Hậu thời lương ‘khủng’, sếp tập đoàn nhà nước nhận lương bao nhiêu?

27/11/2013 09:55
Theo Phạm Huyền/Vef
Năm 2014, mức lương tối đa mà các sếp tập đoàn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được hưởng là 54 triệu đồng/tháng. Nếu lỗ, lương sẽ chỉ còn trên dưới 10 triệu đồng. Hàng năm lương, thưởng phải công bố trên website công ty.
Lỗ, sếp DNNN ăn lương như công chức

Rất có thể, nhiều vị chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sang năm 2014 sẽ bị hạ lương.

Chia sẻ với PV VietNamNet, đại diện Vụ Lao động tiền lương - Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, theo cơ chế mới (Nghị định 51 của Chính phủ ngày 14/5/2013 và Thông tư 19 của Bộ LĐ-TB&XH ban hành tháng 9/2013), từ nay, tiền lương của các viên chức quản lý DNNN sẽ bị giám sát rất chặt.

Theo đó, kể từ ngày 1/7/2013, mỗi chức danh lãnh đạo tại DNNN được ấn định một mức lương cơ bản cụ thể, gắn với hạng doanh nghiệp. Căn cứ vào việc công ty có đạt lợi nhuận hay không, lãi lỗ như thế nào, mức lương chi trả thực tế cho từng "sếp" có thể cao hoặc thấp hơn so với mức lương cơ bản.

Lương cơ bản cho vị trí chủ tịch tập đoàn, theo quy định chỉ là 36 triệu/tháng; tổng giám đốc tập đoàn được 35 triệu đồng/tháng.

Nhập nhèm quỹ lương là mánh khóe để 4 DN công ích tại TP.HCM ăn lương tiền tỷ, gây xôn xao dư luận vừa qua.
Nhập nhèm quỹ lương là mánh khóe để 4 DN công ích tại TP.HCM ăn lương tiền tỷ, gây xôn xao dư luận vừa qua.

Trong trường hợp thuận lợi nhất, doanh nghiệp làm ăn có lãi, lợi nhuận tăng cao, công ty bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước giao, nộp ngân sách đủ và năng suất lao động tăng, các sếp DNNN sẽ chỉ được hưởng hệ số tối đa là 0,5 lần so với mức lương cơ bản trên. Tính ra, mức lương tối đa cho vị trí chủ tịch tập đoàn chỉ là 54 triệu đồng/tháng, còn tổng giám đốc tập đoàn là 52,5 triệu đồng/tháng.

Chỉ đạt lợi nhuận bằng năm trước, các chức danh trên sẽ chỉ được ăn lương bằng đúng lương cơ bản, chỉ dao động từ 35-36 triệu đồng/tháng.

Nếu kết quả kinh doanh lỗ, các sếp DNNN sẽ buộc phải ăn lương chế độ như công chức. Ví dụ, hệ số lương của vị chủ tịch tập đoàn theo chính sách trên là từ 8,8- 9,1 lần, nhân với mức lương chế độ (hay còn gọi là lương cơ sở, lương tối thiểu) là 1,150 triệu đồng/tháng, họ sẽ chỉ được trả lương 10,12-10,465 triệu đồng/tháng. Tương tự, lương của tổng giám đốc khi doanh nghiệp lỗ sẽ chỉ còn 9,775-10,12 triệu đồng/tháng.

Như VietNamNet đã phản ánh, năm 2011-2012, có tới 19 sếp tập đoàn, tổng công ty hưởng thu nhập tới hơn 1 tỷ đồng/năm. Trong đó, sếp "giàu" nhất hưởng thu nhập tới 3,2 tỷ/năm. Tính trung bình, mỗi tháng, có sếp hưởng thu nhập tới 275 triệu đồng/tháng và thấp nhất trong số này cũng là mức 85 triệu đồng/tháng.

Rõ ràng, khi so sánh với con số khống chế tối đa là 54 triệu/tháng, mức thu nhập trên cao kỷ lục. Tuy nhiên, theo đại diện của Vụ Lao động tiền lương, thu nhập tiền tỷ trên có thể đã bao gồm cả tiền trích thưởng, tiền phụ cấp, tiền thù lao kiêm nhiệm, tiền phụ cấp ăn, đi lại, công tác... Báo cáo tới Bộ LĐ-TB&XH, mức lương trên sổ sách của các sếp này vẫn "chuẩn" như quy định, trung bình cũng chỉ trên dưới 50 triệu đồng/tháng.

