Khi "Bà đầm thép" xóa bỏ tập đoàn nhà nước, tư nhân hóa DN

14/04/2013 14:53
Theo Pháp luật TP.HCM
Nhắc đến bà đầm thép Margaret Thatcher, nữ thủ tướng duy nhất của Anh tính đến thời điểm này, thế giới nghĩ ngay đến một giai đoạn nước Anh với nhiều đổi thay về chính sách kinh tế.
Nổi bật nhất là chương trình tư nhân hóa các tập đoàn lớn của nhà nước - phần chủ yếu trong học thuyết Thatcher. Khi bà Thatcher nhậm chức thủ tướng năm 1979, nước Anh trong thời kỳ hỗn loạn về kinh tế. Tăng trưởng không có, thất nghiệp kỷ lục, lạm phát cao ngất ngưởng hai con số, các tập đoàn nhà nước làm ăn trì trệ, trong khi các nghiệp đoàn liên tục làm áp lực để chính phủ phải tăng lương. Môi trường kinh doanh ở Anh lúc đó theo mô tả của chuyên gia Steve Davies thuộc Viện Các vấn đề kinh tế (Anh) là “rất tồi tệ”, rất nhiều ngành công nghiệp thật sự ngoài tầm kiểm soát của chính phủ.
Xóa sổ tập đoàn nhà nước
Với bà Thatcher, biện pháp để giải quyết là rút yếu tố nhà nước ra khỏi hoạt động kinh doanh. Với bà, tư nhân hóa sẽ giúp các tập đoàn lớn hoạt động hiệu quả hơn, là cơ sở để cải thiện hiệu suất kinh tế, giúp sức cạnh tranh của kinh tế Anh cân xứng với các đối thủ trong châu lục. Nghĩ là làm, bà bắt tay tư nhân hóa các tập đoàn nhà nước thuộc nhiều ngành công nghiệp lớn đang làm ăn trì trệ, thậm chí thua lỗ như dầu khí, hàng không, vận tải, giao thông, sản xuất ô tô… Theo báo Guardian (Anh), thời điểm 1979-1981 là giai đoạn thử nghiệm. Những ngành công nghiệp đầu tiên vào cuộc tư nhân hóa là hàng không và viễn thông với hai tập đoàn nhà nước lớn British Aerospace, Cable & Wireless. Quá trình này nở rộ trong giai đoạn 1982-1986. Kế đó bà cho đóng cửa một số mỏ than, số còn lại được tư nhân hóa. Anh bắt đầu đưa ra bán các ngành công nghiệp cốt lõi như sản xuất ô tô, dầu khí: Tập đoàn Ô tô thể thao Jaguar, Britoil và British Gas. Tập đoàn British Telecom thuộc ngành công nghiệp viễn thông cùng những phần còn lại của hai tập đoàn Cable & Wireless và British Aerospace cũng tiếp tục được bán. Những năm 1987-1990, cùng với chiến thắng nhiệm kỳ thứ ba, bà Thatcher thêm tự tin trong thực hiện chương trình tư nhân hóa. Hàng loạt tập đoàn thuộc các ngành công nghiệp chủ chốt như sản xuất thép, điện lực, nước, dầu khí, hàng không, ô tô được đem ra bán như British Steel, British Petroleum, Rolls Royce, British Airways…
Cố Thủ tướng Anh Thatcher tham quan một nhà máy của Tập đoàn British Aerospace (sau tư nhân hóa) tại Anh năm 1982. Ảnh: GUARDIAN
Cố Thủ tướng Anh Thatcher tham quan một nhà máy của Tập đoàn British Aerospace (sau tư nhân hóa) tại Anh năm 1982. Ảnh: GUARDIAN
