Cử tri băn khoăn về việc nhà máy nước sông Đuống được đầu tư hiện đại và đã đưa vào vận hành cấp nước cho dân, nhưng lại xuất hiện thông tin thất thiệt.
Chủ tịch Thành phố Hà Nội cho biết, có 4 nhà đầu tư rót vốn xây dựng nhà máy nước mặt sông Đuống gồm một Quỹ đầu tư của Oman, doanh nghiệp Aqua One, Nhà máy nước sạch số 2 (10%) và 5% của một đơn vị khác.
"Đây là công ty từng làm nhà máy nước lớn nhất miền Nam tại Long An. Hà Nội đã chọn những nhà đầu tư có năng lực để làm nhà máy này. Vấn đề là như vậy, chứ không có lợi ích nhóm của ai ở đây", ông Chung khẳng định.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm ngày 15/11. ảnh: Hà Nội Mới. |
Về việc một doanh nghiệp của Thái Lan mua lại cổ phần của Công ty nước mặt sông Đuống, Chủ tịch Hà Nội cho biết đó là Quỹ đầu tư của Oman bán lại cho nhà đầu tư của Thái Lan và đã bán cách đây mấy tháng, chứ không phải bây giờ.
Chuyện các quỹ đầu tư mua bán phần vốn của doanh nghiệp tại dự án, công trình cụ thể là bình thường. Điều này cũng cho thấy môi trường đầu tư của Hà Nội ngày càng tốt hơn nên doanh nghiệp nước ngoài mới sẵn sàng đầu tư.
Hà Nội chưa cấp bù một đồng nào từ ngân sách cho nhà máy nước mặt sông Đuống |
"Tôi khẳng định với cử tri, nhà máy nước mặt sông Đuống là nhà máy nước hiện đại nhất Việt Nam và Đông Nam Á", ông Chung nói.
Nhà máy nước mặt sông Đuống được đầu tư gần 5000 tỷ đồng, đến nay đã đạt khả năng phát nước 300.000m3/ngày đêm.
Điều quan trọng nhất là nhà máy đã đầu tư hệ thống công nghệ vô cùng hiện đại, chủ yếu nhập khẩu từ châu Âu (trong đó phần lớn là từ Đức), được lắp đặt và vận hành bởi đội ngũ kỹ sư hàng đầu của Đức, kiểm soát chất lượng nước nghiêm ngặt, đạt tiêu chuẩn uống ngay tại vòi.
Nhà máy cũng xây dựng một phòng thí nghiệm hiện đại, kiểm tra nước hàng ngày và luôn đảm bảo các chỉ số vượt mọi yêu cầu mà Bộ Y tế Việt Nam đưa ra, và ngang với các chỉ tiêu nước châu Âu, vì thế mới uống được tại vòi.
Nhà máy được vận hành bằng công nghệ kỹ thuật vô cùng hiện đại, kỹ sư tại phòng điều khiển kiểm soát hoàn toàn mọi chỉ số an toàn từ các đường nước cấp tới khu dân cư.
Chính vì thế ông Torsten Bonew - Thị trưởng thứ nhất Thành phố Leipzig (Đức) khi đến thăm nhà máy đã bảy tỏ: "Chỉ trong chưa đầy hai năm mà các bạn xây dựng được công trình như thế này là rất phi thường và chúng tôi rất khâm phục các bạn".
Ở ngay công đoạn lắng đầu tiên, chất lượng nước đã vượt qua tiêu chuẩn của Bộ Y tế. ảnh: NQ. |
Tại bể lọc (một phần của quá trình lọc trước khi đưa vào bể chứa lớn chuyển đến người dân), có gắn thiết bị cảm biến hiện đại nhập khẩu từ châu Âu. Khi nhận thấy các chỉ tiêu chưa đạt đúng yêu cầu của nhà máy đề ra, thiết bị này tự động ra lệnh đóng cửa nước vào, mở cửa xả cho nước chảy về đường ống nhận nước vào. Đây là một trong những điểm hết sức đặc biệt trong quy trình vận hành của nhà máy, được đội ngũ kỹ sư giỏi của Đức tư vấn, lắp đặt và kiểm soát trong toàn bộ quá trình vận hành sau này; đảm bảo nước thật sự sạch, an toàn với sức khỏe của người sử dụng. ảnh: NQ. |
Thông qua việc đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch với quy mô lớn, mang tính liên vùng, liên tỉnh, Công trình Nhà máy nước mặt Sông Đuống đã góp phần từng bước hiện thực hóa mục tiêu chiến lược trong phát triển một hệ thống cấp nước sạch bền vững, có khả năng cung cấp và đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước sạch ổn định và lâu dài cho Thủ đô và các vùng lân cận.
