Giao thương với Trung Quốc: Làm sao để khỏi thua thiệt?

03/06/2014 15:33
Theo Saigontime
Dù đã ký kết các hiệp định tự do hóa thương mại với TQ như ACFTA, nhưng VN chưa nhận được những lợi ích từ thương mại giống như những gì mà các nước ASEAN nhận được.

Trừ khi có những rủi ro như chiến tranh, chiến tranh thương mại, ách tắc trong vận tải biển quốc tế... không nên bài trừ cực đoan đối với hàng hóa Trung Quốc vì lợi thế so sánh trong thương mại quốc tế sẽ đem lại lợi ích cho Việt Nam nếu sử dụng nguồn lực để sản xuất các hàng hóa mình có ưu thế và nhập khẩu các hàng hóa mình không có ưu thế.

Hiện 60% doanh nghiệp dệt may của Việt Nam là doanh nghiệp gia công cho nước ngoài. Ảnh: THANH TAO
Hiện 60% doanh nghiệp dệt may của Việt Nam là doanh nghiệp gia công cho nước ngoài. Ảnh: THANH TAO

Nhưng để tránh trở thành “phân xưởng của công xưởng thế giới”, Việt Nam cần những thay đổi triệt để hơn từ nền sản xuất trong nước.

Về cách thức tổng quát, để tận dụng được lợi thế từ quan hệ thương mại với Trung Quốc, Việt Nam cần (i) cải thiện năng suất; (ii) tăng cường và cải thiện môi trường pháp lý cho các hoạt động thương mại; (iii) tái cơ cấu chuỗi sản xuất tại Việt Nam; (iv) cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics; (v) nâng cao chất lượng của môi trường thể chế; (vi) phát triển công nghiệp phụ trợ.

Trong đó, việc cải thiện năng suất là sự cải thiện căn bản và lâu dài, quyết định tăng trưởng dài hạn của kinh tế Việt Nam. Việc thực hiện các cải cách từ (ii) đến (iv) là nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của thương mại Việt Nam. Việc cải cách này không thể tách rời cải thiện về môi trường thể chế. Phát triển công nghiệp phụ trợ là để giảm thiểu nhập siêu với Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN và phát huy hiệu ứng lan tỏa kỹ thuật của doanh nghiệp FDI. Bởi lẽ hiệu ứng lan tỏa kĩ thuật chỉ có thể thực hiện khi có sự liên kết hàng dọc (vertical linkages) giữa doanh nghiệp FDI với các công ty trong nước.   

Câu chuyện năng suất

Sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam thua kém hàng hóa Trung Quốc đến từ chuyện này. Năng suất lao động của nền kinh tế Việt Nam không chỉ thua kém Trung Quốc trong vòng 10 năm trở lại đây mà còn thua kém cả các nước ASEAN phát triển khác. Cải thiện năng suất là bài toán chủ đạo của doanh nghiệp và người lao động, song những hỗ trợ về mặt thể chế là biện pháp mà Nhà nước có thể thực hiện, bắt đầu từ cải thiện môi trường đầu tư như tinh gọn thủ tục hành chính, rút gọn thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Để giảm độ phụ thuộc vào hàng hóa trung gian từ Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung, các biện pháp nhằm hỗ trợ công nghiệp phụ trợ và hướng vào thay thế hàng nhập khẩu cần được triển khai mạnh mẽ hơn.

Một môi trường cạnh tranh hơn cũng khiến doanh nghiệp không ngừng phải cải tiến nhằm tăng năng suất, chất lượng và giảm chi phí. Ngoài ra, Việt Nam cần đưa ra thêm nhiều ưu đãi với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp mới thành lập, cân bằng với những ưu đãi đối với đầu tư nước ngoài. Để hỗ trợ người lao động, hệ thống giáo dục công cần hướng đến nâng cao kỹ năng và tay nghề chứ không chỉ kiến thức.

Môi trường pháp lý

Trong vấn đề tăng cường và cải thiện môi trường pháp lý cho các hoạt động thương mại (không chỉ với Trung Quốc), Việt Nam có thể (1) tăng cường thủ tục pháp quy trong thương mại biên giới với Trung Quốc và (2) thiết lập các hàng rào kỹ thuật. Hàng rào này bao gồm: quy định về biện pháp kiểm dịch động và thực vật; quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm như về kiểm tra chứng nhận, về dư lượng, bao bì, ghi nhãn sản phẩm, hóa chất, phụ gia...; quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm; quy định về bảo vệ môi trường và nguồn lợi.

Tái cơ cấu chuỗi sản xuất

Việc tái cơ cấu chuỗi sản xuất trong các ngành xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh sẽ làm tăng giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Chẳng hạn, đối với ngành dệt may, hiện 60% doanh nghiệp dệt may của Việt Nam là doanh nghiệp gia công cho nước ngoài (OEM); số còn lại sản xuất theo hợp đồng gia công (FOB1); chỉ có một số ít là doanh nghiệp sản xuất thiết bị gốc (FOB2) và nhà sản xuất thiết kế gốc (ODM); không có doanh nghiệp nào là nhà sản xuất thương hiệu gốc (OBM). Trong khi đó, giá trị gia tăng sẽ chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp ODM và OBM.

