“Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội là nơi phát triển con người, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, sáng tạo công nghệ và chuyển giao tri thức, phục vụ xã hội và đất nước.
Tôi xác định việc đổi mới trong giảng dạy là một câu chuyện khá thách thức, đặc biệt vì đây là trường công nghệ mà công nghệ thì thường thay đổi rất nhanh.
Một thách thức nữa với việc số hóa, chuyển đổi số trong lĩnh vực giảng dạy nó cũng thay đổi cực kỳ nhanh chóng, không những vậy nó còn thay đổi căn bản cả cách học, cách suy nghĩ.
Ví dụ, trước đây chúng ta có giáo trình như đọc, chép, làm bài tập…nhưng hiện nay việc số hóa dẫn tới việc lượng bài giảng, giáo trình bao gồm nhiều thứ tiếng trên thế giới tăng lên rất nhiều.
Tôi luôn suy nghĩ, tìm cách làm thế nào để nhiều trường đại học ở Việt Nam tận dụng kho dữ liệu tổng hợp khổng lồ đó? Hơn nữa sinh viên cần phải đọc và tham khảo trước nội dung học tập để khi đến lớp sẽ là trao đổi, là thực hành…chuyên sâu hơn vào lĩnh vực, vào định hướng nghiên cứu đào tạo của bản thân”.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sỹ Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã chia sẻ.
Phó giáo sư, Tiến sỹ Huỳnh Quyết Thắng đặt ra mục tiêu đưa Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lên nhóm 601- 800 các trường đại học tốt nhất thế giới. Ảnh đồ họa: Tùng Dương. |
Thầy Thắng cho biết: “Như vậy câu chuyện học đã thay đổi rất căn bản về phương pháp, cũng như tư duy về học tập của cả thầy và trò.
Giáo viên sẽ tận dụng được kho dữ liệu bài giảng khổng lồ và từ đó phát triển thêm những định hướng đặc thù của riêng mình chứ không phải giáo viên lại đi xây dựng bài giảng.
Sinh viên cũng phải hiểu được khái niệm rằng mình cần phải đọc bài trước, sau đó sẽ là trao đổi thảo luận để hiểu sâu hơn vấn đề, chứ không phải là học vấn đề từ những định nghĩa…
Tôi luôn luôn định hướng cách học cho sinh viên, là học qua trải nghiệm qua vận dụng, học để sáng tạo và đổi mới, và như thế môi trường học tập cũng phải khác biệt theo, ví dụ các trang Web môn học cần phải nhiều hơn, các câu hỏi nội dung trao đổi phải tốt hơn.
Phần thực hành, nghiên cứu…cũng phải đi theo như thế và đặc biệt những chuyên đề, bài tập, vấn đề của môn học đấy để giúp cho sinh viên tập hợp nhóm, khám phá chuyên sâu hơn nội dung môn học.
Quan điểm của tôi đó sẽ là cách học của những năm 2021 - 2025 và thậm chí đến 2030, các trường đại học cần thay đổi phương pháp và tư duy đào tạo cả trong quản lý ở nhà trường, cả thầy và trò đều phải đổi mới.
Có ba thứ cần phải đổi mới ở người thầy, thứ nhất: Cần phải xác định xem xu hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực mình làm việc nó thay đổi thế nào? Từ đó mỗi giáo viên phải thay đổi nội dung môn dạy của mình theo định hướng phát triển cho 5 đến 10 năm tới.
Thứ hai: Những học liệu tương tự ở trên thế giới với mỗi môn hoặc ngành học bao giờ cũng có nhóm chuyên môn rất nổi tiếng, không phải chỉ có đặc thù ở mỗi Việt Nam, trừ những môn đặc biệt liên quan đến ngành nghề Bách Khoa là trường kỹ thuật. Cần xem họ thay đổi ra sao để mà thay đổi theo.
Mỗi người thầy cần tận dụng những kết quả của thế giới và ở Việt Nam đã đạt được thế nào để chúng ta phát triển bài giảng của mình.
