Thầy Vũ Văn Viện trở thành PGS đầu tiên ngành Văn hóa Du lịch của Quảng Ninh

20/11/2024 11:49
Thùy Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Chặng đường học tập và nghiên cứu của thầy Vũ Văn Viện luôn gắn liền với du lịch của quê hương Quảng Ninh.

Tiến sĩ Vũ Văn Viện, Trưởng Khoa Du lịch Trường Đại học Hạ Long, vừa đạt chuẩn chức danh Phó giáo sư năm 2024, trở thành phó giáo sư đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh trong lĩnh vực Văn hóa Du lịch.

Thầy Vũ Văn Viện, sinh ngày 28 tháng 5 năm 1978, là người con của quê hương Quảng Ninh, nơi đã nuôi dưỡng tình yêu và niềm đam mê sâu sắc với ngành du lịch. Ngay từ thời học phổ thông, cậu học trò tên Viện đã mơ ước được khám phá những danh thắng nổi tiếng, giao lưu với bạn bè bốn phương và góp phần quảng bá vẻ đẹp của quê hương mình. Đó là cơ duyên đã đưa thầy Viện đến với giảng dạy trong lĩnh vực du lịch.

z6046738715823_3567e906e2a04904ea0d39ee7ecc6c7c.jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Viện. Ảnh: NVCC.

Đây cũng là cách để thầy thực hiện ước mơ về du lịch mà còn là con đường giúp thầy đóng góp cho sự phát triển ngành du lịch của Quảng Ninh, truyền cảm hứng và đào tạo thế hệ trẻ, những người tiếp bước để nâng tầm du lịch quê hương trên bản đồ thế giới.

Hành trình công tác, nghiên cứu gắn liền với sự phát triển ngành Du lịch Quảng Ninh

Thầy Vũ Văn Viện chia sẻ, từ khi còn học cấp 3, ông đã bị cuốn hút bởi ngành du lịch. Trong suy nghĩ non trẻ thời đó, du lịch không chỉ là cơ hội được đi nhiều nơi, khám phá các danh thắng ở Việt Nam mà còn là cánh cửa để vươn ra thế giới, giao lưu với bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, vào cuối những năm 1990, ngành du lịch tại Việt Nam và Quảng Ninh vẫn còn rất sơ khai, với rất ít trường đào tạo về lĩnh vực này. Chính vì thế, việc lựa chọn học ngành Quản trị Du lịch tại Trường Đại học Phương Đông (Hà Nội) đã đánh dấu bước khởi đầu cho hành trình theo đuổi đam mê của ông.

Tóm tắt quá trình công tác của thầy Vũ Văn Viện:

Từ tháng 10/2003 - 9/2006: Trưởng bộ môn lễ tân, Khoa Quản trị kinh doanh Khách sạn, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long

Từ tháng 10/2006 - 8/2009: Phó Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Khách sạn, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long

Từ tháng 9/2009 - 9/2010: Phó Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Lữ hành, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long.

Từ tháng 10/2010 - 9/2014 : Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Lữ hành, Phó bí thư chi bộ, Phó chủ tịch Công đoàn trường, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long

Từ tháng 10/2014 - 4/2017: Phó khoa Du lịch, Đảng ủy viên, Bí thư chi bộ, Trường Đại học Hạ Long; Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội du lịch Quảng Ninh.

Từ tháng 02/2018 - đến nay: Uỷ viên hội đồng Trường; Trưởng khoa Du lịch; Đảng ủy viên, Bí thư chi bộ, Trường Đại học Hạ Long; Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Ninh; Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khối đào tạo du lịch thuộc Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam.

Quảng Ninh, quê hương của ông, khi đó đã nổi danh với Vịnh Hạ Long, Hòn Trống Mái và nhiều di tích, danh thắng, nhưng ngành du lịch địa phương vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết. Sau khi tốt nghiệp, ông có cơ hội làm việc trong các công ty lữ hành tại Hà Nội và từng nghĩ đến việc trở về Móng Cái để phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực khách sạn, nơi du lịch đang phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, một cơ duyên đặc biệt đã mở ra con đường giảng dạy mà ông không ngờ tới.

Thời điểm đó, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long, nơi còn chưa có chương trình đào tạo du lịch chính thức, đã bắt đầu hợp tác với các trường đại học lớn để triển khai những khóa học ngắn hạn về ngành này. Chính cô hiệu trưởng của trường, người đã nhen nhóm ý tưởng đào tạo du lịch tại Quảng Ninh, cùng với lời khuyên từ một người bạn của gia đình, đã truyền cảm hứng và khuyến khích ông chuyển hướng sang làm giảng viên. Ông nhận ra rằng, giảng dạy về du lịch không chỉ giúp ông tiếp tục niềm đam mê khám phá mà còn là cơ hội để lan tỏa tình yêu dành cho quê hương, truyền lửa và kiến thức cho các thế hệ trẻ.

