Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng vốn đầu tư lên đến 34.500 tỷ đồng, nhưng mới đưa vào hoạt động đã xuất hiện nhiều vết bong tróc, lở loét.
Đáng chú ý, trên mặt đường xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà đặc biệt là đoạn từ Túy Loan (Đà Nẵng) đi Tam Kỳ (Quảng Nam).
Chiều 15/10, ông Trần Văn Tám - Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), chủ đầu tư cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã thông tin, đoạn đường hư hỏng thuộc dự án sử dụng vốn vay JICA (Nhật Bản).
Trước việc đại diện Ban quản lý dự án lý giải vừa qua một số vị trí trên mặt đường cao tốc bị bong tróc, ổ gà là do thời tiết, lãnh đạo VEC thừa nhận việc phát ngôn như vậy chưa đúng, vì thực tế hư hỏng do nhiều yếu tố, trong đó có thời tiết.
Hàng trăm mét đường cao tốc 34.500 tỷ đồng phải bóc lên sửa chữa |
Lãnh đạo VEC khẳng định, đơn vị đã yêu cầu cá nhân, tập thể liên quan giải trình trách nhiệm về sự việc trên, kể cả Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc và ban điều hành đều phải tự kiểm điểm; báo cáo về Tổng công ty trước 19/10.
Chiều 13/10, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải – ông Lê Đình Thọ dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Đoàn dừng chân tại một số vị trí mặt đường bị bong tróc, xuất hiện ổ gà đã sửa chữa.
Thứ trưởng Bộ Giáo thông Vận tải cho rằng, đường cao tốc hỏng do chất lượng thi công. Sau thị sát có khoảng 70 m2 mặt đường hư hỏng trên tổng số 3,1 triệu m2 đường toàn tuyến, chiếm tỷ lệ nhỏ.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - ông Nguyễn Văn Thể nhận định không thể có nguyên nhân do mưa nhiều hay thời tiết tác động làm hư hỏng mặt đường cao tốc, cũng không phải do xe quá tải chạy nhiều mà do chất lượng thi công.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được đầu tư 34.500 tỷ đồng tại một số vị trí đang được cào lên để rải thảm lại. Ảnh: TT. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng bày tỏ sự ngạc nhiên và khó hiểu bởi cao tốc có vốn đầu tư nhiều ngàn tỷ đồng vừa đi vào hoạt động đã hỏng.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các cơ quan liên quan có giải pháp khắc phục triệt để hư hỏng mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trong thời gian nhanh nhất; Đồng thời làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan đến các hư hỏng, xử lý nghiêm theo quy định. |
Ông Liêm chỉ ra: “Đường hỏng có nhiều nguyên nhân, nhưng có ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, phần móng mà đi qua vùng bùn lầy mà anh không nạo vét mà anh vẫn làm thì nhất định đường sẽ bị lún, cũng có thể đường sẽ lún từ từ.
Thứ hai là phần nền, nếu làm từ đất đắp như đất pha cát, đất sét cũng không ổn. Bởi vậy, phải là đất thích hợp mới nén chặt được, khi nén cũng phải đúng quy trình, có độ ẩm nhất định, không ướt quá cũng không khô quá.
Thứ ba là về phần mặt đường làm bằng bê tông nhựa, chất kết dính là nhựa. Đặc điểm của nhựa là gặp nước sẽ không còn đính, bởi vậy nếu đá ướt, cát ước, nhựa có tốt cũng không được. Ngược lại, đá khô, nhựa tốt gặp phải trời mưa thì chất lượng không tốt.
Cả ba yếu tố cấu thành một con đường tốt, chất lượng tức là móng tốt, đất nền tốt, mặt tốt. Chỉ một trong ba yếu tố trên có lỗi sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Nếu phần móng không tốt là trách nhiệm bên thiết kế, bởi thiết kế thì phải khảo sát, ảnh khảo sát chỗ đất không tốt mà vẫn làm thì chất lượng công trình sao đảm bảo. Mặt đường mà hư hỏng là trách nhiệm bên thi công và vật liệu. Quy trình làm đường cao tốc đã có quy chuẩn rất chặt chẽ”.
Cũng theo ông Phạm Sỹ Liêm, đường cao tốc dành cho các phương tiện chạy với tốc độ cao, đường có một lỗi nhỏ cũng có thể gây ra thảm họa khôn lường. Hàng ngày có bao nhiêu con người, phương tiện lưu thông mà họ làm ăn vô trách nhiệm như vậy là không thể chấp nhận được.