Chính phủ thu về 29 tỉ bảng từ tư nhân hóa. Cùng với việc bán các tập đoàn, bà Thatcher cho thành lập các cơ quan giám sát hoạt động các ngành công nghiệp như Ofgas giám sát ngành khí đốt và điện, Oftel giám sát ngành viễn thông, Cơ quan Sông ngòi Quốc gia giám sát ngành nước.Tư nhân hóa tiếp diễn hậu Thatcher Tư nhân hóa tại nước Anh diễn ra yếu ớt hơn dưới thời Thủ tướng Bảo thủ John Mayor (1990-1997). Anh tiếp tục tư nhân hóa các ngành điện lực, đường sắt và mỏ như Tập đoàn British Coal, Powergen, National Power, British Rail. Nước Anh đồng thời đưa vào thực hiện hình thức Sáng kiến Tài chính Tư nhân (PFI) - các công ty, tổ chức tư nhân cho chính phủ vay tài chính thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng công - một hình thức có thể xem gần gũi với tư nhân hóa. Giai đoạn 1997-2008, Thủ tướng Công đảng Tony Blair thỏa hiệp với bộ phận phản đối tư nhân hóa bằng lời hứa sẽ chấm dứt bán quyền kiểm soát giao thông hàng không. Tuy nhiên, lời hứa không được thực hiện. Thay vào đó, chính phủ tiếp tục mở rộng thực hiện PFI sang các lĩnh vực giao thông tàu điện ngầm (London Underground), y tế (Cơ quan Dịch vụ Sức khỏe Quốc gia) và giáo dục (xây dựng trường học). Năm 2009, đảng Bảo thủ quay trở lại cầm quyền và Guardian nhận định đây cũng là lúc học thuyết Thatcher quay trở lại. Không sai. Đảng Bảo thủ bắt đầu cho tư nhân hóa các ngân hàng nhà nước. Năm 2012, Ngân hàng Northern Rock được bán. Đảng Bảo thủ cũng từng đề cập khả năng sẽ tư nhân hóa Tập đoàn Royal Mail cùng một số lĩnh vực giao thông, giáo dục, y tế.Gặp chống đối dữ dội Bà Thatcher từng trình bày về chương trình tư nhân hóa trong một bài viết trên tạp chí Reason (Mỹ) năm 2006. Theo bà, kiểm soát nhà nước không mang lại điều tốt đẹp. Lý do vì các tập đoàn nhà nước thường chịu sự độc đoán trong điều hành, thậm chí độc đoán trong việc xác định các lợi ích tập đoàn sẽ mang lại. Kiểm soát nhà nước từ chối quyền lựa chọn của mọi người. Ngược lại, tư nhân hóa co hẹp quyền lực của nhà nước, đưa quyền lựa chọn về phía người dân. Bà thừa nhận chương trình tư nhân hóa đã gặp chống đối dữ dội, đặc biệt khi tiến hành tư nhân hóa các công ty dịch vụ công cộng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các công ty này hoạt động hiệu quả hơn nhiều khi được tư nhân hóa. Theo bà, rất nhiều người, nhiều ngành công nghiệp thích sống dựa vào trợ cấp dễ dãi hơn là tuân theo các kỷ luật tài chính cần thiết để cắt giảm chi phí và có tính cạnh tranh hơn. Một số khác thì thích khống chế khách hàng vì sự độc quyền của mình hơn là thật sự cố gắng vì một thị trường tự do. Để tạo ra một thị trường đích thực cần phải gạt yếu tố nhà nước ra khỏi thị trường. Bà xác định quá trình tư nhân hóa phải đảm bảo bốn điều. Đầu tiên, chính phủ phải định hình lại các tập đoàn sẽ mang ra tư nhân hóa. Số lao động dư ra sau khi định hình sẽ được nhận một khoản tiền hỗ trợ tùy theo số năm làm việc. Song song, chính phủ sẽ giúp họ tìm việc thích hợp ở ngành công nghiệp khác hoặc tự kinh doanh. Nói chung chính phủ xác định sẽ phải chăm lo cuộc sống bộ phận lao động này.Thứ hai, cần phải giữ và phát