Thứ ba: Từ những bài giảng đó xây dựng thành những nội dung môn học dưới dạng các bài nghiên cứu, các thảo luận chuyên đề áp dụng cụ thể và một số lĩnh vực nội dung nghiên cứu”.
Buổi lễ ký kết online giữa Asahi Glass Foundation và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội ngày 12/11/2020. Ảnh: Nhà trường cung cấp. |
Theo thầy Thắng: “Mỗi một môn học nó sẽ đáp ứng một yếu tố nào đó, một chuẩn đầu ra của chương trình, ví dụ môn học này sẽ định hướng cần phải làm việc với một số doanh nghiệp đặc thù và họ sẽ có nhu cầu phát triển trong Công nghệ thông tin, với trí tuệ nhân tạo…
Tôi nhận thấy những vấn đề nóng nhất hiện nay áp dụng cho các doanh nghiệp sẽ trở thành những bài tập, những nội dung nghiên cứu chuyên sâu giúp cho sinh viên học tập từ Web site, rồi áp dụng những cái đó trở thành những nội dung nghiên cứu chuyên sâu của sinh viên tự phát triển lên.
Từ đó có thể giải quyết một vấn đề nhỏ của doanh nghiệp, hoặc sinh viên có thể nghiên cứu tốt hơn phát triển trở thành Topich nghiên cứu tương tự như các nhóm trên thế giới.
Theo tôi từ đó sẽ có 2 loại kết quả, một là giải pháp áp dụng được ngay cho các doanh nghiệp dù rất bé những nó có giá trị hữu ích nhằm cải tiến công việc. Hai là những giá trị nghiên cứ có tính chất chuyên sâu, có thể trở thành các bài báo công bố khoa học. Theo tôi mỗi môn học cần phải thay đổi như vậy.
Mỗi môn học sẽ hình thành một nhóm 4 đến 5 sinh viên tự phân công nhau cùng tìm tòi nghiên cứu, cùng triển khai xây dựng sản phẩm và chứng minh sản phẩm đó đạt hiệu quả cao. Qua đó sinh viên dần dần hình thành một tác phong chuyên nghiệp, thành một cử nhân, kỹ sư tốt hoặc một nhà nghiên cứu tốt.
Chính vì vậy mà tôi luôn đẩy mạnh hơn việc hợp tác với doanh nghiệp cũng như hợp tác quốc tế để định hướng sớm nhu cầu việc làm của sinh viên. Ngoài ra, một mục rất quan trọng đó là phát triển đổi mới sáng tạo của sinh viên và giảng viên của trường tôi cũng luôn chú trọng.
Tôi đặt mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất để các giảng viên luôn đổi mới trong nghiên cứu và giảng dạy, hợp tác chặt chẽ với công nghiệp và hợp tác quốc tế, đồng thời tôi cũng áp dụng các chỉ số đo lường và đánh giá hiệu quả (KPI) để giúp đánh giá giám sát hiệu quả công việc.
Với người học, bên cạnh học tập trên lớp và tạo môi trường các Câu lạc bộ, các LAB nghiên cứu để thu hút sinh viên, nhà trường luôn có bộ phận hỗ trợ và tư vấn.
Đoàn thanh niên, các Viện chuyên ngành, Phòng Công tác sinh viên giúp tư vấn các em hiểu rõ hơn các phương pháp học tập ở bậc đại học, tầm quan trọng của việc tự học, tự nghiên cứu, sự cần thiết tham gia các LAB nghiên cứu.
Tôi đặc biệt quan tâm tới việc định hướng con đường phát triển bản thân của sinh viên, giúp các em xác định rõ hướng phát triển, đi làm hay đi học tiếp sau khi tốt nghiệp? Từ đó có các lựa chọn phù hợp để đạt được mục tiêu đề ra".
Cơ sở vật chất tốt sẽ thúc đẩy sinh viên học tập
Thầy Thắng nói: "Tôi ý thức môi trường học tập cũng đặc biệt quan trọng. Nhà trường luôn có kế hoạch để hoàn thiện hơn cơ sở vật chất, điều kiện thực hành những môn học cơ sở và chuyên ngành, đồng thời, xây dựng các LAB nghiên cứu, hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp và quốc tế, tạo điều kiện để các em giỏi có thể phát huy tốt nhất năng lực bản thân cũng được nhà trường chú trọng.
