Học sinh xã Vũ Hội được đọc sách miễn phí

05/07/2019 06:43
LÃ TIẾN
(GDVN) - Hơn 1 tháng nay, cứ đều đặn vào các buổi sáng, trẻ em tại xã Vũ Hội (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) lại đến thư viện Thảo Hưng để đọc và mượn sách miễn phí.

Với hơn 1.000 đầu sách thuộc nhiều thể loại khác nhau như: văn học, lịch sử, khoa học công nghệ, truyện tranh..., các em có thể tìm kiếm cho mình những cuốn sách phù hợp.

Tuy chỉ mới đi vào hoạt động hơn 1 tháng, song thư viện Thảo Hưng đã có trên 150 bạn đọc đến đăng ký đọc sách thường xuyên.

Trong đó hầu hết là bạn đọc lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Tới đây, các em không chỉ được thư giãn mà còn được học nhiều bài học bổ ích.

Các em học sinh tới thư viện Thảo Hưng đọc sách miễn phí (Ảnh: CTV)
Các em học sinh tới thư viện Thảo Hưng đọc sách miễn phí (Ảnh: CTV)

Theo em Đỗ Minh Anh (13 tuổi, ở xã Vũ Hội), em thấy đọc sách ở đây rất là vui và bổ ích và có rất nhiều cuốn sách phù hợp với lứa tuổi.

Chị Nguyễn Thị Bích Thúy (chủ thư viện Thảo Hưng) cho biết: “Tôi đi giảng dạy môn ngữ văn thấy các cháu không yêu thích đọc sách mà chỉ thích điện tử, điện thoại, ti vi.

Khi hỏi các cháu những tác phẩm văn học, rất nhiều cháu học sinh chưa biết. Vì vậy, tôi mới ấp ủ mở thư viện gia đình để các cháu đến đọc sách miễn phí”.

Cũng theo chị Bích Thúy, thư viện cũng rất mong muốn là các cháu sau khi đọc những cuốn truyện tranh sẽ học hỏi được những điều hay, điều tốt ở trong truyện.

Qua đó hướng đến đọc những cuốn truyện nhiều chữ hơn để giúp các cháu làm văn trong nhà trường.

Học sinh Quảng Ninh đọc sách tiếng Anh cùng trí thông minh nhân tạo
Học sinh Quảng Ninh đọc sách tiếng Anh cùng trí thông minh nhân tạo

Bà Bùi Thị Thảo (60 tuổi, ở xã Vũ Hội) phấn khởi khoe:

"Từ lúc cháu nhà tôi vào thư viện đọc sách về, các cháu  cố gắng học hành lắm, có nhiều kiến thức về giảng dạy cho các em, cháu ngoan và cháu hiểu biết nhiều."

Được coi là điểm sáng trong quá trình phát triển văn hóa đọc, sự ra đời của thư viện tư nhân Thảo Hưng đã đưa sách đến gần hơn với độc giả, nhất là độc giả ở các vùng nông thôn.

Sự xuất hiện của những thư viện tư nhân như Thảo Hưng không chỉ góp phần tạo thêm không gian đọc cho các em thiếu nhi mà còn góp phần nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng.

Thông qua đọc sách độc giả lĩnh hội những giá trị văn hóa xã hội tốt đẹp, hình thành và phát triển kỹ năng tiếp nhận thông tin, tiếp nhận tri thức một cách chọn lọc.

Đó là những yếu tố quan trọng góp phần hình thành nhân cách ngay từ lứa tuổi đến trường.

Đồng thời nâng cao dân trí, cải thiện đời sống tinh thần, phục vụ học tập suốt đời theo gương Bác Hồ vĩ đại.

LÃ TIẾN