châu Á này thiếu hợp tác với nhau bởi cả 2 vẫn đang lao đao vì nhu cầu nhập khẩu từ phía châu Âu sụt giảm mạnh trong vài năm qua. Tuy nhiên, là những nhà đầu tư thận trọng và lo xa, các DN Nhật đang nỗ lực tìm kiếm sự an toàn và tìm kiếm một sự thay thế ở khu vực Đông Nam Á.
Về phía ASEAN, đây có lẽ là một cơ hội để hút vốn, tăng cường hợp tác với Nhật. Về ngắn hạn, có thể thấy tất cả sẽ thiệt hại bởi thị trường nội địa rộng lớn của Trung Quốc. Đây có lẽ là lý do khiến các mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, kể cả Nhật Bản vẫn được duy trì một cách khá bình thường. Tuy nhiên, về dài hạn, dường như các nước đều tìm cho mình một lối thoát trong trường hợp xấu nhất.
Sự kết dính giữa các nước trong khu vực có thể cần thêm thời gian