Một nguồn tin tiết lộ, đơn cử như tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), lương của các vị chủ tịch, tổng giám đốc chỉ là 58 triệu đồng/tháng, nhưng tổng thu nhập báo cáo cơ quan thuế năm 2011 đã là 105 triệu đồng/tháng, năm 2012 là 95 triệu đồng/tháng. Tổng lương cả năm của một lãnh đạo, theo quy chế của tổng công ty này, là 696 triệu đồng, nhưng tổng thu nhập thực tế lên tới gấp đôi, tới 1,1-1,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nếu soi vào quy định mới, chắc chắn mức lương các lãnh đạo Vietnam Airlines đang hưởng sẽ bị giảm đáng kể, nhất là nếu kết quả kinh doanh của đơn vị này không đạt.

Tránh nhập nhèm, "ăn gian" lương nhân viên

Thực tế thì như nhiều ý kiến đề cập, lương chỉ là phụ, bổng lộc từ chiếc ghế tổng giám đốc, chủ tịch tập đoàn mang lại mới là nhiều.

Đại diện Vụ Lao động tiền lương thừa nhận thời gian qua, vấn đề bức xúc nhất là có sự nhập nhèm, làm sai quy định trong việc phân phối tiền lương. Đáng lẽ, quỹ lương cho các vị trí quản lý và quỹ lương cho người lao động phải tách riêng thì một số doanh nghiệp đã 'trộn" chung lại, sau đó mới phân phối. Và trong cơ chế phân phối này, các DN đã lấy quỹ lương của người lao động trả cho người quản lý.



Vị này dẫn chứng, chẳng hạn một quỹ lương là 50 tỷ đồng chia cho 5.000 lao động, một quỹ là 1 tỷ, chia cho 10 vị lãnh đạo. Khi cộng chung lại, quỹ là 51 tỷ đồng. Khi chia lương, các DN tính lương cho sếp có khi cao gấp 30 lần lương người lao động, tổng lương thực tế trả cho các sếp quản lý có thể tới 3 tỷ. Điều này cũng đồng nghĩa, những người lãnh đạo đã 'ăn gian" tới 2 tỷ đồng tiền lương của công nhân viên. Đó chính là mánh khóe ăn lương tiền tỷ gây xôn xao dư luận vừa qua ở 4 doanh nghiệp công ích tại TP.HCM. Và đây cũng là "thủ thuật" phổ biến ở những đơn vị có mức lương lãnh đạo và lương nhân viên chênh lệch bất thường.

Trong khi đó, tính minh bạch, dân chủ trong việc xây dựng quy chế trả lương, thưởng tại các DNNN hiện nay rất kém.

"Quy chế lương phải có sự tham gia của công đoàn, người lao động, nhưng thực tế, người lao động sợ sếp, để sếp ăn lương gấp mấy chục lần lương mình mà không dám nói. Tổ chức Công đoàn không cứ ký đại vào bảng lương này, người lao động không hề biết. Chỉ khi thanh tra, kiểm toán đến mới khui ra được những sai phạm trong phân phối tiền lương. Khi đó, mọi chuyện đã là sự đã rồi" - vị lãnh đạo Vụ Lao động tiền lương nói.

Theo đại diện Bộ LĐ-TB&XH, sếp DNNN ngồi ghế lãnh đạo là do Nhà nước bổ nhiệm. Nhà nước giao nhiệm vụ, đánh giá và trả lương cho các vị lãnh đạo này. Vốn của doanh nghiệp cũng là vốn của nhà nước, các sếp chỉ là người đại diện, thay mặt nhà nước quản lý, sử dụng sao cho hiệu quả. Vì thế, các sếp DNNN phải chịu sự quản lý và khống chế về tiền lương.

Tới đây, theo Nghị định 51, các vị trí lãnh đạo DNNN cũng gần như những công chức, chỉ được ăn lương theo hệ số. Hết nhiệm kỳ, họ có thể rời vị trí này.

Đặc biệt, cơ chế mới 'cấm chuyện" dùng quỹ lương của người lao động trả cho viên chức quản lý.

Điểm quan trong hơn, Nghị định 51 yêu cầu hàng năm, những người nắm vị trí lãnh đạo phải chịu trách nhiệm công bố cụ thể lương, thưởng, thù lao... của từng cá nhân lên website công ty và các bộ chủ quản.
Theo Phạm Huyền/Vef