Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, thời gian qua liên tục xảy ra hiện tượng hành khách bị mất đồ, thất lạc hành lý tại sân bay Nội Bài.
Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, 3 trường hợp hành khách của Hãng hàng không Vietjet Air và Vietnam Airlines phát hiện thất lạc hành lý hoặc bị mất đồ quý giá trong hành lý ký gửi.
Hành khách "tố" mất đồ, các bên liên quan nói gì?
Có một thực tế hiện nay, hành lý ký gửi của hành khách trên các chuyến bay phải trải qua quy trình vận chuyển nhiều khâu và nhiều đơn vị thực hiện. Cụ thể tại đầu sân bay, đi khi làm xong thủ tục hành lý, hành lý sẽ được soi chiếu qua an ninh, hải quan.
Cục Hàng không Việt Nam vào cuộc điều tra vụ việc mất đồ tại sân bay Nội Bài |
Sau khi soi chiếu, kiểm tra... hành lý đi về khu vực băng chuyền. Ở đây có một bộ phận gọi là "phục vụ hành lý" thực hiện việc kiểm tra, phân loại các hành lý cho đúng từng chuyến bay và chặng bay, sau đó xếp vào những thùng hành lý.
Quá trình này được đặt dưới sự giám sát của cấp trên và an ninh nhà ga.
Sau đó những hành lý này được kéo ra tàu bay. Ở đây lại có một bộ phận khác được gọi là nhân viên bốc xếp chất hành lý lên máy bay. Nếu máy bay lớn, sử dụng thùng chứa hành lý (container), hầu như nhân viên bốc xếp không đụng đến hành lý. Nhưng với máy bay nhỏ, nhân viên sẽ bốc từng kiện lên tàu bay. Quá trình bốc hành lý lên máy bay cũng có sự giám sát của cán bộ và nhân viên an ninh.
Tương tự đầu máy bay đến quy trình vận chuyển hành lý từ máy bay đến nơi nhận hành lý cũng được thực hiện qua doanh nghiệp dịch vụ mặt đất tại sân bay.
Như vậy tính từ thời điểm hành khách ký gửi hành lý đến việc nhận lại ở đầu sân bay bên kia phải trải qua nhiều thủ tục với nhiều bộ phận phục vụ khác nhau.
Tuy nhiên khi xảy ra mất đồ, hành khách đều đổ hết mọi bức xúc, tức giận thậm chí thóa mạ, xúc phạm, chửi bới nhân viên hãng bay.
Trong trường hợp hành khách Bùi Thị Thanh Tâm, Ngô Hồng Nhung và Thân Thị Thúy đi trên chuyến bay VJ 902 của Vietjet Air từ Thái Lan về Nội Bài là một ví dụ.
Trước bức xúc của hành khách, bản thân Vietjet cũng không thể tự giải quyết được vấn đề, chỉ có thể tiếp nhận và đề nghị doanh nghiệp phục vụ mặt đất cùng an ninh cảng hàng không cùng phối hợp làm rõ vụ việc.
Đại diện Vietjet cho biết ngay khi nhận được thông tin, Vietjet đã lập biên bản cùng Công ty dịch vụ mặt đất HGS – đơn vị cung cấp dịch vụ mặt đất tại sân bay Nội Bài để xác nhận việc thất lạc hành lý của hành khách và tiến hành xác minh với các bên liên quan để bồi thường thiện chí cho hành khách theo chính sách dịch vụ của Hãng.
Trong khi đó trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty dịch vụ mặt đất HGS cho biết: Sau khi có thông tin phán ánh của khách hàng HGS đã cùng Vietjet Air ghi nhận sự việc.
“Hiện HGS đã báo cáo sự việc lên Cảng vụ Hàng không miền Bắc và đang phối hợp với các đơn vị khác để tìm nguyên nhân việc hành khách mất đồ”, Đại diện HGS cho biết.
Theo đại diện Công ty dịch vụ mặt đất HGS, quy định công ty rất nghiêm ngặt vì vậy nếu phát hiện nhân viên công ty vi phạm sẽ xử lý nghiêm. HGS cho rằng, đơn vị chỉ tiếp nhận hành lý của khách khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, còn ở đầu sân bay đến do hãng hàng không thuê đơn vị khác.