Đến thăm nhà máy, ông Martin Dulig – Bộ trưởng Bộ kinh tế, Lao động và vận tải; Phó Thủ hiến bang Sachsen (Đức) bày tỏ sự thán phục trước nỗ lực thần tốc của các nhà lãnh đạo Aquaone.
Hệ thống kỹ thuật hiện đại tại Nhà máy nước mặt sông Đuống được tư vấn, lắp đặt và vận hành bởi đội ngũ kỹ sư hàng đầu của Đức và Áo. |
Cũng liên quan tới Nhà máy nước mặt sông Đuống, vào chiều ngày 12/11 tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Hoàng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, nhà máy nước mặt sông Đuống có công nghệ tiên tiến đến mức nước có thể uống được tại vòi. Các cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra để đảm bảo nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Làm rõ thông tin 10.246 đồng/m3 nước, ông Nguyễn Việt Hà – Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội khẳng định: “Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội chưa cấp bù một đồng nào từ ngân sách cho nhà máy nước mặt sông Đuống”.
Ông Hà cho rằng việc xác định giá nước sạch tạm tính tối đa với nước mặt sông Đuống là 10.246 đồng/m3, trên nguyên tắc "tính đúng, tính đủ", và đây là con số tạm tính.
Bán nước, thu tiền từ dân nhưng chưa thanh toán đầy đủ cho Công ty Sông Đuống Hiện tại, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên nước sạch Hà Nội và Công ty nước sạch số 2 lấy nước từ Công ty Sông Đuống bán cho dân (thu tiền bình thường) nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ thanh toán đầy đủ cho Công ty sông Đuống. Vào ngày 9/1/2019, tập thể lãnh đạo Thành phố Hà Nội có thông báo kết luận số 28 về việc chấp thuận đề xuất của liên ngành: Sở Tài chính - Sở Xây dựng - Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Nước sạch Hà Nội - Công ty cổ phần nước sạch số 2 - Công ty Cổ phần nước mặt Sông Đuống về việc tạm thời cấp bù kinh phí khi dự án nhà máy nước mặt Sông Đuống đi vào hoạt động. Theo đó, chấp thuận giá bán buôn của nhà máy nước mặt Sông Đuống cho 2 đơn vị lưu thông là 7.700 đồng/1m3 (chưa bao gồm VAT). Tuy nhiên, sau đó Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Nước sạch Hà Nội chỉ tạm thanh toán 3.656 đồng/1m3; còn Công ty cổ phần nước sạch số 2 chỉ tạm thanh toán 2.981 đồng/1m3. Sau khi có ý kiến từ Bộ Tài Chính, ngày 27/9/2019 Sở Tài chính tổ chức họp và ra văn bản số 6449/STC-QLG yêu cầu 3 công ty tiếp tục thực hiện theo Thông báo số 28 của tập thể lãnh đạo thành phố Hà Nội. Vào đầu tháng 10 vừa qua, Công ty Sông Đuống đã gửi công văn yêu cầu hai doanh nghiệp trên thực hiện nghĩa vụ thanh toán tổng số tiền hơn 55 tỷ đồng. Cụ thể, Công ty cổ phần nước mặt Sông Đuống yêu cầu Công ty nước sạch số 2 thanh toán hơn 9 tỷ đồng (tính từ 16/6/2019 đến 16/9/2019, tức là kéo dài liên tục 3 tháng). Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên nước sạch Hà Nội cũng đã nhận được công văn yêu cầu thanh toán hơn 46 tỷ đồng (tính từ 16/6/2019 đến 16/9/2019). Hiện hai doanh nghiệp này chưa thực hiện thanh toán cho Công ty Sông Đuống, trong khi đó vốn đầu tư nhà máy không hề có hỗ trợ một đồng nào từ ngân sách. Nếu sự việc này tiếp tục kéo dài sẽ gây ảnh hưởng tới hoạt động của nhà máy, cũng có nghĩa là ảnh hưởng tới kế hoạch cung cấp nước phục vụ nhân dân. |