Một yếu tố cá nhân khác cũng góp phần định hướng con đường của ông. Người bạn đời của ông, cũng là người con Quảng Ninh, đã quyết định trở về quê hương làm việc trong ngành ngân hàng sau khi tốt nghiệp. Vì muốn được gần gũi và xây dựng sự nghiệp tại nơi cả hai cùng gắn bó, ông đã chọn quay về Quảng Ninh. Quyết định này không chỉ là sự lựa chọn nghề nghiệp mà còn gắn liền với những tình cảm gia đình và mối duyên của ông với quê hương.

Thầy Vũ Văn Viện nhớ lại rằng, thời điểm đó, du lịch chưa được nhìn nhận như một ngành nghề triển vọng. Nhưng hiện nay, khi các quốc gia trên thế giới đều chú trọng phát triển kinh tế xanh và bền vững, ngành du lịch đã chứng minh vai trò quan trọng của mình. Theo ông, du lịch không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn đảm bảo bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên một cách hài hòa và giữ được những giá trị nguyên bản của tự nhiên – điều mà các ngành công nghiệp nặng không thể làm được. Chính sự phát triển này đã khẳng định vị trí xứng đáng của ngành du lịch trong nền kinh tế và đời sống xã hội hiện đại.

dđ.jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Viện tại Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam của Trường Đại học Hạ Long. Ảnh: NVCC.

Thầy Vũ Văn Viện đã bắt đầu sự nghiệp giảng dạy tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long từ năm 2003, và chỉ trong một thời gian ngắn, thầy đã đảm nhiệm vai trò trưởng bộ môn và phó khoa Khoa Quản trị khách sạn. Để đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, thầy đã quyết định học thạc sĩ ngành Du lịch học tại Trường Đại học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) vào năm 2006. Sự nỗ lực không ngừng nghỉ đã giúp thầy tiếp tục học nghiên cứu sinh vào năm 2012, nhờ vào sự hỗ trợ của ban giám hiệu nhà trường và tỉnh Quảng Ninh.

Một trong những thuận lợi lớn trên con đường học vấn của thầy là sự khuyến khích từ Đảng ủy và ban giám hiệu nhà trường, đặc biệt là việc tỉnh Quảng Ninh tài trợ toàn bộ chi phí cho việc học nghiên cứu sinh. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của tỉnh đối với nguồn nhân lực mà còn khẳng định chiến lược đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong bối cảnh du lịch Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ và trở thành một điểm đến hàng đầu tại Việt Nam, tỉnh đã rất chú trọng việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, yếu tố quyết định sự bền vững và sự phát triển lâu dài của ngành du lịch. Đây chính là một trong những thuận lợi lớn giúp thầy có thể nâng cao trình độ, đóng góp vào sự phát triển của ngành du lịch tỉnh nhà.

Thầy Viện chia sẻ thêm, một trong những thuận lợi lớn là việc tiếp cận thực tế ngay từ sớm đã giúp thầy tích lũy được những bài học kinh nghiệm quý báu và đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn. Nhờ đó, thầy có thể nhìn nhận rõ ràng hơn về thực trạng du lịch nói chung và vấn đề nhân lực du lịch, với góc nhìn chi tiết, thực tế và gần gũi, đồng thời đưa ra những giải pháp khả thi cao cho tình hình du lịch tại tỉnh Quảng Ninh, điều này đã giúp thầy rất nhiều trong con nghiên cứu khoa học.

Picture1.jpg
Tiến sĩ Vũ Văn Viện đạt chuẩn chức danh Phó Giáo sư năm 2024. Ảnh: NVCC.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Viện cho hay, “Trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học, hai đề tài cấp tỉnh mà thầy thực hiện là "Xây dựng mô hình làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh" và "Nghiên cứu xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh" là hai đề tài nghiên cứu mà tôi tâm đắc. Hai nghiên cứu này đã góp phần tạo ra sản phẩm mới, làm phong phú thêm các loại hình du lịch của tỉnh Quảng Ninh”.

Thầy Viện phân tích, du lịch Quảng Ninh nổi bật với biển, tâm linh và nghỉ dưỡng, nhưng nhu cầu du khách ngày nay đã thay đổi. Du khách mong muốn trải nghiệm những giá trị văn hóa độc đáo, gần gũi thiên nhiên và cộng đồng. Đề tài về làng nghề truyền thống hướng đến việc phát triển những làng nghề này thành điểm đến du lịch, nơi du khách có thể tham quan và tương tác với cộng đồng địa phương. Còn đề tài du lịch nông nghiệp nông thôn tập trung vào việc kết hợp sản phẩm nông nghiệp với du lịch, tạo ra những trải nghiệm mới cho du khách.