Đề cập vấn đề an ninh hàng không tại sân bay Nội Bài khi tình trạng hành khách mất đồ, thất lạc hành lý liên tục diễn ra, trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Thanh Quang - Giám đốc Trung tâm An ninh hàng không Nội Bài lại cho rằng: “Trước hết trách nhiệm thuộc hãng hàng không vận chuyển”.
Đại diện một hãng hàng không (xin được giấu tên) cũng cho rằng, trách nhiệm các bên khi xảy ra hiện tượng mất đồ được quy định rất rõ. Theo đó trách nhiệm giải quyết khiến nại khách hàng với chuyến bay 1 chặng bay là hãng hàng không, với chuyến bay nhiều chặng thì trách nhiệm thuộc về hãng hàng không cuối cùng.
Như vậy trách nhiệm giải quyết ở đây thuộc Vietjet. Tuy nhiên đại diện hãng hàng không này cũng cho rằng, bản thân hãng hàng không lại phải thuê đơn vị dịch vụ mặt đất do đó không thể chủ động được mà cần phải có sự phối hợp các bên. Do đó thường quá trình điều tra tìm hiểu sự việc sẽ mất thời gian. Do vậy để tránh sự cố không may hành khách không nên để đồ vật có giá trị trong hành lý ký gửi.
Cục Hàng không tăng cường an ninh sân bay
Cũng trước phản ánh của nhiều hành khách về tình trạng mất đồ, thất lạc hành lý tại sân bay Nội Bài. Mới đây Cục Hàng không Việt Nam vừa ra thông báo kế hoạch tăng cường đảm bảo an ninh loại bỏ vụ trộm cắp tài sản trong hành lý.
Theo đó Cục Hàng không yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành tăng cường công tác kiểm soát an ninh nội bộ
Cục Hàng không Việt Nam tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị, phát huy sức mạnh của tập thể cán bộ, nhân viên trong công tác đấu tranh đối với hành vi trộm cắp tài sản.
Cục Hàng không cho biết, đang rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; quy trình, nội quy, quy định giao nhận, bốc xếp, vận chuyển, lưu giữ hành lý, hàng hóa, nhiên liệu tàu bay trong toàn bộ dây chuyền phục vụ để sửa đổi, bổ sung nhằm quản lý chặt chẽ và phân định trách nhiệm của những đơn vị, cá nhân liên quan trong từng công đoạn, công việc.
Ngoài ra, Cục Hàng không cũng yêu cầu tăng cường các biện pháp an ninh phòng ngừa tích cực cũng được tăng cường như: kiểm tra người, phương tiện nội bộ ra vào khu vực hạn chế cảng hàng không, sân bay, đặc biệt là những nhân viên, phương tiện có liên quan trực tiếp đến phục vụ hành lý, hàng hóa; rà soát nhân lực, trang thiết bị tại các lối đi nội bộ để bổ sung đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Tăng cường tuần tra, kiểm tra, giám sát khu vực đảo hành lý, khu vực kiểm tra, giao nhận hành lý, hàng hóa. Rà soát và điều chỉnh hợp lý lối ra, vào riêng cho nhân viên, phương tiện nội bộ theo hướng hạn chế số lượng lối ra, vào nội bộ. Tăng cường kiểm tra, giám sát bằng các phương tiện kỹ thuật như hệ thống camera giám sát, thiết bị theo dõi hành trình…
Bên cạnh đó, tuyên truyền cho hành khách biết về các quy định về vận chuyển hành lý ký gửi, hàng hóa, đồ vật có giá trị cao; các quy định, thủ tục khiếu nại, khiếu kiện và đền bù trong trường hợp bị mất, thất lạc hành lý, hàng hóa trong quá trình vận chuyển.
Cục Hàng không cho biết đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ Công an mở các chuyên án về việc trộm cắp tài sản hành lý, hàng hóa; thường xuyên trao đổi, nắm tình hình các đối tượng có khả năng trộm cắp, phương thức thủ đoạn để có biện pháp kịp thời; phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.