Học viện Nông nghiệp Việt Nam khơi nguồn sáng tạo, ươm mầm doanh nông tương lai

20/01/2025 16:30
Thùy Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Năm 2025 sẽ là năm bứt phá khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực phát triển bền vững, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp. Học viện Nông nghiệp Việt Nam, với vai trò là một trong những cơ sở đào tạo và nghiên cứu hàng đầu cả nước, đã và đang tích cực cung cấp các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp sáng tạo cho sinh viên.

Học viện đã xây dựng một môi trường thuận lợi cho các ý tưởng đổi mới, thông qua việc phát triển các chương trình hỗ trợ từ cơ sở vật chất, nguồn lực tài chính, đến các khóa đào tạo kỹ năng và tư vấn chuyên sâu. Nhiều cuộc hội thảo, hội nghị về khởi nghiệp đã được tổ chức, tạo ra sân chơi để sinh viên giao lưu, học hỏi và thể hiện tài năng của mình.

Đặc biệt, các dự án khởi nghiệp từ Học viện không chỉ dừng lại ở việc khai thác các tiềm năng trong lĩnh vực nông nghiệp mà còn mang lại những giải pháp thực tiễn, từ việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, phát hiện phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, đến các kiến ​​trúc sáng tạo nâng cao hiệu quả chế độ biến đổi và bảo quản nông sản.

GDVN_03.jpg
Hội chợ Xuân 2025 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam quy tụ 50 gian hàng của sinh viên, giảng viên và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: Thùy Trang.

Ngay trong dịp đầu năm 2025, Học viện đã triển khai, tổ chức Lễ hội Xuân Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Lễ hội gồm chuỗi các hoạt động ý nghĩa như tọa đàm tương lai ngành hoa, cây cảnh Việt Nam, khẳng định tiềm năng, cơ hội của ngành hoa cây cảnh, cơ hội việc làm, khởi nghiệp; ra mắt câu lạc bộ hoa, cây cảnh sinh viên VNUA; sự kiện đấu giá hoa, cây cảnh, sản phẩm khoa học công nghệ của học viện; lễ hội gói bánh chưng và hội thi văn hóa ẩm thực truyền thống và nhiều hoạt động đặc sắc khác… Chuỗi hoạt động diễn ra tại lễ hội không chỉ giúp sinh viên nhìn lại giá trị truyền thống mà còn là nơi kết nối, tạo ra những trải nghiệm và cảm hứng mới trong nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp cho sinh viên.

Trong khuôn khổ lễ hội, không thể không nhắc đến Hội chợ Xuân 2025 của Học viện. Hội chợ quy tụ 50 gian hàng đến của sinh viên, giảng viên thuộc các ban, trung tâm, viện nghiên cứu, các khoa của Học viện; các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp…mang đến cho sự kiện đa dạng các mặt hàng nông sản, các sản phẩm hoa, cây cảnh, thực phẩm. Những sản phẩm chất lượng cao, mang thương hiệu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đều xuất hiện tại hội chợ minh chứng cho công tác chuyên môn, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, chủ động trong kết nối, kinh doanh và hoạt động sản xuất của học viện trong thời gian qua.

GDVN_EK.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Công Tiệp, Phó giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Thùy Trang.

Tiến sĩ Nguyễn Công Tiệp, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, trong những năm qua, Học viện đã dành những khoản kinh phí thích đáng cho hoạt động khởi nghiệp của sinh viên. Dự kiến trong thời gian tới, Học viện sẽ phê duyệt ba đề án là “Nối vòng tay lớn cho sinh viên”, đề án về các câu lạc bộ và đề án hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học. Mục tiêu chung là nhằm hỗ trợ phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của sinh viên.

Học viện cử những chuyên gia, nhà khoa học để nhân lên các dự án, tiềm năng dự án tốt, đồng thời hỗ trợ kinh phí để sinh viên phát triển những dự án đưa được vào cuộc sống, tạo ra được các sản phẩm khoa học học công nghệ có thể ứng dụng trong thực tiễn, làm phong phú thêm những chuỗi giá trị trong nông nghiệp. Sự hỗ trợ kịp thời cho các nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học, câu lạc bộ, đặc biệt là câu lạc bộ khởi nghiệp của sinh viên trong nhiều năm vừa qua đã giúp các sinh viên gặt hái được những sáng tạo lớn. Các sinh viên dưới sự dẫn dắt của các chuyên gia, các thầy cô trong học viện đã tạo ra những sản phẩm giá trị, có thể thương mại hoá.

GDVN_06.jpg
Sinh viên giới thiệu sản phẩm đến khách tham quan. Ảnh: Thùy Trang.