Điều tương tự cũng diễn ra với ngành da giày khi số doanh nghiệp OEM của Việt Nam chiếm 45%.

Đối với nông nghiệp, mặc dù thoạt nhìn Việt Nam có lợi thế lớn nhưng cấu trúc thị trường của ngành nông nghiệp (đặc biệt là ở chuỗi cung ứng đầu vào và phân phối đầu ra) đều tồn tại tình trạng độc quyền. Người nông dân không làm chủ được về giá cả và dễ chịu tổn thương từ các biến động của thị trường bên ngoài.

Chẳng hạn, 100% cung ứng thức ăn chăn nuôi rơi vào tay các doanh nghiệp Thái Lan, Đài Loan, Pháp, Trung Quốc; 60-70% thức ăn cho cá tra và 90% thuốc thú ý, thủy sản cũng rơi vào tay doanh nghiệp FDI. Việc đầu tư vào các chuỗi sản xuất này hoặc đầu tư khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng nông sản, từ đó gia tăng giá trị xuất khẩu là tương lai của nông nghiệp Việt Nam.

Điểm nghẽn cơ sở hạ tầng và logistics


Đây là “điểm nghẽn” của  tăng trưởng, khiến Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh trong thương mại, hoạt động xuất khẩu trực tiếp gặp khó khăn. Quốc lộ 1A xuống cấp nghiêm trọng và thường xuyên tắc nghẽn tại các nút trung chuyển hàng hóa. Vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt đã giảm 5%/năm trong giai đoạn 2006-2010 do ngành đường sắt quá lạc hậu. Đường thủy nội địa chiếm 18% vận tải hàng hóa nhưng lạc hậu, xuống cấp, hay tắc nghẽn.

Vận tải biển chiếm 90% thương mại quốc tế của Việt Nam nhưng hệ thống cảng biển quy hoạch chưa hợp lý, chưa tính đến các khuynh hướng biến đổi của hải trình quốc tế hoặc chưa gắn chặt với hải trình quốc tế và chưa tận dụng lợi thế của Việt Nam so với các nước ASEAN lục địa.

Bài toán công nghiệp phụ trợ

Để giảm độ phụ thuộc vào hàng hóa trung gian từ Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung, các biện pháp nhằm hỗ trợ công nghiệp phụ trợ và hướng vào thay thế hàng nhập khẩu cần được triển khai mạnh mẽ hơn, nhưng phải trên cơ sở nhằm cải thiện năng suất lao động và gia tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, chứ không hướng tới những ưu đãi nhất thời về thuế thu nhập doanh nghiệp hay thuế đánh vào hàng thành phẩm cao. Trường hợp trì trệ của ngành sản xuất ô tô Việt Nam là một điển hình.

Tăng cường tái cấu trúc kinh tế, tái cấu trúc ngành sản xuất sẽ khiến cấu trúc hàng nhập khẩu thay đổi và có thể khiến độ phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc giảm đi ở nhóm hàng hoá trung gian. Tuy nhiên, để có thể phát triển được công nghiệp phụ trợ, Việt Nam có lẽ cần tiếp tục phá giá tiền đồng để tỷ giá thực so với đồng đô la Mỹ giảm xuống chứ không phải tiếp tục tăng lên như hiện nay. Bởi với tỷ giá như hiện nay, việc nhập khẩu linh phụ kiện để lắp ráp xuất khẩu hoặc chuyển hẳn thành doanh nghiệp FDI thương mại có lợi hơn là đầu tư để phát triển công nghiệp phụ trợ.

Cần chú ý đến tỷ lệ tham gia của doanh nghiệp bản địa. Có chuyên gia kinh tế gần đây đã cảnh báo về nguy cơ kinh tế Việt Nam sẽ bị phân hóa thành hai khối tách biệt: doanh nghiệp FDI - doanh nghiệp bản địa thay vì doanh nghiệp bản địa liên kết, học hỏi và lớn mạnh từ việc hợp tác với doanh nghiệp FDI.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật đang đầu tư mạnh sang Việt Nam. Khuynh hướng này giúp phát triển công nghiệp phụ trợ nhưng cũng cho thấy sự hiện diện của doanh nghiệp Việt Nam bị lu mờ. Các dự án đầu tư lớn của Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên cũng đang và sẽ lôi kéo hàng trăm công ty nhỏ và vừa của Hàn Quốc sang để sản xuất linh kiện và các sản phẩm hỗ trợ khác (hiện nay họ nhập khẩu từ các cơ sở của Samsung tại Trung Quốc).

Theo Saigontime