Lừa khách nước ngoài bằng tiền âm phủ Chia sẻ với báo điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Vương T.T - hướng dẫn viên của một công ty du lịch lớn ở Hà Nội không giấu sự ngán ngẩm nhắc đến việc đưa khách đi tour Sầm Sơn (Thanh Hóa). Theo chị T.T, hầu như điểm du lịch nào ở Sầm Sơn cũng có chuyện đắt đỏ chặt chém nhưng ở những nơi du lịch theo mùa như các bãi biển thì chuyện chặt chém đáng sợ hơn. “Càng ngày lượng khách đặt tour đi Sầm Sơn ở công ty tôi càng ít hơn các địa điểm khác. Thứ nhất, Sầm Sơn biển không đẹp và nước đục hơn Cửa Lò (Nghệ An) hay Thiên Cầm (Hà Tĩnh), nhiều khách đi về than vãn chuyến đi không vui…. Nếu khách có nhu cầu du lịch họ cũng tìm hiểu và chấp nhận đi xa hơn nhất là những gia đình có trẻ nhỏ” – chị T.T cho biết
Bất cứ ai đến Sầm Sơn đều chứng kiến cảnh đe dọa, chặt chém này |
Mỗi năm chị T.T chỉ dẫn khoảng 3,4 lượt khách về Sầm Sơn nhưng mỗi lần đi, chị đều cám cảnh: “Trách nhiệm công việc thì phải đi chứ đi Sầm Sơn là ngại nhất” . Hàng loạt những ấn tượng không đẹp ở Sầm Sơn như báo chí đã nói từ chặt chém, ép du khách chị đều "nếm trải" nhưng với chị ngại nhất là dẫn các đoàn khách nước ngoài đến đây. "Nếu là khách Việt mình còn đỡ xấu hổ chứ khách nước ngoài thì không còn gì để nói nữa", chị T.T thừa nhận.
“Một lần dẫn khách về Sầm Sơn, mình gặp hai vị khách du lịch là người Úc. Họ không biết nói tiếng Việt nên khi thấy mình là hướng dẫn viên họ chạy đến hỏi mình rằng tại sao ở đây họ không tiêu được tiền này. Họ đưa cho ai người ta cũng lắc đầu không nhận. Nhìn mấy đồng tiền tiền âm phủ polime hai vị khách đưa cho xem, mình hỏi tiền này ở đâu ra, họ bảo vừa mua hàng được người ta trả lại. Mình không dám giải thích cho họ đó là tiền âm phủ mà chỉ bảo tiền giả và họ sẽ không tiêu được. Lúc đó, mình thấy ái ngại và nhìn hai vị khách đáng thương đến tội nghiệp khi biết mình bị lừa”, chị T.T tức giận. Hình ảnh hai vị khách nước ngoài với những đồng tiền âm phủ trên tay đó cứ ám ảnh trong đầu chị Thùy mãi mỗi khi đưa khách đi Sầm SơnĐánh tráo đồ ăn Nhắc đến những "độc chiêu" chặt chém ở biển Sầm Sơn, chị T.T cho biết có quá nhiều, thậm chí trở thành ác mộng của chính hướng dẫn viên. Dẫn khách đi Sầm Sơn, mặc dù mình là người trong công ty chứ không phải khách lẻ mà vẫn bị họ “chém đẹp”. Điển hình, khách gọi đồ ăn dễ bị đánh tráo thức ăn. Nhìn những con ghẹ hay con cua còn sống đang bơi trong bể hải sản của họ, khách mua cân đàng hoàng nhưng khi đưa ra bàn ăn thì không bao giờ được cua ghẹ ngon mà chỉ là cua ghẹ óp. Khách gọi cá tươi thì khi chế biến người ta tráo thành cá ươn. Khách càng trả giả họ càng cân điêu. Một cân tôm khoảng 20 con nhưng nếu khách trả từ 300 nghìn xuống 250 nghìn thì khách chỉ được hưởng 8 lạng. Một điểm đáng chú ý khách hay bị lừa nhất là các hàng quán hay đổi cá thu thành cá ngừ. “Mình là người trong nghề đôi khi không để ý cũng bị người ta mang cá ngừ ra thay cá thu. Giá có cá thu đắt gấp 2,3 lần cá ngừ. Nếu khách không sành ăn, gọi món cá thu sốt hay hầm thì chắc chắn chỉ thưởng thức cá ngừ. Giá cũng không hề rẻ từ 150 nghìn đến 170 nghìn đồng/khúc khoảng 200 gram”. Ngoài ra, hành động chèo kéo khách tại các hàng quán ở Sầm Sơn là một trong những nguyên nhân khiến người đi du lịch ngán ngẩm. Mình là người làm trong ngành dịch vụ nhưng nếu góp ý thì họ cũng than vãn “em thông cảm cả năm công ty em còn có tour này tour kia chứ cả năm bọn tôi chỉ làm ăn có 3 tháng hè được. Mùa đông, ai đến đấy mà bán hàng”. Họ đã nói vậy thì hướng dẫn viên cũng đành "bó tay". Từ thực tế công việc của mình, chị T.T khuyên: “Nếu có thời gian và điều kiện khách nên đến Đà Nẵng. Biển cũng đẹp, khách sạn giá mềm và đồ ăn rẻ hơn ở Sầm Sơn hay Hạ Long một nửa. Khách từ Hà Nội đi xa nhưng nếu chi phí ra cũng chẳng hơn gì đi những nơi khác. Hai ba năm trở lại đây, xu hướng nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng tăng nhanh hơn các vùng khác”.
P.T (ghi)