Cả hai đề tài không chỉ giúp đa dạng hóa sản phẩm du lịch mà còn góp phần nâng cao giá trị cho người dân địa phương, đặc biệt là trong việc chuyển dịch cơ cấu nghề nghiệp từ nông nghiệp sang dịch vụ và du lịch. Điều thầy cảm thấy tâm đắc nhất là những nghiên cứu này đã giúp cải thiện thu nhập và tạo công ăn việc làm cho người dân, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa và cộng đồng dân tộc thiểu số.

Thầy Viện bày tỏ mong muốn lan tỏa ý thức về sự phát triển du lịch và chuyển đổi cơ cấu kinh tế đến các bà con vùng sâu, vùng xa, bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có khả năng thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành khác.

Đam mê khám phá và khát khao kiến tạo

Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Viện nhận định nguồn nhân lực du lịch tỉnh Quảng Ninh hiện nay đã có những bước phát triển vượt bậc so với 10 năm trước. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển này là sự ra đời của Trường Đại học Hạ Long vào năm 2014. Trường đã cung cấp một môi trường đào tạo chính quy, chuẩn mực và toàn diện cho nguồn nhân lực du lịch, không chỉ phục vụ cho tỉnh Quảng Ninh mà còn cho các tỉnh lân cận. Trường đã đào tạo ra các cử nhân du lịch với nhiều ngành nghề khác nhau, giúp tạo dựng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề nghiệp vững vàng, thái độ phục vụ tốt và kiến thức chung sâu rộng, đáp ứng được yêu cầu cao của khách du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh cũng có lợi thế lớn nhờ có nhiều cửa khẩu thông thương với khách quốc tế, đặc biệt là khách Trung Quốc. Điều này tạo ra môi trường "va chạm" thực tế cho nhân lực du lịch, giúp họ tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu trong công tác đón tiếp và phục vụ khách. Quảng Ninh cũng có rất nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, từ du thuyền, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp đến du lịch tâm linh, giúp nhân lực du lịch có cơ hội tiếp xúc và học hỏi trong một môi trường phong phú và đầy thử thách.

Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao từ các khách hàng cao cấp và các nhà đầu tư, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng thương hiệu quốc tế, nhân lực du lịch tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục nỗ lực trau dồi kiến thức và khắc phục một số điểm yếu hiện tại.

Một trong những vấn đề mà Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Viện cho rằng cần phải thay đổi chính là thái độ làm việc của nhân lực du lịch. Các bạn trẻ hiện nay được sinh ra và lớn lên trong một môi trường đầy đủ hơn so với thế hệ trước, được gia đình và xã hội chăm sóc chu đáo. Điều này đôi khi khiến họ chưa thực sự nhận thức được tầm quan trọng của việc phục vụ người khác trong ngành du lịch. Học du lịch không chỉ là học nghề mà còn là học cách phục vụ khách hàng một cách chuyên nghiệp và đạt chuẩn quốc tế. Đây là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại tỉnh Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung.

Bên cạnh đó, một yêu cầu khác đối với nguồn nhân lực du lịch là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt, trong bối cảnh các công ty lữ hành, khách sạn và khu nghỉ dưỡng thương hiệu quốc tế đang ngày càng phát triển, việc tiếp cận và khai thác công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), trong dịch vụ khách hàng là rất cần thiết. Các bạn trẻ trong ngành du lịch cần phải mở rộng kiến thức và sáng tạo nhiều ý tưởng mới, thiết kế các sản phẩm du lịch độc đáo, phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Viện cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đa dạng hóa các ngoại ngữ trong đội ngũ nhân lực du lịch. Với xu hướng gia tăng lượng khách Halal, khách Hồi giáo vào Việt Nam và vào tỉnh Quảng Ninh, ngành du lịch cần nhanh chóng nâng cấp dịch vụ và đào tạo nhân lực có đủ kiến thức để phục vụ khách hàng thuộc nhóm này. Đây là một cơ hội lớn để Quảng Ninh và Việt Nam nâng cao giá trị du lịch và thu hút thêm nhiều đối tượng khách du lịch quốc tế.

Một số giải thưởng, bằng khen trong quá trình công tác của Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Viện:
Được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tặng bằng khen 4 lần (vào các năm 2017, 2021, 2022, 2023);

Được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen 3 lần (vào các năm 2015, 2018, 2022).

Được Liên đoàn lao động tỉnh Quảng Ninh tặng bằng khen 3 lần (vào các năm 2015, 2018, 2022).

Được Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tặng bằng khen năm 2018, Hiệp Hội Du lịch Việt Nam tặng bằng khen 2 lần ( vào các năm 2020, 2022).

Được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen năm 2020.

Được công nhận là Chiến sĩ Thi đua cấp Tỉnh (vào các năm 2016, 2020, 2023).

Được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh vinh danh Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu của tỉnh năm 2021.

Thùy Trang