Tiến sĩ Subhash Kapila tốt nghiệp Học viện Chỉ huy tham mưu quân sự Hoàng gia Anh, chuyên gia tư vấn quan hệ quốc tế và chiến lược ngoại giao thuộc Nhóm Phân tích Nam Á ngày 2/11 bình luận, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình tác động, ảnh hưởng như thế nào đối với quan hệ Việt - Trung thời gian tới.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc tháng 4/2015. |
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên Biển Đông kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền. Hai sự kiện được Tiến sĩ Subhash Kapila cho là thách thức trắng trợn công pháp quốc tế là việc Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan 981 trong vùng biển Việt Nam (Vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 - UNCLOS) và bồi lấp, xây dựng quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).
Đáng nói là những đảo nhân tạo này đang được biến thành các tiền đồn quân sự quy mô lớn với đường băng, bãi đáp máy bay quân sự, doanh trại quân đội và các công trình cơ sở hạ tầng quân sự khác. Những động thái này chắc chắn không phải là biểu hiện của sự thân thiện hay thiện chí.
Vị trí địa lý không cho phép Việt Nam có nhiều lựa chọn trong quan hệ với Trung Quốc. Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra sau 10 năm kể từ khi người tiền nhiệm của ông đến Việt Nam lần trước, điều này cũng ít nhiều cho thấy sự "thâm hụt niềm tin chiến lược" giữa hai bên.
Học giả Subhash Kapila đặt câu hỏi, mục đich chuyến thăm Việt Nam lần này của Chủ tịch Trung Quốc là "thiết lập lại" quan hệ Trung - Việt hay để gây ấn tượng với các nước ASEAN khi kết hợp thăm Việt Nam và Singapore cùng một chuyến?
Nếu là khả năng thứ nhất, thì sau chuyến thăm này, ông Tập Cận Bình sẽ nên thăm Việt Nam cụ thể lần nữa vì đó là sự khéo léo về chính trị, ngoại giao. Nếu là khả năng thứ hai, Chủ tịch Trung Quốc đang phát đi tín hiệu đến các nước ASEAN rằng Trung Quốc không có vấn đề gì với ASEAN, mà chỉ với Việt Nam.
Mặt khác ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam thời điểm này cũng là có ý muốn có cơ hội tương tác và gây ấn tượng tốt với các nhà lãnh đạo Việt Nam trong bối cảnh sắp diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tuy nhiên theo Tiến sĩ Subhash Kapila, ý tưởng "thiết lập lại" quan hệ với Việt Nam sẽ trở nên vô ích nếu trong dài hạn Trung Quốc không có những nhượng bộ đáng kể trong vấn đề Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa và thể hiện rõ điều này trong tầm nhìn chiến lược về tương lai quan hệ Trung - Việt.
Học giả này kết luận rằng, quan hệ Trung - Việt chỉ có thể thực sự được "thiết lập lại" trong trường hợp Trung Quốc khôi phục nguyên trạng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và (một phần quần đảo) Trường Sa từ sự chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Quốc, đồng thời từ bỏ đường lưỡi bò biến Biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc.
Tuy nhiên điều này khó có thể xảy ra, và Việt Nam đã nỗ lực tìm kiếm các lựa chọn hỗ trợ song phương và đa phương để bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông.
Nếu như năm 1972 Hoa Kỳ có nhu cầu "thiết lập lại" quan hệ với Trung Quốc thì ngày nay đang tồn tại một nhu cầu chiến lược thôi thúc Washington "thiết lập lại" quan hệ với Việt Nam với mục đích phát triển quan hệ thành đối tác chiến lược toàn diện.
Theo ông Subhash Kapiila, Trung Quốc muốn chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra trước chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, bởi cho đến gần đây truyền thông Việt Nam vẫn "cân bằng" về quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng như với 2 chuyến thăm này.
Mặt khác, thông tin về thời gian, lịch trình chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sát ngày diễn ra mới được công bố. Hiện tại Tổng thống Mỹ Barack Obama đã xác định sẽ thăm Việt Nam vào đầu năm tới, có lẽ là sau Đại hội 12 Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đó là góc nhìn, là phân tích của Tiến sĩ Subhash Kapila về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông trong quan hệ Việt - Trung. Mặc dù tồn tại mâu thuẫn, bất đồng, hai bên vẫn xác định giải quyết những vấn đề này thông qua đàm phán hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và thỏa thuận nguyên tắc xử lý bất đồng mà hai bên đã đạt được.
Do đó những chuyến thăm viếng lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai nước là cơ hội quý để hai bên bên đối thoại mở rộng hợp tác, đồng thời đàm phán giải quyết bất đồng, thiết nghĩ cả hai bên đều nên trân quý - PV.