Không được phép kết hôn đồng giới

30/05/2012 07:08

Dù thực tế có tổ chức đám cưới và sống chung, hôn nhân của người đồng tính không tồn tại về mặt pháp lý vì pháp luật không cho phép

Hai tuần nay, dư luận vẫn còn xôn xao về đám cưới đồng giới giữa hai thanh niên là Nguyễn Hoàng Bảo Q. và Trương Văn H. được tổ chức tại thị xã Hà Tiên - Kiên Giang vào ngày 16-5. Đám cưới có đủ cha mẹ hai bên tham dự với hàng trăm khách mời nhưng không bị cơ quan chức năng “hỏi thăm”.

Đã có vài vụ kết hôn đồng giới

Trước đó, vào tháng 2-2012, tại thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi - Cà Mau, đám cưới của “cô dâu” Nguyễn Vạn N. (20 tuổi) và “chú rể” Nguyễn Thị N. (21 tuổi) đã bị chính quyền địa phương can thiệp, ngăn chặn kịp thời.
“Biết rằng tổ chức cưới như thế là sai, xã hội không chấp nhận nhưng vì sợ con làm liều nên tui phải chiều theo” - mẹ của Nguyễn Thị N. nói. Chủ tịch UBND thị trấn Đầm Dơi khẳng định: “Hiện đoàn thể địa phương tiếp tục giám sát, nếu xảy ra trường hợp tương tự, chúng tôi sẽ ra quyết định xử phạt hành chính vì đây là cuộc hôn nhân trái luật”.
Không được phép kết hôn đồng giới ảnh 1
“Cô dâu” Trương Văn H. (bìa trái) cùng rót rượu với “chú rể” Nguyễn Hoàng Bảo Q. ngày 16-5. Ảnh: ĐINH THANH VÂN
Đám cưới đồng giới đầu tiên gây chấn động Việt Nam diễn ra vào ngày 14-12-2010 giữa hai cô gái 19 tuổi được tổ chức tại Hà Nội, với sự chứng kiến của cha mẹ hai bên, người thân cùng khoảng 100 khách mời.
Tiếp đến, giữa năm 2011, cư dân mạng lại “sốt” với một đám cưới đồng tính nam tại TPHCM. Đám cưới của họ được chuẩn bị công phu từ việc làm album đến tổ chức tiệc một cách hoành tráng. Cả hai đều cười rạng rỡ, hạnh phúc trong ngày cưới nhưng vắng mặt “tứ thân phụ mẫu”...

Đừng lên án, cũng không cổ vũ

Theo luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TPHCM), việc kết hôn ở Việt Nam đã được quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình. Theo đó, hai người muốn kết hôn phải đáp ứng các điều kiện về kết hôn: Nam từ 20 tuổi, nữ từ 18 tuổi, tự nguyện và không thuộc các trường hợp cấm kết hôn.

Khoản 2, điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: “Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn”. Khoản 5, điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình còn quy định “nghiêm cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính”. Theo điều 8 Nghị định 87/2001/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình: “Phạt tiền 100.000-500.000 đồng với hành vi kết hôn giữa những người cùng giới tính”.

Như vậy, dù thực tế có tổ chức đám cưới và sống chung, hôn nhân của người đồng tính không tồn tại về mặt pháp lý vì pháp luật không cho phép. Họ không được đăng ký kết hôn, không được pháp luật thừa nhận và không có được những quyền lợi hợp pháp như quyền về thừa kế, quyền tài sản chung, nhận con nuôi…

Vấn đề đặt ra là dù pháp luật có những quy định như trên để cấm hôn nhân đồng giới, dù bị xã hội cho là không phù hợp với thuần phong mỹ tục và bị thiệt thòi về quyền lợi, những người cùng giới tính vẫn yêu nhau và chung sống như “vợ chồng”, không nhiều nhưng cũng không phải là quá hiếm. Có lẽ sắp tới, các cơ quan chuyên môn cần có sự nghiên cứu đầy đủ về tâm sinh lý của người đồng tính để có những quy định riêng đối với họ trong lĩnh vực kết hôn.