huy sự gắn kết của lực lượng lao động ở lại với tập đoàn sau khi tư nhân hóa bằng việc cho họ sở hữu cổ phiếu của tập đoàn.Thứ ba, các tập đoàn đã tư nhân hóa có quyền chuyển nhượng. Thứ tư, có một thực tế là một số ngành công nghiệp đã lỗi thời mà nếu muốn hiện đại hóa thì tốn quá nhiều chi phí. Chẳng hạn ngành đóng tàu từ lâu đã mất thị trường nhưng chính phủ hằng năm vẫn phải tốn khoản tiền không nhỏ cho các xưởng đóng tàu hoạt động cầm chừng mà không thể đóng cửa vì sợ nhân viên thất nghiệp. Không thể duy trì tình trạng này, các xưởng phải hoặc bị đóng cửa hoặc mang ra bán. Đây không phải là trường hợp bán thông thường. Chính phủ không yêu cầu bên mua phải trả bất kỳ khoản tiền nào, thậm chí bên mua còn được hỗ trợ một khoản tiền lớn để giữ chân nhân viên và giúp xây dựng cơ sở trở thành một tập đoàn tư nhân hiện đại, hoạt động hiệu quả. Công thức này cũng được áp dụng cho các ngành công nghiệp khác.Giúp nước Anh vượt qua khó khăn Bước đi tư nhân hóa, đặc biệt khi có sự giám sát của các cơ quan chính phủ lập ra đã giúp tăng năng lực làm việc của người lao động dẫn đến tăng năng suất, sản phẩm đến với người dân có giá thấp hơn, kinh tế bắt đầu tăng trưởng. Cố vấn Oliver Foster thuộc Công ty Truyền thông Pagefield (Anh) nhận định chương trình tư nhân hóa quyết liệt của bà đã giúp nước Anh vượt qua thời kỳ khó khăn và hiện các doanh nghiệp Anh vẫn tiếp tục hưởng lợi từ chính sách này. Ngày bà qua đời, 8-4, Chủ tịch Tập đoàn Virgin (Anh) Richard Branson cảm kích rằng bà đã tạo nền tảng cho công việc kinh doanh ở Anh. Theo ông, nếu ngày đó không được bà tạo cơ hội cạnh tranh, máy bay của Virgin có thể chẳng bao giờ được cất cánh từ sân bay Heathrow (London).
Với báo USA Today (Mỹ), bà Thatcher là bậc thầy của thị trường tự do.
Điều lớn lao và có ảnh hưởng nhất bà đã làm được là thay đổi cách kinh doanh của người dân Anh.
Theo báo Telegraph (Anh), một chương trình nổi bật nữa của bà Thatcher là đã bán 1,5 triệu căn hộ công cho dân đang ở thuê, đem về 18 tỉ bảng.

Để khuyến khích tăng trưởng, bà giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) chuyển bớt gánh nặng thuế sang người tiêu dùng. Tăng trưởng của Anh tăng đều từ 4% năm 1986 lên 4,6% năm 1987 và 5% năm 1988. Thu nhập chính phủ tăng gấp ba, từ 57 tỉ bảng năm 1979 lên 187 tỉ bảng năm 1990.

Năm 1979, bên cạnh lạm phát cao, thuế thu nhập từ việc làm lên tới 83%, thuế đánh trên thu nhập không phải từ việc làm (từ tiền tiết kiệm, cho thuê bất động sản…) lên tới 98%. Năm 1990, các mức thuế đã giảm xuống còn 40%, lợi nhuận và đầu tư tăng, giá cả tiêu dùng ổn định, lạm phát giảm còn một con số, thất nghiệp giảm, lương bắt đầu phục hồi.

Bà Thatcher đã có các chính sách giúp tự do hóa thị trường tài chính, kết quả nước Anh được biết đến là kinh đô tài chính.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Theo Pháp luật TP.HCM