Năm 2024, Học viện đã dành khoảng 5 tỷ đồng cho các hoạt động của câu lạc bộ sinh viên. Học viện xác định năm 2025 là năm dành cho công tác sinh viên và sẽ dành tổng kinh phí khoảng 20 tỷ cho các hoạt động của sinh viên, trong đó có các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan như VCCI (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), Diễn đàn khởi nghiệp Quốc gia…để phát triển các ý tưởng sáng tạo của sinh viên.

Đồng thời, Học viện sẽ tổ chức các hành trình khởi nghiệp cho học sinh trung học phổ thông nhằm thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia để tìm kiếm các ý tưởng của học sinh ngay từ khi các em còn học trung học phổ thông.

GDVN_08.jpg
Gian hàng trưng bày của Khoa Công nghệ thực phẩm. Ảnh: Thùy Trang.

Thầy Tiệp đánh giá: “Hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo được Học viện làm rất sớm để thu hút được nhiều bạn học sinh trung học phổ thông yêu nông nghiệp, yêu thích đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp. Khi các học sinh trở thành sinh viên của Học viện thì đây sẽ là bước đệm rất tốt cho tương lai sau này. Học viện sẽ tiếp tục bồi dưỡng, khơi dậy những tiềm năng vốn có của các em để hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong sinh viên liên tục phát triển. Khi các em tốt nghiệp ra trường, những ý tưởng, dự án đó sẽ đi vào đời sống. Những sinh viên khi trở về địa phương, quê hương của mình, các em sẽ phát triển được chính các sản phẩm đặc hữu của địa phương”

Thầy Tiệp cho biết thêm, trong năm vừa qua Học viện đã phát triển rất mạnh mô hình như vậy ở “3 Tây” là Tây Bắc - Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, đây là những vùng được xác định là những vùng kinh tế nông nghiệp. Học viện đã đưa sinh viên, cán bộ… về để thực tập, rèn nghề từ đó các em có thể phát triển các ý tưởng khởi nghiệp gắn với các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu của địa phương góp phần phát triển kinh tế xã hội.

GDVN_ƯQ.jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hiệp, Trưởng ban Ban Khoa học và Công nghệ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Thùy Trang.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hiệp, Trưởng ban Ban Khoa học và Công nghệ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hàng năm, nhà trường cung cấp từ 300 - 500 đề tài nghiên cứu cùng nguồn vốn lớn, khoảng 5 tỷ đồng, tạo điều kiện cho sinh viên thực hành và ứng dụng kiến thức vào thực tế. Học viện rất kỳ vọng, các em ngay trong quá trình học đại học có thể tiếp cận với nghiên cứu khoa học và có các sản phẩm để các em có thể khởi nghiệp, vững bước khi ra trường.

Trong những năm qua, một số dự án khởi nghiệp của Học viện đã đạt được những bước thành công đầu tiên, được thị trường đón nhận và đánh giá cao. Điển hình là dự án chế sản phẩm từ cây tía tô, hiện đã phát triển thành công ra khoảng 30 sản phẩm, trong đó một số sản phẩm đã được xuất khẩu.

GDVN_07.jpg
Đa dạng các mặt hàng là kết quả nghiên cứu của sinh viên, giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam tại Hội chợ xuân 2025. Ảnh: Thùy Trang.

Thầy Hiệp đánh giá, Lễ hội Xuân năm nay với chuỗi sự kiện, nổi bật trong số đó là chương trình đấu giá hoa, cây cảnh, sản phẩm khoa học công nghệ khác của học viện. Trong số các sản phẩm tại buổi đấu giá, có một số các sản phẩm của sinh viên, các loại cây cảnh, cây cảnh bonsai do sinh viên thiết kế lên, những sản phẩm từ dự án khởi nghiệp của sinh viên... Sự kiện đấu giá là một cơ hội để các em làm quen đến việc khởi nghiệp sau này.

GDVN_05.jpg
Các sản phẩm làm từ mật ong đến từ Trung tâm nghiên cứu ong và nuôi ong nhiệt đới, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Thùy Trang.

Việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, mô hình khởi nghiệp từ nghiên cứu (mô hình spin-off) đã được Học viện nung nấu từ rất lâu tuy nhiên vẫn còn đang vướng một số cơ chế nên Học viện chủ động để tạo ra các doanh nghiệp khoa học, công nghệ và tạo ra những sản phẩm đã được thương mại hóa. Học viện kỳ vọng Nghị quyết 57 sẽ tháo gỡ được những vướng mắc trong việc thương mại hoá những sản phẩm khoa học công nghệ.

Thùy Trang