South China Morning Post ngày 18/4 đưa tin, việc Trung Quốc tuyên bố xả đập Cảnh Hồng để hỗ trợ các nước hạ nguồn sông Mê Kông đối phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kỷ lục chỉ là trên danh nghĩa.
Một số nhà phân tích Trung Quốc tin rằng động thái này của Bắc Kinh rất hời hợt, chiếu lệ và không thể xoa dịu sự mất lòng tin từ các nước hạ nguồn Mê Kông với chính sách ngoại giao nước lã của Bắc Kinh.
Hình minh họa: SCMP. |
Đông Nam Á đang trở thành tâm điểm của hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, trong khi nguồn nước từ sông Mê Kông phục vụ tưới tiêu nông nghiệp và sinh hoạt cho hàng triệu người dọc theo dòng sông này đang bị thu hẹp.
Trung Quốc tuyên bố xả nước từ đập Cảnh Hồng ở thượng nguồn Mê Kông từ 15/3 đến 10/4. Bộ Ngoại giao nước này nói rằng, Trung Quốc có thể xả nhiều nước hơn từ các đập cho đến khi nào kết thúc mùa nước cạn.
Trong khi một số nhà quan sát hoan nghênh động thái này, những nhà phê bình thẳng thắn nói rằng Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm hạn hán vì xây quá nhiều đập thủy điện chặn dòng thượng nguồn Mê Kông.
Trương Minh Lượng, giáo sư Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại Học Kỵ Nam, Quảng Châu cho rằng, hoạt động xả nước đập Cảnh Hồng của Trung Quốc rất hời hợt, không thể vượt qua được những lời chỉ trích từ lâu về chính sách quản lý nguồn nước thượng nguồn Mê Kông của chính phủ Trung Quốc.
"Đã có những lời chỉ trích Trung Quốc kiểm soát nguồn nước thượng nguồn Mê Kông từ trước đợt hạn hán năm nay rất lâu", ông Lượng cho biết.
Pianporn Deetes, người đứng đầu Tổ chức vận động bảo vệ sông ngòi quốc tế ở Thái Lan và Myanmar cho rằng, phản ứng xả đập Cảnh Hồng của Trung Quốc mang động cơ chính trị, vì tuyên bố của Bắc Kinh được đưa ra ngay trước thềm Hội nghị hợp tác Mê Kông - Lan Thương khoảng 1 tuần.
Có một niềm tin phổ biến rằng Trung Quốc chỉ đóng góp từ 13 đến 18% lượng nước đổ vào sông Mê Kông, nhưng trong thực tế theo Pianporn Deetes ảnh hưởng của Trung Quốc lớn hơn nhiều. Chỉ tính riêng miền Bắc Thái Lan, 90% lượng lước của Mê Kông trong mùa khô là từ thượng nguồn ở Trung Quốc.
Đỗ Kế Phong, chuyên gia các vấn đề Đông Nam Á từ Học viện Chiến lược quốc tế thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, nước này quá thụ động trong việc xả nước, chỉ xả đập Cảnh Hồng "đáp ứng yêu cầu của Việt Nam".
Theo ông Phong, đáng lẽ Trung Quốc cần chủ động hơn trong làm việc với các nước hạ nguồn sông Mê Kông về việc phát triển và phân phối nguồn tài nguyên nước, không chỉ phục vụ lợi ích của riêng Trung Quốc.