Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Bình đã có Công văn gửi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phản hồi bài viết: “Lộn xộn ở khu di tích đền thờ thánh mẫu Liễu Hạnh” đăng trên báo ngày 15/2/2016.
Trong Công văn số 191/STTTT-BCXB của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Bình, kèm theo Văn bản số 127/UBND của UBND huyện Quảng Trạch gửi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cho rằng:
Thầy cúng nhanh chóng cho tiền vào túi sau khi khách đặt lễ (Ảnh cắt từ clip: Thủy Phan) |
Bài viết “Lộn xộn ở khu di tích đền thờ thánh mẫu Liễu Hạnh” phản ánh về tình trạng ăn xin chìa mũ xin tiền du khách; bên trong các thầy cúng ngồi đọc sớ, cầu may vô tội vạ làm mất đi nét trang nghiêm ở khu di tích đền thờ thánh mẫu Liệu Hạnh là không chính xác.
Các hình ảnh ghi cảnh ăn xin đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nằm ngoài khuôn viên của Ban quản lý đền (trên trục đường Quốc lộ 1A), chỉ có duy nhất một trường hợp ăn xin vào sáng mồng 1 Tết, người Hà Tĩnh vào trong khuôn viên đền để xin tiền đã được Ban quản lý đền mời ra ngoài và không cho lai vãng tại khu vực đền.
Ăn xin phía trong khu vực đền (Ảnh: Thủy Phan) |
Trong dịp Tết Bính Thân và tổ chức lễ hội trên địa bàn năm 2016, UBND huyện Quảng Trạch đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thể thao, Ban tổ chức các lễ hội trên địa bàn, trong đó có Ban quản lý đền thánh mẫu Liễu Hạnh nghiêm cấm việc bán sớ, xin quẻ, lợi dụng lễ hội để tổ chức bói toán tại khu vực đền. Việc bán xăm, viết sớ, thầy cúng chuẩn bị hũ đựng tiền là không có.
Do vậy, việc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nêu thầy cúng ngồi đọc sớ là sai sự thật. Hình ảnh thầy cúng ngồi đọc sớ mà báo đưa chỉ là một cá nhân hay gia đình nào đó nhờ thầy cầu tài, cầu lộc cho một năm mới hạnh phúc, an khang.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin được phản hồi như sau:
Những hình ảnh về ăn xin chìa tay xin tiền du khách mà bài báo đưa có cả trong và ngoài đền. Những hình ảnh phía ngoài chúng tôi cũng nói rõ là ăn xin đứng ngay đường vào đền.
Trong bài viết còn có cả những hình ảnh ăn xin phía trong đền được phóng viên ghi lại vào ngày 13/2 (tức mồng 6 Tết).
Còn thông tin thầy cúng bói toán, chuẩn bị “hũ đựng tiền”... mà bài báo nêu, chúng tôi khẳng định là đúng sự thật.
Mỗi thầy đều có một “hũ đựng tiền” để khách đặt lễ (Ảnh: Thủy Phan) |
Theo những gì chúng tôi ghi nhận, tất cả có 4 thầy cúng chia làm 3 tốp ngồi trước 3 gian thờ bói toán, cầu may cho du khách. Mỗi thầy đều chuẩn bị cho mình một “hũ đựng tiền” để du khách bỏ tiền vào khi nhờ thầy xem bói, cầu may.
Các du khách khi vào đây đều có thể ngồi vào xem bói, nhờ thầy cầu may chứ không phải chỉ một vài gia đình nhờ thầy cầu tài, cầu lộc.
Trường hợp có thầy cúng gợi ý cho một đôi vợ chồng hiếm muộn lấy lại số điện thoại của thầy, rồi lúc nào liên hệ nhờ thầy làm lễ để được sinh con theo ý muốn được phóng viên chứng kiến và ghi nhận lại.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam khẳng định những nội dung được thông tin phản ánh trong bài viết nêu trên hoàn toàn có cơ sở.
Trước khi có công văn báo cáo phủ nhận, huyện Quảng Trạch cũng không có bất kỳ buổi làm việc nào với phóng viên nhằm thu thập tài liệu, hình ảnh, clip để nắm rõ sự thật.
Hơn nữa, đền thờ thánh mẫu Liễu Hạnh là nơi linh thiêng, chúng tôi phản ánh chỉ với mục đích mong muốn khu di tích được trả lại nét nghiêm trang vốn có, không để kẻ xấu lợi dụng đền, chùa để bày trò mê tín dị đoan, kiếm lợi. Việc ấy, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục của dân tộc, gây phản cảm và trái với quy định hiện hành của nhà nước.
Việc huyện Quảng Trạch phủ nhận hoàn toàn các phản ánh trên thể hiện thái độ chưa cầu thị với các góp ý với mục đích xây dựng.
Nếu các cơ quan liên quan có trao đổi thêm, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu.