Hành động của quốc gia láng giềng nhưng có lòng tham vô đáy

15/05/2014 06:03
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN)- Chúng ta không được phép lãng quên những thế hệ đã ngã xuống vì chủ quyền của Tổ quốc và phải giáo dục cho học sinh biết tôn trọng những giá trị lịch sử.

Ths. Trần Trung Hiếu – Giáo viên dạy Sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) đã dành cho Báo Giáo dục Việt Nam những chia sẻ tâm huyết của một người dạy Sử, nghiên cứu lịch sử trước sự kiện Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan 981 xâm lấn thềm lục địa Việt Nam.

Qua sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào thềm lục địa Việt Nam, với tư cách là giáo viên dạy Sử, Thầy  sẽ nói gì với học sinh của mình?

Ths.Trần Trung Hiếu: Thứ nhất, không phải bây giờ chính quyền Trung Quốc mới có những hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, mà trước đây, trong quá trình dạy môn Sử cho học sinh, tôi đã nói: Nếu đọc lại và  xâu  chuổi lại lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta thì sẽ không bất ngờ về hành động đó của Trung Quốc.

Thứ hai, trong quá trình giảng dạy môn Sử về các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, tôi luôn nhắc nhở và nhấn mạnh cho học sinh của mình về âm mưu có truyền thống của các thế lực bành trướng Trung Hoa Đại Hán.

May mắn của nước ta là nằm bên cạnh một quốc gia có bề dày năm nghìn năm văn minh, nhưng đó cũng là bất hạnh của chúng ta khi luôn phải đối phó với âm mưu và hành động bành trướng lãnh thổ mà chính quyền Trung Quốc qua nhiều triều đại và các thời kỳ lịch sử đã hành xử với dân tộc ta.

Đối với học sinh, khi sự việc đó xảy ra, tôi đã gửi tới các em một thông điệp rằng: Đó là hành động của hàng xóm nhưng mang bản chất của tên kẻ cướp, hành động bất chấp cả pháp lý và đạo lý, một quốc gia láng giềng nhưng có lòng tham vô đáy mà chúng ta phải luôn cảnh giác.

Nếu chúng ta càng nhân nhượng quá nhiều thì Trung Quốc sẽ càng tham lam, lấn tới. Các em phải hiểu điều đó để có thái độ và hành xử đúng mực.

Ths. Trần Trung Hiếu: Lịch sử cần phải nói rõ sự thật về tội ác mà Trung Quốc đã gây ra với nhân dân Việt Nam.
Ths. Trần Trung Hiếu: Lịch sử cần phải nói rõ sự thật về tội ác mà Trung Quốc đã gây ra với nhân dân Việt Nam.

Theo Thầy, chúng ta cần đưa vào nhà trường những nội dung giáo dục nào để học sinh hiểu rõ được các giá trị lịch sử của đất nước , đồng thời hiểu rõ bản chất âm mưu của Trung Quốc?

Ths.Trần Trung Hiếu: Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang thực hiện đổi mới toàn diện và đồng bộ nội dung và chương trình sách giáo khoa sau năm 2015. Sách giáo khoa phổ thông Lịch Sử hiện hành cũng đã chứa đựng nhiều bất cập cần phải thay đổi. Những kiến thức và sự kiện lịch sử liên quan đến các hành động bành trướng của Trung Quốc chưa được đề cập một cách cụ thể và thuyết phục, cần phải được bổ sung.

Phần lịch sử cổ trung đại trong sách giáo khoa Lịch Sử lớp 10, khi đặt tiêu đề, tiểu mục cho các bài không nên nói một cách chung chung là chống “phong kiến phương Bắc”, mà phải là chống các thế lực, vương triều phong kiến Trung Quốc.

Phần lịch sử hiện đại Việt Nam trong sách giáo khoa Lịch Sử lớp 12 cần phải đề cập tới các nội dung: Sự thật về việc quân đội Trung Quốc đã chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa từ năm 1974; Nói rõ về những tội ác của quân đội Trung Quốc đối với quân và dân ta trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979; Trận hải chiến ở đảo Gạc Ma năm 1988.

Theo tôi, việc đưa những sự kiện đó vào sách giáo khoa mới sau 2015 không có nghĩa là chúng ta khơi sâu thù hằn trong quá khứ làm ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị giữa 2 nước mà nó sẽ giúp cho học sinh hiểu rõ hơn bản chất khó thay đổi của chính quyền Trung Quốc trước đây cũng như hiện nay đã tác động như thế nào đến Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nám Á nói chung, để chúng ta có thái độ hành xử một cách rõ ràng hơn.

Ngay từ thời cổ đại, các nhà chính trị thông thái của Rô Ma đã thực sự tin “Lịch sử là thầy dạy của cuộc sống”. Hiểu đúng bản chất và biết trân trọng , khai thác các bài học của quá khứ phục vụ cho cuộc sống hiện tại và tương lai bao giờ cũng là cách ứng xử văn hóa và khôn ngoan của con người.

Bản chất “hai mặt” của Trung Quốc

Dường như thời gian qua, chúng ta đã né tránh không đề cập tới những sự thật ấy, vì muốn bỏ qua những quá khứ đau thương để hướng tới tương lai. Nhưng dường như Trung Quốc vẫn giữ nguyên bản chất của một kẻ “lật lọng” và “xảo quyệt”?

Ths.Trần Trung Hiếu: Trong các môn học phổ thông, Lịch Sử là môn học có vai trò hiệu quả  nhất trong việc giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Những thiếu sót trong sách giáo khoa Lịch Sử  hiện hành về những sự kiện lớn trong quá trình bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc cần phải được đưa vào trong nội dung và chương trình sách giáo khoa mới sau 2015.

Chúng ta không được phép lãng quên những thế hệ đã ngã xuống vì chủ quyền của Tổ quốc và phải giáo dục cho học sinh biết tôn trọng những giá trị lịch sử.

Dân tộc ta vốn đã chịu nhiều đau thương, mất mát vì các cuộc chiến tranh giành và giữ độc lập nên rất hiểu giá trị của hòa bình, nhưng không vì thế mà cam chịu khuất phục trước kẻ ngoại bang dày xéo lãnh thổ, chà đạp chủ quyền.

Tàu Trung Quốc chủ động dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam, âm mưu bảo vệ giàn khoan 981 đang hoạt động trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tàu Trung Quốc chủ động dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam, âm mưu bảo vệ giàn khoan 981 đang hoạt động trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trong cuộc hội thảo chuyên gia về sách giáo khoa môn Lịch Sử được tổ chức tại Hà Nội tháng 5/2013, tôi và các chuyên gia cũng đã trao đổi rất thẳng thắn về vấn đề này. Nguyên tắc vàng của khoa học lịch sử là phải tái hiện quá khứ với bộ mặt vốn có của nó và phần quan hệ Việt - Trung trong 40 năm qua cũng không phải là ngoại lệ.

Trung Quốc trước sau vẫn hiện nguyên bản chất lưu manh. Vì vậy, lịch sử phải được viết lại trên cơ sở tôn trọng sự thật khách quan, phải được nhìn nhận lại một cách công bằng đúng như những gì nó diễn ra.

Là một người nghiên cứu lịch sử, Thầy bình luận gì về những kịch bản Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam trong những năm trước đây?

Ths.Trần Trung Hiếu: Đường lối đối ngoại ngày nay của chính quyền Trung Quốc dù đã có nhiều sự điều chỉnh, nhưng tư tưởng xuyên suốt là của họ là vẫn luôn thể hiện kiểu hành xử của một nước lớn, lấy thế của một nước lớn về diện tích, đông về dân số để bành trướng và áp đặt với các nước nhỏ, luôn nhất quán tư tưởng bành trướng.

Bốn mươi năm qua, Trung Quốc đã nhiều lần thể hiện kịch bản không mới: Chiếm đóng Hoàng Sa (1974); Gây chiến tranh xâm lược các tỉnh biên giới phía Bắc (1979); Đánh đảo Gạc Ma (1988) và các hành động gây hấn chủ quyền biển đảo từ năm 2011 đến nay…

Bốn mươi năm qua, cách hành xử của Trung Quốc đối với các nước láng giềng không thay đổi, từ Nhật Bản, Hàn Quốc đến Việt Nam và các nước ASEAN.

Bài học lịch sử của hàng ngàn năm chống Đại Hán Trung Hoa đang được dân tộc ta tiếp tục nhân bản trong cuộc đấu tranh chống các âm mưu và hành động xâm phạm thô bạo của chính quyền Trung Quốc để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi tin rằng thắng lợi sẽ thuộc về chính nghĩa.

Trân trọng cảm ơn thầy!

Ngọc Quang (Thực hiện)