Ông Phạm Sỹ Liêm cho rằng, cao tốc nhiều ngàn tỷ đồng mới vào hoạt động đã hỏng là có vấn đề. Ảnh: infonet. |
Ông Phạm Sỹ Liêm phân tích: “Ngay cả lu nền cũng có tiêu chuẩn. Thi công phải có nhật ký thi công. Trong đó sẽ ghi chi tiết như thời tiết ra làm sao, tổ nào làm, ai giám sát… hỏng chỗ nào phải xem nhật ký thi công hôm đó sẽ ra.
Khâu thanh tra, kiểm tra, giám sát thi công rất quan trọng. Trong thi công trách nhiệm là tổ trưởng, nhưng anh chỉ huy công trường cũng phải có giám sát chứ không thể chỉ tin hoàn toàn vào anh tổ trưởng.
Phía chủ đầu tư cũng phải có người giám sát chứ không thể tin hết vào đơn vị thi công. Thậm chí bộ phận giám sát của bộ cũng phải tham gia.
Bên thiết kế cũng phải có bộ phận giám sát để biết bên thi công có làm đúng thiết kế hay không. Nếu làm đúng quy trình, đúng trách nhiệm thì rất khó xảy ra tình trạng hư hỏng mặt đường như cao tốc vừa rồi”.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mới đưa vào sử dụng đã xuất hiện tình trạng bong tróc, nhiều ổ gà, nhiều đoạn đường có dấu hiệu sụt lún. Ảnh: Báo TNMT. |
Ông Phạm Sỹ Liêm cũng bày tỏ sự khó hiểu và không đồng tình trước việc đường hỏng do mưa: “Cao tốc mới thi công đưa vào hoạt động mà đã xảy ra hư hỏng phải xem xét khâu thanh tra giám sát ra sao.
Việc thi công ngoài trời có nắng có mưa là chuyện hết sức bình thường. Nếu mưa mà anh cứ thi công là sai. Trong quy trình thi công đã chỉ rất rõ trời mưa, trời nắng thi công ra sao, như thế nào.
Vật liệu cũng vậy, như nhựa đường anh có làm thí nghiệm hay không, nhựa đường cũng có mấy số, đá cũng vậy to hay nhỏ. Vấn đề ở đây chính là yếu tố con người”.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Đình Hiền (Bộ môn Đường bộ - Khoa Công trình, Trường Đại học Giao thông Vận tải) cũng lắc đầu nếu việc sửa chữa đường cao tốc bằng cách thủ công như báo chí đưa tin.
Cao tốc ngàn tỷ vừa dùng đã hỏng, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước chối trách nhiệm |
Tiến sĩ Hiền cho rằng: “Phương án sửa chữa đường cao tốc phải khảo sát thực tế để nắm được nguyên nhân gây hư hỏng từ đâu. Từ đó mới đưa ra phương án sửa chữa.
Việc sửa chữa đường cao tốc không thể sửa chữa theo kiểu thủ công, bởi đường cao tốc đáp ứng cho xe chạy tốc độ rất cao. Sửa chữa đường cao tốc có hẳn quy định rất chặt chẽ khi sửa chữa.
Đơn vị thi công không thể muốn sửa chữa chỗ nào cũng được mà phải có kế hoạch, có quy chuẩn về việc báo hiệu, cảnh báo từ rất xa điểm sửa chữa để các phương tiện nhận biết.
Việc sửa chữa đường cao tốc phải đáp ứng yêu cầu chặt chẽ về kỹ thuật để đảm bảo chất lượng, chứ không thể làm thủ công sẽ vô cùng nguy hiểm”.
Đánh giá về đường cao tốc mới đi vào đã hư hỏng, Tiến sĩ Vũ Đình Hiền cho rằng: “Đường cao tốc các phương tiện lưu thông với tốc độ cao có thể từ 100-120 km/h, bởi vậy chỉ một chút mặt đường hư hỏng sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến an toàn.
Mặt đường không chỉ bằng phẳng mà cần cả độ bám giữa lốp xe với mặt đường phải tốt ngay cả trong điều kiện thời tiết bất lợi như trời mưa. Có như vậy người lái xe mới chủ động được quỹ đạo chạy xe”.
Tiến sĩ Hiền cũng cho biết: “Trên lý thuyết về quy trình giám sát công trình đường cao tốc hết sức chặt chẽ. Ngay khi công trình bắt đầu thi công, các nhà thầu đã có các bộ phận tư vấn giám sát.
Công trình được nghiệm thu từng phần theo quy trình rất chặt chẽ. Sau khi nghiệm thu kết quả đạt tiêu chuẩn mới được làm tiếp. Từng hạng mục sẽ được nghiệm thu trong suốt thời gian thi công.
Nghiệm thu công trình sẽ dựa vào các văn bản nghiệm thu trước đó để đánh giá toàn bộ công trình có đảm bảo hay không. Đường đưa vào sử dụng tức là đã được nghiệm thu mà mới vào sử dụng đã hư hỏng thì phải xem lại”.