Keangnam trả lại chung cư: Các bên liên quan nói gì?

01/04/2012 07:07
Tiến Đức
(GDVN) - Việc công ty Keangnam – Vina trả chung cư về cho TP Hà Nội quản lý đã lại làm trào lên một đợt sóng cho khu chung cư vốn không bình yên này.
Người dân không được thông báo

Ngày 27/3 vừa qua, công ty TNHH một thành viên Keangnam - Vina đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội để xin giao việc quản lý, điều hành tòa nhà Keangnam Landmark Tower cho UBND TP Hà Nội. Trong văn bản của Keangnam - Vina nêu rõ: Kể từ ngày 1/4, công ty TNHH Chestnut Vina (đơn vị đang vận hành tòa nhà Keangnam) sẽ không đảm nhận việc điều hành và quản lý các dịch vụ của tòa nhà nữa. 

Khung chung cư Keangnam. Ảnh: VnE
Khung chung cư Keangnam. Ảnh: VnE


Mặc dù thông tin này đã được một số tờ báo đăng lên trang nhưng số đông người dân sống trong tòa nhà vẫn chưa hề hay biết. Chị Thảo, một người sống trong chung cư Keangnam cho biết: " Tôi cũng chỉ biết tin qua báo chí chứ đến giờ phút này chúng tôi cũng chưa hề nhận được một thông báo nào của Keangnam - Vina cả. Ở cả sảnh A lẫn sảnh B đều chưa thấy thông báo gì về việc này".

Một số người khác thì cho rằng chắc đó chỉ là tin đồn. Anh Khánh, một người sống trong tòa nhà Keangnam, khi được hỏi đã trả lời: "Chắc là tin đồn thôi, chúng tôi chưa biết gì cả. Chỉ thấy bên Keangnam - Vina họ gửi công văn lên UBND thành phố với sở Xây Dựng kêu là mức phí thấp, không đủ chi phí vận hành thôi còn việc trả lại chung cư cho thành phố điều hành thì chưa hề thông báo cho chúng tôi".

Tuy chưa được thông báo chính thức, song khi nghe tin này trên báo chí, một số người dân bày tỏ mong muốn điều đó sớm xảy ra. Chị Phương, một người dân sống trong Keangnam nói: “ Tôi mong điều đó sớm xảy ra để xem thế nào. Nhưng ở đây người ta hay nói một đằng làm một nẻo lắm cho nên cũng chưa biết thế nào”.
 
Đâu là vấn đề?

Để tìm hiểu nội dung câu chuyện qua góc nhìn của luật pháp, PV báo Giáo dục Việt Nam đã liên lạc với luật sư Bùi Quang Hưng – là người đã đồng hành cùng cư dân Keangnam suốt thời gian qua. Ông Hưng nói: “Việc trả lại chung cư là bình thường vì căn cứ vào quyết định 08/2008 của Bộ Xây Dựng, sau 1 năm kể từ ngày chung cư có trên 50% căn hộ có dân ở thì chủ đầu tư không được vận hành tòa nhà nữa mà phải tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị chung cư và chọn lựa doanh nghiệp vận hành cũng như bảo trì chung cư.

Keangnam có dân đến ở từ tháng 4 năm trước, đến tháng 4 năm nay là đúng tròn một năm rồi cho nên Keangnam - Vina không quản lý chung cư này nữa là đúng. Chỉ có điều là hội nghị chung cư của Keangnam hôm 10/3 đã thất bại do nhiều nguyên nhân cho nên công ty chestnus vẫn tiếp tục vận hành tòa nhà”.

Thực tế, nguyên nhân cốt lõi gây nên những lùm xùm ở Keangnam thời gian qua là do việc không đạt được tiếng nói chung giữa chủ đầu tư và người dân về mức phí vận hành các dịch vụ của tòa nhà. 

Theo quyết định 08/2008 - BXD, mức phí vận hành chung cư sẽ do UBND tỉnh thành phố sở tại của chung cư quy định. Trên địa bàn Hà Nội, mức phí vận hành chung cư hiện nay được quy định tối đa là 4000đ/m2/tháng. Tuy vậy, chủ đầu tư cho rằng với mức phí ấy họ không thể đủ để vận hành 20 thang máy chứ chưa nói đến các dịch vụ khác.

