Hơn 8 năm nay, chị Lương Thị Kim Oanh mua sợi từ Trung Quốc cho các nhà máy may mặc ở Hà Nội. Tháng trước, lo lắng bởi các cuộc bạo động chống Trung Quốc, lần đầu tiên chị đã đặt mua từ Hàn Quốc.
"Tôi mua 90% nguyên vật liệu từ Trung Quốc", chị Oanh, 52 tuổi, người sử dụng khoảng 200 người tại công ty may thêu Việt Hưng nói. "Việc tìm nguồn cung ứng mới có thể làm cho chi phí của chúng tôi nhiều hơn, nhưng đây là điều phải nghĩ đến bây giờ, hoặc có thể sẽ là quá muộn”.
Việt Nam nhập nhiều nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Ảnh minh họa |
Chị Oanh sợ một sự gián đoạn hơn nữa trong hoạt động sản xuất kinh doanh sau các cuộc biểu tình bạo lực hồi tháng trước, sau khi Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tình trạng bất ổn dẫn đến tạm dừng sản xuất tại các nhà máy nước ngoài và một số công nhân Trung Quốc phải chạy trốn. Trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của quốc gia, Việt Nam cần phải giảm sự phụ thuộc vào nó và phát triển một kế hoạch dự phòng để đối phó với bất kỳ "trục trặc, bất ổn" nào, như lời Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc cho hay.
"Căng thẳng với Trung Quốc sẽ buộc các doanh nghiệp của Việt Nam xem xét các thị trường khác, nơi không có các rủi ro chính trịv à đó là một điều tốt", Chua Hak Bin, một nhà kinh tế của Bank of America Corp có trụ sở tại Singapore cho biết: "Dù sao đi nữa, đa dạng hóa là điều tốt. Bạn không nên dựa quá nhiều vào một quốc gia khác, đặc biệt là nơi căng thẳng chính trị đang leo thang".
Nguồn cung linh kiện, nguyên phụ liệu
Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã yêu cầu hơn 1.000 thành viên bao gồm doanh nghiệp của chị Oanh xem xét các nguồn cung cấp thay thế cho Trung Quốc, ngay cả khi thương mại song phương giữa hai nước đã tăng 84% lên đến 50,2 tỷ USD vào năm ngoái, từ 27,3 tỷ USD trong năm 2010 (theo số liệu của chính phủ).
Khoảng 31% xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc năm ngoái bao gồm các sản phẩm nông nghiệp, trong khi may mặc và giày dép đã tăng 13%, số liệu của Bộ Thương mại cho biết. 42% hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là các bộ phận điện thoại, linh kiện điện tử, vải và da cho hàng may mặc và giày dép, với các công cụ và máy móc chiếm 18%.
Ngân hàng Thế giới cho biết, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đang cố gắng để thúc đẩy nền kinh tế dự toán sẽ tăng trưởng 5,4% trong năm nay, thấp hơn so với mục tiêu chính thức là 5,8%. Chính phủ đang nghiên cứu tác động của căng thẳng Việt - Trung và sẽ giám sát chặt chẽ các lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng, bao gồm cả thương mại, phát triển cơ sở hạ tầng và du lịch, và có "hành động thích hợp", Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết hôm 12/6.
Suy giảm khách du lịch
Khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam giảm 10% từ khi có căng thẳng, theo Tổng cục du lịch.
"Không nghi ngờ gì về việc tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng", ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế tại Hà Nội và cựu cố vấn chính phủ cho biết. "Câu hỏi đặt ra là bao nhiêu, 0,5% hay 1% ? Điều đó sẽ phụ thuộc vào cách chúng ta đối phó với những tác động".
Chỉ số chứng khoán VN-Index đã giảm gần 5% trong ba tháng qua. Tiền đồng đã yếu đi 0,6% so với đồng USD trong năm nay.
Cộng đồng ASEAN cũng bị ảnh hưởng
Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất trong khu vực mà Trung Quốc đã đụng độ. Trung Quốc, quốc gia kiểm soát phần lớn nguồn cung đất hiếm toàn cầu, trong năm 2010 đã ngừng cung cấp cho Nhật Bản và áp đặt trên thực tế lệnh cấm xuất khẩu cho Tokyo, sau khi thuyền trưởng của một tàu đánh cá Trung Quốc va chạm với tàu Cảnh sát biển Nhật Bản bị bắt giữ. Cuộc biểu tình chống Nhật Bản gây ra bởi một tranh chấp lãnh thổ trong năm 2012 đã gây tổn thất lớn cho các hãng xe Honda và Toyota Motor Corp
Sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc đã thúc đẩy Nhật Bản chuyển sự quan tâm của mình đến Đông Nam Á và cam kết hàng tỷ đô la đầu tư. Việt Nam cũng được hưởng lợi từ quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ bao gồm một khu vực với GDP khoảng 28 nghìn tỷ USD hàng năm và không bao gồm Trung Quốc.
Việt Nam cũng sẽ được lợi từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN, theo kế hoạch sẽ hình thành vào năm 2015.
Hồi chuông thức tỉnh
Sự căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông là một “hồi chuông thức tỉnh” cho lãnh đạo Việt Nam để thúc đẩy sự đa dạng của các chuỗi sản xuất và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước, phát triển khả năng có thể cung ứng nguyên liệu quan trọng cho các nhà máy của nước này, Trinh Nguyen, một nhà kinh tế Hong Kong tại HSBC Holdings Plc, cho biết.
Các nhà kinh tế hàng đầu Việt Nam cần hiến kế cho chính phủ, để tìm giải pháp thoát ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc. Vững về “chủ quyền kinh tế” sẽ vững về chủ quyền biển đảo. |
"Nếu nói đến tác động, Việt Nam có thể thích ứng", Alan Pham, từ VinaCapital, quỹ đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với 1,6 tỷ USD tài sản, có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh nói: "Đây là một thông điệp khẩn cấp mà Việt Nam cần có biện pháp để giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Sẽ không bao giờ là tốt nếu “đặt tất cả trứng vào một giỏ".
Tại Công ty Cổ phần Vinamit, một doanh nghiệp sản xuất rau-quả khô mà khoảng 80% xuất khẩu sang Trung Quốc, Giám đốc điều hành Nguyễn Lâm Viên đã đến thăm khách hàng tiềm năng tại Malaysia và các nước khác kể từ khi căng thẳng bùng lên. Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, phía bắc Hà Nội, đơn vị đang giúp người trồng vải thiều địa phương xác định các thị trường khác ngoài Trung Quốc, người mua chính của họ trong nhiều năm qua, theo trang web của tỉnh.
"Chúng tôi đã bán hầu hết các sản phẩm của chúng tôi sang Trung Quốc trong nhiều năm qua", ông Nguyễn Văn Hùng, hộ kinh doanh gia đình đã xuất khẩu 90% sản lượng của họ sang thị trường Trung Quốc, cho biết: "Nhưng năm nay, chúng tôi đang cố gắng xuất sang các thị trường khác như Nhật Bản và Hàn Quốc, chứ không chỉ Trung Quốc".
Tình hình căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc, tuy trong ngắn hạn có thể gây ra một số ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam, nhưng xét về lâu dài lại có thể là điều tốt.
Các nhà kinh tế hàng đầu Việt Nam cần hiến kế cho chính phủ, để tìm giải pháp thoát ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc. Vững về “chủ quyền kinh tế” sẽ vững về chủ quyền biển đảo.