Tôi tin rằng, môi trường thân thiện, không gian mở, tạo điều kiện làm việc nhóm sẽ phát huy tốt nhất năng lực nghiên cứu sáng tạo của thầy và trò nhà trường”.
Phó giáo sư, Tiến sỹ Huỳnh Quyết Thắng (bên trái), Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, và ông Takuya Shimamura, Chủ tịch Quỹ Asahi Glass Foundation, ký kết online ngày 12/11/2020. Ảnh: Nhà trường cung cấp. |
Theo thầy Thắng: “Điều may mắn là tôi được học ở môi trường Châu Âu và ở đây họ khá chú trọng tạo điều kiện cho sinh viên, nghiên cứu sinh…các thầy cô luôn muốn phát triển năng lực, tư duy, suy nghĩ cho sinh viên.
Và tôi đã áp dụng những điều mình học được vào Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, đặc biệt là các giảng viên, các sinh viên giỏi thì môi trường để thầy cô và các em phát huy khả năng sáng tạo là cực kỳ quan trọng.
Điều thứ hai tôi áp dụng được trong lĩnh vực Khoa học máy tính vì đây là một lĩnh vực rất đặc thù thay đổi liên tục. Tôi thường nhắc sinh viên chúng ta luôn phải cập nhật, học hỏi nâng cao trình độ, luôn phải đọc, phải thay đổi những bài giảng, đặc biệt là trong lĩnh vực Công nghệ thông tin.
Từ đó hình thành quan điểm trong khoa học công nghệ nói chung phải luôn luôn cập nhật, đổi mới sáng tạo bài giảng cho kịp với xu hướng quốc tế. Đó là điều tôi tâm đắc và đang được thực hiện tại trường”.
Thầy Thắng chia sẻ thêm: “Tôi cũng đã có những nghiên cứu để tránh những lãng phí cho nguồn lực của xã hội nói chung và của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội nói riêng.
Ở góc độ nhà quản lý tôi luôn có định hướng tìm hiểu nhu cầu của phát triển công nghệ, nhu cầu của các doanh nghiệp. Ví dụ ngay như trường chúng tôi luôn luôn có những mạng lưới kết hợp với nhiều doanh nghiệp để xem xét các nhu cầu, sự thay đổi, sự phát triển của ngành nghề trong vòng 10 năm tiếp theo.
Từ đó có những định hướng xây dựng nghề mới cho phù hợp, trong đào tạo có độ trễ khi chúng ta tuyển sinh thì các em phải 4 đến 5 năm sau mới ra trường và lúc đó việc nhìn nhận nhu cầu xã hội về ngành nghề đó thế nào, có thay đổi hay không? Việc này tôi đang cố gắng thực hiện một cách tốt nhất.
Trong quá trình đào tạo tôi luôn có sự thay đổi, cập nhật để phù hợp với các doanh nghiệp, thực tế là nhu cầu thị trường làm việc trong nước cũng như quốc tế luôn thay đổi theo từng năm. Đó là hai việc rất quan trọng nếu không làm tốt sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực.
Hàng năm tôi luôn quan tâm xây dựng các chương trình đào tạo, định hướng các ngành nghề, luôn có sự tham khảo của thị trường, có nhu cầu hay không và ở mức nào? Khả năng tuyển dụng của các doanh nghiệp ra sao?
Hàng năm trong quá trình cập nhật các môn học, tôi đã mời các doanh nghiệp đến cho ý kiến về việc các môn học cần thay đổi ra sao? Một số viện liên quan đến đào tạo Công nghệ thông tin thì tôi đã tích hợp lại, xây dựng mới một số chương trình đào tạo như Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo.
Tích hợp lại một số các chương trình đào tạo về Khoa học máy tính đã hiệu chỉnh, thay đổi các nội dung môn học để phù hợp hơn. Một số ngành như cơ khí, tôi đã tìm hiểu và thay đổi căn bản những chương trình đào tạo để phù hợp hơn với việc tự động hóa như hiện nay trong các doanh nghiệp cơ khí”.