Trong văn bản và trong thông báo dán ở trước khu vực thang máy ở hai sảnh A và B của tòa nhà,  Keangnam – Vina đã viện dẫn tới phí vận hành của hai chung cư cao cấp khác trên địa bàn Hà Nội là Golden west lake và Pacific place. Theo số liệu của họ, mức phí mà hai khu chung cư này đang áp dụng cũng cao gấp 4 đến 5 lần so với mức 4000đ/m2/tháng theo quy định của UBND TP Hà Nội. 

Về điểm này, chị Thảo, một thành viên trong ban đại diện của cư dân Keangnam cho biết: “Chúng tôi không đấu tranh vì mức phí 4000đ. Chúng tôi muốn Keangnam công khai minh bạch về tài chính và cứ vận hành hết 1 năm để xem lỗ lãi ra sao. Nếu quả thực việc vận hành với mức phí 4000đ/m2/tháng là lỗ thì cư dân sẽ bù đắp thêm cho khoản lỗ đó. Nhưng sự thực là Keangnam không hề công khai vấn đề này và cứ kêu lỗ rồi áp đặt một mức phí theo cách tính của họ. Khi cư dân không đồng tình thì họ liền cắt một số thang máy để gây áp lực. Chỉ đến khi ủy ban thành phố Hà Nội can thiệp họ mới mở lại các thang máy bị cắt. Việc đó khiến chúng tôi rất bức xúc”.

Cũng với quan điểm tương tự, luật sư Bùi Quang Hưng nói: “Cư dân Keangnam không đặt mục tiêu là mức phí 4000đ. Người ta bỏ cả chục tỉ bạc để vào đó ở thì không lý gì lại tiếc vài trăm ngàn. Chủ yếu là phải công khai minh bạch tài chính cho người dân biết. Nếu công khai minh bạch mà chi phí vận hành với mức đóng góp là 4000đ không đủ thật thì người ta sẽ đóng góp thêm lên. Ngay từ đầu quan điểm của chúng tôi đã là như thế cơ mà”.

Bên cạnh đó, một số ý kiến của cư dân phỏng đoán rằng các công ty vận hành hiện nay đang thuê người quản lý Hàn Quốc với mức lương 5 đến 6000 USD một tháng cho nên mới kêu lỗ.

Có thể thấy rằng cả người dân và Keangnam – Vina đều đã quá mệt mỏi sau rất nhiều những vụ việc thời gian qua cho nên phía Keangnam – Vina đã gửi văn bản giao lại chung cư cho thành phố quản lý còn người dân cũng không còn thiết tha trong việc đàm phán với chủ đầu tư. Mọi ánh mắt dường như đang hướng về động thái của UBND TP Hà Nội.

Trao đổi với PV báo Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Thụ Đát, Trưởng phòng Xây dựng – phát triển đô thị thuộc UBND thành phố Hà Nội cho biết: “Ủy ban nhân dân thành phố đã nhận được văn bản của Keangnam – Vina về việc họ không vận hành tòa nhà này nữa. Tuy nhiên ủy ban còn đang xem xét, chưa có quyết định về vấn đề này”.

Keangnam hiện là tòa nhà cao nhất Hà Nội, và là 1 chung cư cao cấp trên địa bàn. Tuy nhiên từ khi đi vào hoạt động đến nay, chung cư này đã liên tục trở thành tâm điểm chú ý trên mặt báo với những vụ việc lùm xùm, tranh cãi. Với động thái mới đây của Keangnam – Vina, dư luận vẫn đang đặt câu hỏi: liệu những sóng gió đã hết hay chưa? Câu trả lời vẫn còn đang ở phía trước.



Có thể bạn quan tâm:
Thú chơi khuyển của các đại gia Choáng với thú chơi của đại gia Việt
Những dịch vụ "Đệ nhất Hà thành" Bảo vệ Người tiêu dùng
Clip - Ảnh ấn tượng Kinh hoàng "công nghệ" thực phẩm bẩn
Lình xình ở nhà N05 Vinaconex Gía vàng - ngoại tệ theo ngày

Tiến Đức