Tính đến ngày 15/4, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sữa kê khai giá tại Cục Quản lý Giá- Bộ Tài chính đã gửi bản kê khai theo yêu cầu.
Theo thống kê ban đầu, hiện có 5 doanh nghiệp thực hiện kê khai lại giá tại Bộ Tài chính đã thực hiện kê khai lại giá cho 50 dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi với mức giá mới tiếp tục giảm từ 0,4-4% tùy theo dòng sản phẩm. Các mức giá mới có hiệu lực từ ngày 20/4/2015.
Bỏ phí quảng cáo, giá sữa chỉ giảm... vài nghìn đồng
Tuy nhiên theo khảo sát của phóng viên, phần lớn sản phẩm sữa của các công ty trên đều không thay đổi giá bán. Tại cửa hàng H.D (Trần Duy Hưng, Cầu Giấy), nhân viên cho biết nhiều loại sữa vẫn bán theo giá trước ngày 15/4. Một số loại sữa có điều chỉnh giá nhưng mức thay đổi không đáng kể.
Anh Mạnh, chủ cửa hàng sữa ở Thành Công, Đống Đa, Hà Nội cũng khẳng định: Sản phẩm sữa giảm giá bán từ nhà cung cấp không nhiều, từ vài trăm đồng đến cao nhất khoảng 8.000 đồng/sản phẩm nên cửa hàng anh vẫn giữ nguyên giá cũ. Vì giá cửa hàng vẫn thấp hơn giá niêm yết của nhà sản xuất.
Trên thực tế giá sữa không giảm nhiều. |
Ví dụ Enfa Grow 3 Brain Plus loại 900 gram dành cho trẻ từ 1 đến 2 tuổi giá của nhà sản xuất niêm yết là 442.000 đồng thì cửa hàng bán ra với giá 427.000 đồng, so với giá của doanh nghiệp đã giảm được 15.000 đồng. Sản phẩm này doanh nghiệp đã thông báo giảm giá nhưng chỉ giảm 1.000 – 2.000 đồng/sản phẩm nên cửa hàng vẫn bán giá cũ cho khách.
Theo quy định Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12, mức trần chi phí quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị... năm 2013 bằng 10% tổng chi phí được trừ của doanh nghiệp, riêng đối với các doanh nghiệp mới thành lập tỷ lệ này là 15% trong ba năm đầu.
Quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 32/2013/QH13 ngày 19/6/2013 cũng quy định mức trần chi phí quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị... năm 2014 bằng 15% tổng chi phí được trừ của doanh nghiệp.
Anh Mạnh cho biết thêm, sắp tới một số hãng thông báo giảm giá một vài dòng sản phẩm nhưng giá giảm không đáng bao nhiêu nên cửa hàng dự kiến sẽ không điều chỉnh lại giá.
Mức giá mua buôn của các cửa hàng chỉ giảm từ 0,4 - 2%, một số dòng giảm sâu được 4% nhưng so về giá cũ thì chênh nhau vài nghìn đồng.
Giá giảm cao chủ yếu các dòng sữa nội hoặc nhập nguyên liệu đóng bao bì ở trong nước.
Một hộp Similac số 3 dành cho trẻ từ 1 – 3 tuổi loại 1,7 kg có giá bán tại của hàng của chị Thu trên đường Trường Chinh, Hà Nội là 680.000 đồng. Chị Thu cho biết, giá này không dao động.
Trước thông tin giảm giá sữa sau khi có quy định bỏ chi phí quảng cáo, chị Thu khẳng định trên thực tế giá sữa không giảm nhiều.
Bảng giá mới các hãng đưa xuống cửa hàng cũng khiến chị giật mình vì mức giảm chưa đến 1%. Ví dụ sữa Nan Pro 3 và Lactogen 3 cũng chỉ giảm 2.000 – 2.500 đồng/hộp 900 gram. Trong khi đó, giá khuyến nghị của nhà sản xuất là 455.000 đồng thì cửa hàng bán chỉ có 435.000 đồng, giảm được 0,5 %.
Ngoài ra cửa hàng cũng thường xuyên tặng khách hàng các thẻ mời tham dự hội nghị của hãng hay các quà tặng khác tương đương chứ không thay đổi giá.