Trong khi đó, luật sư Trịnh Thanh (Trưởng Văn phòng Luật sư Người nghèo - Đoàn Luật sư TPHCM), nhìn nhận: “Đúng là các văn bản pháp luật của ta đang cấm những người đồng giới kết hôn, thậm chí xem xét sự việc dưới góc độ truyền thống, đạo đức, văn hóa, tôn giáo…, hiện tượng này cũng không được ủng hộ.
Vì vậy, việc cổ vũ cho đám cưới đồng giới rõ ràng là không phù hợp. Tuy nhiên, tôi cho rằng hiện tượng nói trên cần phải được nghiên cứu một cách thấu đáo, không thể nhìn nhận sự việc theo hướng kỳ thị như hiện nay.
Bởi lẽ, hôn nhân đồng giới không phải là hiếm và cũng không phải là hiện tuợng xấu xa, lệch lạc, bệnh hoạn cần phải lên án như những tệ nạn ma túy, mại dâm. Hơn nữa, pháp luật cũng không nên can thiệp quá sâu vào quyền riêng tư, hạnh phúc của con người, nhất là khi chúng ta chưa có cơ sở khoa học vững chắc để bác bỏ nó”.

Một số nước cho phép kết hôn đồng giới

Hà Lan là quốc gia đầu tiên cho phép hôn nhân đồng giới từ năm 2001. Sau đó, 9 quốc gia khác (Bỉ, Tây Ban Nha, Canada, Nam Phi, Na Uy, Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Iceland, Argentina) và một số tiểu bang ở Mỹ cùng với thủ đô Mexico (TP Mexico) cũng cho phép hôn nhân đồng giới. Ở 16 quốc gia khác, những người cùng giới có thể kết hợp dân sự với nhau.

(Nguồn: Theo Bách khoa toàn thư mở)

Phạt hành chính vụ đám cưới ở Hà Tiên

Chiều 29-5, ông Mai Văn Khình, Chủ tịch UBND thị xã Hà Tiên - Kiên Giang, cho biết sau khi nhận tin báo từ người dân, chính quyền địa phương đã mời gia đình “cô dâu” Trương Văn H. đến làm việc về đám cưới đồng tính hôm 16-5.

Theo ông Khình, gia đình H. tổ chức đám cưới chóng vánh, không xin phép chính quyền địa phương. Tại buổi làm việc, gia đình H. đã nhận được đây là việc làm sai trái và cam kết để “mạnh ai về nhà nấy”. UBND phường đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với việc tổ chức tiệc cưới gây xôn xao dư luận của gia đình H.

Theo người dân phường Bình San, thị xã Hà Tiên, đám cưới được tổ chức tại nhà riêng của ông Trương Văn Hắc giữa con ông là Trương Văn H. (22 tuổi) với Nguyễn Hoàng Bảo Q. (ngụ quận Tân Bình - TPHCM). Sau tuyên bố của người dẫn chương trình, “cô dâu” H. cùng “ chú rể” Q. trao nhau nhẫn cưới, khui rượu dâng cha mẹ hai bên… Phát hiện đám cưới lạ, hàng trăm người dân và khách đi đường hiếu kỳ đã dừng lại xem, gây ách tắc giao thông trong nhiều giờ.

TỐ TRÂM/Người lao động

Điểm nóng

Nhà giàu "phát điên"... vì quá an nhàn, sung túc

Cơn lốc cá độ tràn qua giới trẻ: Những cuộc đời bị hủy hoại

Cận cảnh vụ hành hung dã man hai nhà báo tại Văn Giang qua ảnh

Giá nước sạch Hà Nội chuẩn bị tăng mạnh

Hai nhà báo bị đánh dã man: "Nơi chúng tôi tác nghiệp không hề bị cấm"

Phát hiện gần 14 tấn thịt thối bao bì Trung Quốc

Giây phút kinh hoàng hai phóng viên bị hành hung ở Văn Giang