Hành trình trở thành nhà giáo, nhà nghiên cứu của Phó Giáo sư Nguyễn Vũ Quỳnh

31/08/2024 06:38
Minh Quân
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng vừa được tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024.

Ngày 28/8/2024, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Lễ tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024. Trong đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng là một trong 135 nhà khoa học được công nhận danh hiệu Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024.

Đam mê nghiên cứu đến từ khát khao đóng góp cho tri thức nhân loại

Sau khi tốt nghiệp thủ khoa ngành Điện khí hóa cung cấp điện vào năm 2003, thời điểm đất nước đang chuyển mình phát triển, rất cần những nhân lực làm việc trong các ngành công nghiệp, nhưng Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh đã lựa chọn con đường trở thành giảng viên đại học.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Quỳnh nhớ lại: “Từ thuở ấu thơ, tôi đã ấp ủ giấc mơ trở thành giáo viên, một phần nhờ vào gia đình có truyền thống giáo dục. Bố tôi là một người thầy tận tụy tại trường sĩ quan ở Đà Lạt, còn mẹ tôi là giáo viên cấp hai ở trường làng.

Cả hai đều cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp trồng người, được học trò và đồng nghiệp hết mực kính trọng. Ngay từ nhỏ, tôi đã có dịp chứng kiến hình ảnh bố mẹ miệt mài soạn bài, đứng trên bục giảng với lòng nhiệt huyết và sự tận tâm vô bờ bến. Những câu chuyện về học trò của bố, những đêm mẹ thức khuya chấm bài đã in sâu trong tâm trí tôi, nuôi dưỡng trong tôi một tình yêu mãnh liệt đối với nghề giáo.

Khi trưởng thành, tôi quyết định theo học tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, tốt nghiệp thủ khoa và sau đó bắt đầu hành trình giảng dạy tại Trường Đại học Lạc Hồng.

Đến nay, tôi đã có 21 năm gắn bó với ngôi trường này, trải qua nhiều cương vị quan trọng như Phó khoa, Trưởng khoa Cơ Điện – Điện Tử, Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và hiện đang giữ vai trò Phó Hiệu trưởng. Hành trình ấy đã khắc sâu trong tôi lòng biết ơn và niềm tự hào với nghề giáo, một sứ mệnh cao cả mà tôi luôn trân trọng và tiếp tục theo đuổi”.

z5779147527441_e133f2ff1a63e682ae51d8558595d539.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng. (Ảnh: NVCC)

Thầy Quỳnh cho biết, động lực lớn nhất để bản thân bền bỉ theo đuổi hoạt động nghiên cứu khoa học chính là niềm đam mê, khám phá và sự khát khao được đóng góp cho tri thức nhân loại. Khi chứng kiến ánh mắt hào hứng và sự tò mò của sinh viên trước những vấn đề khoa học mới, thầy nhận ra rằng mỗi bước tiến trong nghiên cứu không chỉ mở ra những chân trời tri thức mới mà còn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.

Bên cạnh đó, được nhìn thấy sự phát triển và thành công của sinh viên mà mình hướng dẫn cũng là niềm tự hào và động lực lớn lao để vị phó hiệu trưởng tiếp tục dấn thân vào con đường nghiên cứu.

“Tôi cũng cảm nhận sâu sắc về trách nhiệm của mình trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và uy tín của Trường Đại học Lạc Hồng. Mỗi công trình nghiên cứu, mỗi bài báo khoa học được công bố không chỉ là thành quả cá nhân mà còn là đóng góp cho sự phát triển của cả cộng đồng khoa học và nhà trường.

Những giải thưởng cao quý tại các hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, những bằng khen và giấy khen từ Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan uy tín không chỉ là sự công nhận cho những nỗ lực của tôi mà còn là nguồn động lực để tôi tiếp tục cống hiến và đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động nghiên cứu trong tương lai.

Chính những yếu tố này đã giúp tôi giữ vững ngọn lửa đam mê và sự bền bỉ gắn bó với nghiên cứu khoa học suốt hơn 21 năm qua”, thầy Quỳnh chia sẻ.

“Đem lại sự thay đổi tích cực cho xã hội là giá trị của nghiên cứu khoa học”

Tính đến nay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh đã thực hiện 17 đề tài nghiên cứu khoa học gồm 14 đề tài cấp cơ sở, 3 đề tài cấp tỉnh, bộ (trong đó, có 16 đề tài thầy làm chủ nhiệm, đồng chủ nhiệm); là chủ biên 6 quyển sách phục vụ đào tạo đại học và sau đại học của Trường Đại học Lạc Hồng; có 73 bài báo khoa học được công bố trên tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, thầy đã nhiều lần đạt giải cao tại hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Đồng Nai như 2 giải Nhì và 1 giải Ba Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam VIFOTEC. Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng là tác giả đầu tiên của tỉnh Đồng Nai được ghi danh trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam.

