Kết quả triển khai Đề án 06 của BHXH Điện Biên tính đến ngày 31/7/2023

08/08/2023 13:29
Thiên Hương
GDVN- Tính đến ngày 31/7/2023, toàn tỉnh Điện Biên đã có 590.750 người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã được đồng bộ dữ liệu căn cước công dân, đạt tỉ lệ 98%.

Thực hiện Đề án 06 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2023

Xác định việc triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, vì thế, ngay từ những tháng đầu năm, Bảo hiểm xã hội tỉnh Điện Biên tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả.

Theo số liệu thống kê năm 2022, Bảo hiểm xã hội tỉnh Điện Biên mới có 406.292 người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được đồng bộ dữ liệu căn cước công dân, đạt 67% người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh.

Trước tình hình đó, để hoàn thành kế hoạch được giao trong việc thực hiện “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (sau đây gọi là Đề án 06), Bảo hiểm xã hội tỉnh Điện Biên đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp như:

Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn số 1021/UBND-NC ngày 24/3/2023 về đẩy mạnh khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip, ứng dụng VNeID và làm sạch thông tin công dân; Ban hành văn bản số 358/BHXH-QLT-ST ngày 07/02/2023 về việc đẩy mạnh thực hiện công tác đồng bộ dữ liệu người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với dữ liệu dân cư quốc gia và cài đặt, phê duyệt, sử dụng ứng dụng VssID năm 2023; Kế hoạch số 791/KH-BHXH ngày 14/03/2023 về rà soát và thực hiện công tác đồng bộ dữ liệu người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với dữ liệu dân cư quốc gia trên địa bàn tỉnh Điện Biên;…

Đặc biệt, ngay từ những ngày đầu năm 2023, bám sát các nhiệm vụ được giao, Bảo hiểm xã hội tỉnh Điện Biên đã phổ biến, quán triệt nội dung cơ bản của Đề án 06 đến toàn bộ công chức, viên chức, người lao động từ tỉnh đến huyện. Giúp nâng cao nhận thức cũng như trách nhiệm của công chức, viên chức, người lao động trong việc thực hiện đồng bộ dữ liệu dân cư quốc gia.

Đồng thời, thực hiện giao chỉ tiêu cập nhật, bổ sung định danh cá nhân/căn cước công dân của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên toàn tỉnh cho các đơn vị theo từng tháng; Hằng tháng, họp giao ban với Bảo hiểm xã hội huyện, thị xã để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà các đơn vị gặp phải trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Ảnh minh họa: Nguyễn Hà.

Ảnh minh họa: Nguyễn Hà.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng chủ động đề nghị Công an tỉnh Điện Biên chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội huyện, thị xã rà soát, cung cấp số định danh cá nhân/căn cước công dân của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào dữ liệu của Hệ thống quản lý thu-sổ thẻ; đồng thời đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ cho người dân đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng thẻ căn cước công dân gắn chip. Đây là một giải pháp then chốt giúp cho công tác đồng bộ dữ liệu thẻ bảo hiểm y tế vào cơ sở dữ liệu hoàn thành kế hoạch.

Để người dân tiếp cận một cách nhanh nhất các nội dung có liên quan đến việc đồng bộ dữ liệu thẻ bảo hiểm y tế vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bảo hiểm xã hội tỉnh Điện Biên còn đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông bằng nhiều hình thức truyền thông trực tiếp, truyền thông qua cơ quan báo chí, qua phát thanh cơ sở và mạng xã hội… để người dân tiếp cận một cách nhanh nhất các nội dung có liên quan đến việc đồng bộ dữ liệu thẻ bảo hiểm y tế vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đồng thời, phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh hướng dẫn người dân đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng thẻ căn cước công dân gắn chip, ứng dụng VssID và ứng dụng VNeID; khuyến khích người dân, đơn vị, doanh nghiệp tăng cường nộp hồ sơ qua giao dịch điện tử, sử dụng các dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc Cổng Dịch vụ công quốc gia…

Phấn đấu 100% người dân được đồng bộ dữ liệu

Theo thống kê, tính đến ngày 31/7/2023, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 591.390 người được đồng bộ dữ liệu căn cước công dân/định danh cá nhân với thẻ bảo hiểm y tế còn hiệu lực, đạt tỉ lệ 98,2%.

Toàn tỉnh cũng có 140/140 cơ sở khám chữa bệnh bằng căn cước công dân đạt 100% với 578.188 lượt tra cứu thông tin, trong đó có 485.678 lượt tra cứu thành công phục vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Với những kết quả tích cực này, Bảo hiểm xã hội tỉnh Điện Biên đứng thứ 5/63 Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố về thành tích triển khai Đề án 06.

Bảo hiểm xã hội tỉnh Điện Biên cũng duy trì triển khai, thực hiện tốt việc liên thông 2 nhóm thủ tục hành chính là “Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng” đã thực hiện cấp được 5.143 thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi trên dịch vụ công trực tuyến; tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; tiếp nhận từ Cổng Dịch vụ công quốc gia để xác nhận và giải quyết cho 140 trường hợp hưởng bảo hiểm thất nghiệp; khuyến khích, vận động người dân thực hiện giao dịch điện tử trên Cổng Dịch vụ công và ứng dụng VssID nhằm hạn chế việc nộp hồ sơ giấy.

Đã có 131.958 tài khoản VssID được cài đặt và kích hoạt sử dụng, đạt 101,5% kế hoạch được giao.

Người sử dụng tài khoản VssID - Bảo hiểm xã hội số. Ảnh: Thiên Hương.

Người sử dụng tài khoản VssID - Bảo hiểm xã hội số. Ảnh: Thiên Hương.

Trước những thành tích đã đạt được, ngày 30/7/2023 vừa qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh Điện Biên đã có 01 tập thể là Bảo hiểm xã hội huyện Tủa Chùa được tuyên dương trao tặng tập thể xuất sắc và cá nhân bà Nguyễn Thị Trinh - Trưởng phòng Quản lý Thu-Sổ, thẻ được trao biểu trưng điển hình tiên tiến tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác Đề án 06 của Chính Phủ do Công an tỉnh Điện Biên trao tặng.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 06, thời gian tới, Bảo hiểm xã hội tỉnh Điện Biên tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, đơn vị sử dụng lao động, Tổ chức dịch vụ thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; Đẩy mạnh công tác thông tin và tuyên truyền công tác chuyển đổi số; Tiếp tục phối hợp các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn, xử lý vướng mắc về phần mềm tiếp nhận dữ liệu khám chữa bệnh khi sử dụng thẻ căn cước công dân có gắn chíp để khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Phấn đấu 100% người dân được đồng bộ dữ liệu căn cước công dân/định danh cá nhân trên địa bàn, tăng số lượng người được sử dụng ứng dụng VssID, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, góp phần thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, từng bước hoàn thiện “hệ sinh thái Bảo hiểm xã hội 4.0”.

Thiên Hương