Theo chị Thu, cửa hàng chỉ điều chỉnh giá bán giá khi nào các hãng thông báo giảm sâu từ 10-20%. Giá nhập các loại sữa, nếu cả thùng 6 hộp to loại 1,7 kg và 1, 8 kg, cửa hàng chỉ được giảm 10.000 – 20.000 đồng.
Cục quản lý giá bảo hợp lý, người tiêu dùng hụt hẫng
Không như đợt giảm giá năm ngoái, năm nay khách hàng không mong đợi nhiều vào giảm giá sữa.
Chị Lê Thị Thu Hà (trú tại Lê Đức Thọ, Mỹ Đình, Hà Nội) tâm sự, khi nghe thông tin giá sữa giảm chị cũng chờ đợi hi vọng sẽ giảm được một khoản chi tiêu. Nhưng thực tế đi mua sữa cho con, chị Hà không giấu được sự thất vọng bởi giá sữa vẫn không có gì thay đổi.
Cùng tâm trạng như chị Hà, chị Đỗ Thị Huê (trú tại Mai Dịch, Cầu Giấy) thừa nhận cảm thấy hụt hẫng.
Con trai 1 tuổi của chị Huê đang sử dụng sữa Enfa. Đầu tháng 2/2015, khi sản phẩm này thay đổi phân loại theo độ tuổi, chị đã phải mất thêm vài chục nghìn để mua được sản phẩm đúng chuẩn cho con. Lúc đó, các đại lý đều trấn an khách hàng rằng giá sữa sẽ giảm sau khi các hãng sữa kê khai lại giá, chị ra đại lý sữa ở đường Cầu Giấy thấy giá sữa gần như vẫn giữ nguyên.
Cụ thể, loại con chị vẫn dùng hàng ngày được giảm 2.430 đồng/hộp. Tuy nhiên, chị cho rằng khi sữa tăng giá chị phải chi thêm từ 20.000 - 50.000 đồng/sản phẩm nhưng giá giảm thì không đáng kể.
Trong khi đó, nói về mức giảm này của giá sữa, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng: Hiện nay sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đang thực hiện biện pháp bình ổn giá theo Nghị quyết số 29/NQ-CP của Chính phủ.
Theo đó, đến nay cơ quan quản lý nhà nước về giá xác định được 686 dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Mức giá tối đa đã được doanh nghiệp rà soát, loại trừ khoản chi phí quảng cáo vượt mức theo quy định. Do đó, đã tác động làm giá bán lẻ sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi giảm 0,1-34% so với trước khi Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá.
Mức giảm từ 0,4-4% cho 50 dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi 5 doanh nghiệp thực hiện kê khai lại giá tại Bộ Tài chính là lần giảm giá thứ hai, kể từ khi thực hiện xác định giá tối đa đối với các dòng sản phẩm này. Đây cũng là mức giảm tương đối phù hợp với cơ cấu giá của các sản phẩm sữa thực hiện kê khai lại giá.
Như vậy, rõ ràng sự kỳ vọng của người tiêu dùng và cơ quan quản lý hoàn toàn khác nhau. Trong khi Cục Quản lý giá nhìn nhận, mức giảm trên là hợp lý thì người tiêu dùng lại vô cùng hụt hẫng.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện có 177 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi nằm trong đối tượng “bị cấm quảng cáo”.
Tính đến hết ngày 15/4, Bộ Tài chính đã nhận được đăng ký giảm giá của 5 công ty sản xuất,kinh doanh sữa với 50 dòng sản phẩm. Còn 127 dòng sản phẩm khác kê khai giá tại các sở tài chính địa phương.
Về thông tin một số doanh nghiệp đối phó với yêu cầu “cấm quảng cáo” của Chính phủ đối với sữa dành cho trẻ em 24 tháng tuổi bằng cách phân loại lại, thậm chí còn tăng giá thông qua thay đổi công thức, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết: Cơ quan quản lý giá thực hiện phân loại các sản phẩm sữa theo Thông tư 30 (2010) của Bộ Y tế. Bất cứ dòng sản phẩm mới nào trên thị trường thuộc đối tượng quản lý đều phải xác định giá tối đa và được công khai.
“Chúng tôi thường xuyên rà soát, nếu có sản phẩm mới sẽ rà soát chặt chẽ”, ông Tuấn nói.