Thành quả từ những nghiên cứu khoa học của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh còn có 1 bằng độc quyền giải pháp hữu ích; 3 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vào các năm 2010, 2016, 2023; gần 100 bằng khen, giấy khen về nghiên cứu khoa học, về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai,... trao tặng.

Để đạt được những thành tựu trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh đã không ít lần gặp phải những khó khăn, thậm chí là những thất bại.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng cho biết: “Một trong những trở ngại lớn nhất là việc tiếp cận các nguồn tài liệu và công nghệ tiên tiến, đặc biệt là trong giai đoạn đầu khi cơ sở hạ tầng và điều kiện nghiên cứu còn hạn chế. Việc tìm kiếm tài trợ cho các đề tài nghiên cứu cũng là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực không ngừng.

Bên cạnh đó áp lực trong công tác giảng dạy và quản lý cũng tạo ra những khó khăn trong việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, có những lúc các thí nghiệm đã gần hoàn tất nhưng không đủ thời gian để thực hiện mà phải tạm gác lại để thực hiện những nhiệm vụ khác được nhà trường giao. May mắn bên cạnh tôi luôn có những học trò giỏi, những đồng nghiệp tận tụy giúp cho công việc nghiên cứu được tiến triển thuận lợi hơn.

Thêm vào đó, quá trình nghiên cứu thường đi kèm với những thất bại và sai lầm. Có những lúc các thí nghiệm không mang lại kết quả như mong đợi, hay những giả thuyết đặt ra bị chứng minh là không chính xác. Tuy nhiên, tôi luôn coi những thất bại này là cơ hội để học hỏi và hoàn thiện bản thân”.

z5776851057392_82704716983127121a676b0d85c8a460.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh nhận danh hiệu trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024 (Ảnh: NVCC)

Theo thầy Quỳnh, trước hết, kiên trì và nhẫn nại là yếu tố quan trọng nhất trong nghiên cứu khoa học. Mỗi bước đi trên con đường nghiên cứu khoa học đều đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực.

Sự hợp tác và chia sẻ kiến thức với đồng nghiệp và cộng đồng nghiên cứu cũng có vai trò vô cùng quan trọng bởi có ý kiến đóng góp và góc nhìn đa chiều từ người khác chúng ta có thể mở ra những hướng đi mới đồng thời vượt qua các thách thức. Bên cạnh đó, việc luôn giữ cho mình tinh thần học hỏi không ngừng, sẵn sàng đón nhận những điều mới chính là chìa khóa để thành công trong nghiên cứu.

Trong số các công trình nghiên cứu của mình, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh từng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho giải pháp “Dây chuyền sản xuất cuộn cảm”.

Theo thầy Quỳnh, khi nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Lạc Hồng làm việc với các đối tác trong khu công nghiệp, thầy nhận thấy nhiều thao tác trong quy trình sản xuất cuộn cảm, một linh kiện quan trọng trong nhiều thiết bị điện tử, vẫn do công nhân thực hiện thủ công, gây tốn kém thời gian và chi phí.

Bài toán nhóm nghiên cứu đặt ra là tìm kiếm giải pháp nhằm cải thiện hiệu suất, giảm thiểu sai sót và nâng cao chất lượng cuộn cảm được sản xuất.

Sau một thời gian nghiên cứu và thử nghiệm, dây chuyền sản xuất mới đã giúp các nhà máy nâng cao năng suất, chất lượng cuộn cảm được đảm bảo đồng đều và chi phí sản xuất được giảm đáng kể.

Doanh nghiệp không chỉ tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường mà còn mở rộng được quy mô sản xuất, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Đồng thời, doanh nghiệp đã nhân rộng sản phẩm và thay thế hoàn toàn việc thực hiện thủ công bằng việc thực hiện bằng máy.

“Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình thực hiện công trình này là giai đoạn thử nghiệm và hoàn thiện sản phẩm.

Chúng tôi đã phải đối mặt với nhiều thách thức kỹ thuật, từ việc lựa chọn vật liệu phù hợp đến việc điều chỉnh các thông số kỹ thuật để đảm bảo dây chuyền hoạt động trơn tru. Có những đêm cả nhóm thức trắng để phân tích và khắc phục các vấn đề phát sinh.

Tuy nhiên, niềm vui lớn nhất là khi chúng tôi nhìn thấy dây chuyền hoạt động hiệu quả và nhận được những phản hồi tích cực từ doanh nghiệp. Đó là khoảnh khắc mà tôi cảm nhận sâu sắc giá trị của nghiên cứu khoa học – sự thay đổi tích cực nó mang lại cho thực tế sản xuất và cuộc sống”, thầy Quỳnh nhớ lại.

