Đến Công ty TNHH nhà nước một thành viên Sản xuất-Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Haprosimex), nhiều người không khỏi chạnh lòng. Nhà máy dệt kim Haprosimex tại Khu công nghiệp Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) nhiều khu nhà xưởng không còn tấp nập như ngày mới khai trương vào tháng 10/2008. Nhớ ngày Haprosimex được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới hồi cuối năm 2008, nhiều người giật mình vì mới chỉ có 4 năm mà một thương hiệu lớn lại "teo tóp" nhanh đến vậy. Chi cục Tài chính doanh nghiệp Hà Nội cho biết, liên tục nhiều năm qua, nhất là sau khi đầu tư Nhà máy dệt kim, Haprosimex ngập trong nợ nần. Hai năm liền từ 2010 đến 2011 doanh nghiệp này đều thua lỗ nặng. Báo cáo tỷ suất lợi nhuận trên vốn đối với Haprosimex (công ty mẹ) và Công ty cổ phần Haprosimex Thăng Long liên tục thua lỗ. Tại Công ty cổ phần May Thanh Trì (đơn vị thành viên) lợi nhuận đạt rất thấp. "Tính đến hết năm 2011, doanh nghiệp còn nợ quá hạn ngân hàng lên tới 390 tỷ đồng. Năm 2012 tình hình còn khó khăn hơn" - một cán bộ lãnh đạo của Chi cục Tài chính doanh nghiệp Hà Nội cho hay.
Nhà máy dệt kim Haprosimex. |
Cũng theo Chi cục Tài chính doanh nghiệp, tình hình thua lỗ quá nặng tại Haproximex đang đẩy doanh nghiệp vào tình cảnh khốn khó. "Chi cục Tài chính đã nhiều lần làm việc với lãnh đạo Haprosimex về những khoản nợ và khoản lỗ lớn này nhưng các anh ấy vẫn cho rằng do nguyên nhân khách quan, vì thị trường khó khăn mà không nhận rõ trách nhiệm chủ quan. Chúng tôi đã báo cáo đầy đủ lên lãnh đạo thành phố" - đại diện lãnh đạo Chi cục Tài chính doanh nghiệp Hà Nội nói.Bán cả nhà máy vẫn không đủ trả nợ Vì đâu mà một doanh nghiệp vừa được trao danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới với bề dày thành tích hàng đầu của Thủ đô lại lâm vào cảnh này? Theo đại diện lãnh đạo Sở Tài chính Hà Nội, nguyên nhân lớn nằm ở bài toán đầu tư. Với mục tiêu mở rộng quy mô, Haprosimex đã đầu tư vào Nhà máy dệt kim rất hoành tráng nhưng cuối cùng lại tắc ở chính đầu ra cho sản phẩm. Ông Phạm Công Bình, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, Phó trưởng ban thường trực Ban đổi mới sắp xếp doanh nghiệp nhà nước thành phố Hà Nội cho biết: Cách đây gần một năm, sau khi nghiên cứu phương án và tình hình tại Haprosimex chính ông là người đã yêu cầu lãnh đạo Haprosimex cần phải thay đổi cách xử lý. "Phải bán nhà máy đi chứ không thể cứ bán hết nguồn lực, tài sản để duy trì nhà máy. Làm như vậy có thể bán tất cả đi mà vẫn không thể cứu được" - ông Bình cho hay. Thực tế, Haprosimex từng "liên doanh liên kết" thực hiện dự án bất động sản mà thực chất là bán đi nhiều lô đất "vàng" tại các vị trí đắc địa được nhà nước giao với tổng diện tích lên tới cả chục ngàn mét vuông tại 88 Láng Hạ và 9A/233 Xuân Thủy... Mặc dù đã mang đất tại những vị trí đắc địa được nhà nước giao từ thời bao cấp đi "liên doanh liên kết" khá nhiều nhưng khoản nợ của doanh nghiệp vẫn thuộc top đầu trong các doanh nghiệp nhà nước của thành phố. Sở Tài chính Hà Nội khẳng định, đến nay lỗ luỹ kế của Haprosimex đã lên tới hơn 100 tỷ đồng, đó là chưa kể lãi vay phải trả cho ngân hàng cả chục tỷ đồng mỗi năm. Cũng theo Sở Tài chính, hiện doanh nghiệp gần như cạn sạch nguồn lực. Ngay cả trụ sở tại 22 Hàng Lược là đất nhà nước cho thuê, tài sản trên đất còn lại không đáng kể. "Về nguyên tắc cổ phần hoá thì phải có cái mà bán, tài sản còn phải là dương. Vốn nhà nước tại doanh nghiệp khoảng hơn 100 tỷ, như vậy là hết vốn rồi. Nhưng dù sao cũng phải tìm cách mà bán nhà máy đi để giảm thiệt hại cho nhà nước. Sau khi bán nhà máy rồi, còn lại đến đâu xử lý đến đó", đại diện Sở Tài chính Hà Nội khẳng định. Nhưng đại diện lãnh đạo Chi cục Tài chính doanh nghiệp cũng thừa nhận bán nhà máy vào thời điểm này chẳng khác gì đánh đố bởi tình hình kinh tế khó khăn, khó mà tìm được đối tác mua...
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Theo Tiền Phong