Phó giáo sư, Tiến sỹ Huỳnh Quyết Thắng (ngồi giữa) trong một buổi tư vấn trực tuyến của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ảnh: Nhà trường cung cấp. |
Thầy Thắng cho biết thêm: “Trong năm 2020, Trường đại học Bách khoa Hà Nội có vị trí trong TOP 1000 trường đại học tốt nhất thế giới và TOP 400 các trường đại học về lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ theo các bảng xếp hạng do Times Higher Education thực hiện và công bố.
Hai nhóm ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử; Kỹ thuật Cơ khí, Hàng không và Chế tạo được xếp hạng 351-400 và nhóm ngành Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin; Toán học xếp trong tốp 451-500 thế giới theo Bảng xếp hạng QS World University Ranking by Subject 2020.
Với nhiệm vụ phát triển Đại học Bách Khoa Hà Nội trong đó xây dựng 6 trường thể hiện những lĩnh vực thế mạnh hiện nay: Cơ khí, Điện - Điên tử, Vật liệu, Hóa-Sinh-Thực phẩm-Môi trường, Công nghệ thông tin, Kinh tế-Xã hội, các trường sẽ được hợp nhất, phát triển từ các viện đào tạo và nghiên cứu hiện nay, trên cơ sở xem xét một cách khoa học định hướng phát triển các ngành đào tạo, các định hướng nghiên cứu ứng dụng và chuyên sâu.
Sẽ có mô hình và cơ cấu tổ chức phù hợp, đảm bảo tính tự chủ và hiệu quả trong giảng dạy và nghiên cứu. Như thế, Đại học Bách Khoa Hà Nội sẽ phát triển mạnh mẽ theo triết lý “một Bách Khoa”, đa ngành, đa lĩnh vực, đảm bảo sự cạnh tranh trong khu vực và quốc tế”.
Phó giáo sư, Tiến sỹ Huỳnh Quyết Thắng (sinh năm 1967) là giảng viên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội từ năm 1998.
Năm 2009, ông giữ chức vụ Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông.
Ông Thắng nhận học vị Tiến sĩ ngành Khoa học máy tính và thông tin tại Trường đại học Kỹ thuật Varna, Cộng hòa Bulgaria năm 1996.
Ông đã công bố hơn 80 bài báo trên các tạp chí, hội nghị trong và ngoài nước.
Phó giáo sư, Tiến sỹ Huỳnh Quyết Thắng là thành viên của Hiệp hội quốc tế ACM về nghiên cứu, giáo dục ngành Khoa học máy tính và Tin học uy tín nhất thế giới với hơn 100.000 hội viên, Hội Kỹ sư điện và điện tử IEEE, Hội Tin học Việt Nam và Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam.
Tháng 9/2020, Phó giáo sư, Tiến sỹ Huỳnh Quyết Thắng đã trở thành hiệu trưởng thứ 13 của Trường đại học Bách khoa Hà Nội.
Trên cương vị lãnh đạo mới, Phó giáo sư, Tiến sỹ Huỳnh Quyết Thắng đặt ra mục tiêu đưa Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lên nhóm 601- 800 các trường đại học tốt nhất thế giới.
Ông Thắng cũng cam kết sẽ đưa Trường Đại học Bách khoa Hà Nội hướng đến tăng chất lượng đào tạo đại học, tăng quy mô đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ.
Phó giáo sư, Tiến sỹ Huỳnh Quyết Thắng còn kỳ vọng sẽ thúc đẩy mảng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ cho khu vực tư nhân và thu hút đầu tư vào các công ty công nghệ khởi nghiệp với hình thức Nhà trường và nhà khoa học đồng sở hữu.
Ông Thắng xin cam kết luôn vì lợi ích tập thể, thực hiện tốt nhất để Trường Đại học Bách khoa Hà Nội luôn là môi trường đại học hình mẫu về tự chủ, về đổi mới sáng tạo, nơi thầy và trò được phát triển tài năng của mình công bằng và minh bạch.