Nhà khoa học trẻ cần xem thất bại là cơ hội để học hỏi và cải thiện

Mặc dù đã đạt được không ít thành tựu nhưng Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh cho biết sự kiện vinh danh trí thức khoa học và công nghệ năm 2024 không phải là điểm kết thúc trên hành trình nghiên cứu khoa học của mình

Theo đó, thầy vẫn luôn trăn trở về việc làm thế nào để các công trình nghiên cứu của mình có thể phục vụ trực tiếp cho cộng đồng và doanh nghiệp, góp phần cải thiện cuộc sống và phát triển kinh tế xã hội. Bởi trên thực tế, quá trình chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa trường đại học và các đối tác ngoài xã hội.

“Tôi cũng luôn suy nghĩ về cách duy trì và phát triển một môi trường nghiên cứu chất lượng cao, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn lực về tài chính và nhân lực còn hạn chế. Việc tìm kiếm nguồn tài trợ cho các dự án nghiên cứu, đảm bảo điều kiện làm việc tốt cho giảng viên và sinh viên, và tạo động lực cho họ tiếp tục cống hiến là những vấn đề luôn đòi hỏi sự quan tâm và nỗ lực không ngừng từ phía nhà trường cũng như bản thân tôi”, thầy Quỳnh bày tỏ.

z5780634154053_ce2a3db5cc5dcd79960166ac99127541.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh chia sẻ tại Đại hội thành lập Liên minh Nghiên cứu Văn hóa Du lịch khối các trường đại học lần thứ nhất tại Trung Quốc. (Ảnh: NVCC)

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng, bên cạnh việc truyền đạt kiến thức đơn thuần, thầy rất mong muốn khơi dậy được niềm đam mê nghiên cứu cho sinh viên của mình để người học phát triển tư duy sáng tạo, biết đặt câu hỏi và tìm cách giải quyết vấn đề.

Chia sẻ về việc gắn kết hoạt động đào tạo với nghiên cứu khoa học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh nhận định: “Theo tôi, để gắn kết hiệu quả hoạt động đào tạo với nghiên cứu khoa học, trước hết cần xây dựng một môi trường học thuật năng động, nơi giảng viên và sinh viên đều được khuyến khích và hỗ trợ tham gia vào các dự án nghiên cứu.

Điều này có thể thực hiện thông qua việc lồng ghép các đề tài nghiên cứu vào chương trình giảng dạy, đưa sinh viên tham gia trực tiếp vào các dự án của giảng viên, từ đó giúp họ tiếp cận và phát triển kỹ năng nghiên cứu ngay từ giai đoạn học tập.

Ngoài ra, cần có các cơ chế khuyến khích và động viên giảng viên, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, chẳng hạn như khen thưởng, hỗ trợ tài chính, hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho việc công bố các công trình nghiên cứu.

Các cơ sở giáo dục cũng nên đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, và các tổ chức xã hội để đưa kết quả nghiên cứu vào ứng dụng thực tiễn. Điều này không chỉ giúp nâng cao giá trị của nghiên cứu mà còn góp phần giải quyết các vấn đề cụ thể trong cộng đồng, xã hội.

Việc xây dựng một chiến lược nghiên cứu dài hạn, kết hợp chặt chẽ giữa mục tiêu đào tạo và nghiên cứu, là yếu tố then chốt để đảm bảo sự phát triển bền vững cho cả hai hoạt động”.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh, để duy trì được sự bền bỉ và đạt được thành công trong hoạt động nghiên cứu khoa học, các sinh viên và nhà khoa học trẻ cần một tinh thần kiên trì, nuôi dưỡng đam mê và khát vọng nghiên cứu; luôn giữ tinh thần học hỏi không ngừng để duy trì sức sáng tạo; xem thất bại là cơ hội để học hỏi và cải thiện.

Bên cạnh đó, thế hệ trẻ nên có sự chuẩn bị kỹ càng cho các đề tài nghiên cứu; xây dựng mạng lưới hợp tác với các đồng nghiệp, chuyên gia và tổ chức khác để mang lại những ý tưởng mới, nguồn lực và cơ hội phát triển nghiên cứu.

Đồng thời, phải luôn tìm cách để các kết quả nghiên cứu có thể được áp dụng vào thực tiễn và mang lại lợi ích cho cộng đồng. Bởi việc tạo ra công trình có thể giải quyết các vấn đề cụ thể hoặc cải thiện đời sống sẽ giúp các sinh viên, nhà khoa học trẻ thấy rõ giá trị của công việc mình làm.

Minh Quân