Những năm qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài chính, ngân sách, nợ công ngày càng được Quốc hội, Chính phủ quan tâm, xây dựng, hoàn thiện.
Tuy nhiên, tình hình quản lý tài chính ngân sách nhà nước về nợ công và các khoản nợ khác của ngân sách nhà nước vẫn là những vấn đề nhức nhối gây khó khăn cho đầu tư phát triển, áp lực lớn trong quản lý, điều hành ở các cấp, các ngành.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, nhiều năm qua, nhận xét về kỷ luật, kỷ cương tài chính chưa nghiêm, chi vượt dự toán, chi chưa có dự toán còn lớn, phân bổ nguồn lực còn dàn trải, nợ công tăng cao chưa kể còn 80.000 tỷ đồng phát sinh trong quá trình điều hành ngân sách nhà nước, chưa bố trí nguồn trả nợ.
Đáng chú ý là 22.000 tỷ đồng nợ quỹ bảo hiểm xã hội phải trả cho người lao động. Gần 40.000 tỷ đồng ở các bộ, ngành, địa phương. Nợ đọng xây dựng cơ bản chưa được bố trí để chuyển các năm tiếp theo trong kế hoạch 2016-2020.
Các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước cho đến nay Chính phủ chưa nắm được, chưa biết, chưa có báo cáo rõ ràng với Quốc hội mà chỉ nêu hiện đang được các doanh nghiệp báo cáo gửi về Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền.
Đây là vấn đề cử tri và đại biểu Quốc hội rất lo ngại, phải bày tỏ thái độ vì sao cơ quan quản lý nhà nước về ngân sách quốc gia lại không nắm được thực chất các khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước. Phải chăng đây là lỗ hổng về pháp lý chúng ta cần phải nghiêm túc xử lý?
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Vừa qua, Kiểm toán nhà nước đã tập trung thanh tra, kiểm toán các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước, các ngành, nghề, lĩnh vực sử dụng vốn, tài sản nhà nước, dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực.
Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm trên 135.000 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi trên 53.000 tỷ đồng, xử phạt hành chính hơn 13.000 tỷ đồng, thu hồi xử lý hơn 3.471 tỷ đồng, qua kiểm toán kiến nghị xử lý tài chính hơn 14.700 tỷ đồng.
Có thể nói bức tranh quản lý ngân sách nhà nước sử dụng vốn và đầu tư công còn rất nhiều bất cập, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, nợ công và ngân sách nhà nước chưa cao, tỷ lệ nợ xấu khó thu hồi ngày càng gia tăng.
Theo dõi nhiều năm về vấn đề quản lý ngân sách vốn đầu tư và nợ công của Chính phủ, tôi nhận thấy đây là lần đầu tiên Chính phủ báo cáo khá thẳng thắn những khó khăn về vấn đề quản lý thu chi ngân sách và vấn đề nợ công cũng như các khoản nợ khác của nhà nước.
Áp lực này không chỉ dồn lên vai Chính phủ mà dồn xuống cả các địa phương, kể cả các thành phố lớn, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, chưa kể cả các địa phương khác luôn phải có sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương.
Phải chỉ rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân tại các dự án gây thất thoát, lãng phí (GDVN) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, cần phải chỉ rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây ra thất thoát, lãng phí. |
Để góp phần khắc phục tình trạng này, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm tập trung xử lý một số vấn đề sau đây:
Một, đề nghị Chính phủ có báo cáo cụ thể chi tiết rõ ràng về nợ công, nợ xấu với từng địa chỉ, số lượng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân nào, nguyên nhân nào dẫn đến nợ xấu, nợ công của từng địa chỉ đó.
Điều này rất nhiều khóa Quốc hội chúng tôi cũng đã có ý kiến nhưng mà chưa một lần nào có một con số cụ thể nợ xấu nằm ở đâu và thuộc về ai để xử lý mà chúng ta Quốc hội cứ nói nợ xấu, nợ công mà không biết cụ thể thế nào.
Trên cơ sở báo cáo cụ thể rõ ràng của Chính phủ, Quốc hội sẽ xem xét hỗ trợ các giải pháp xử lý nợ xấu, nợ công trong từng trường hợp cụ thể. Nếu quả thực nợ xấu, nợ công do hậu quả thiên tai bất khả kháng thì Quốc hội cũng xem xét cho phép xóa nợ, giãn nợ, chia sẻ gánh nặng với Chính phủ.
Trường hợp nợ xấu, nợ công do tham nhũng, lãng phí của người quản lý các cấp thì yêu cầu các cơ quan thanh tra, kiểm tra tư pháp các cấp xem xét trách nhiệm hành chính, hình sự, kiên quyết tịch thu và thu hồi lại ngân sách tài sản của nhà nước, lấy lại niềm tin cho nhân dân.
Thứ hai, trong điều kiện ngân sách eo hẹp, Chính phủ cần phải tập trung rà soát, kiên quyết cắt bỏ các thủ tục hành chính, thực hiện Chính phủ điện tử, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân yên tâm bỏ vốn sản xuất kinh doanh, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Giải quyết việc làm cho người lao động và bảo đảm an sinh xã hội cũng góp phần chia sẻ gánh nặng với nhà nước.
Thứ ba, sau kỳ họp này đề nghị Chính phủ cần tổ chức một cuộc họp bàn sâu rộng các bộ, ngành, địa phương tìm giải pháp kiên quyết không đầu tư bố trí ngân sách nhà nước dàn trải như mọi khi nữa và phải có một bước đột phá mới bắt đầu từ năm 2017, trong đó phải tập trung vào những vấn đề sau:
Một, phải bảo đảm bố trí nguồn lực cho giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc sách hàng đầu và tỷ lệ phần trăm đã được luật, nghị quyết của Quốc hội phê duyệt.
Hai, phải tái cơ cấu nguồn lực công hiện nay và tập trung gắn với tái cơ cấu nền kinh tế và lần này chúng ta không có dàn trải các ngành, các cấp, tôi đề nghị chọn những vấn đề, những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam có tiềm năng lợi thế.
Ví dụ một là công nghiệp thông tin, hai là phát triển du lịch. Từ phát triển du lịch tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, tập trung phát triển nền nông nghiệp cao, nông nghiệp công nghệ cao và đặc biệt là đầu tư cho phát triển trồng rừng, xử lý ô nhiễm môi trường làm sống lại tất cả các dòng sông.
Tôi tin rằng với một nguồn lực chúng ta hạn chế nhưng chúng ta chọn lấy bước đi và những tiềm năng lợi thế của đất nước chúng ta không đầu tư dàn trải theo kiểu quả mít nhiều mũi nhọn quá, tập trung một số mũi nhọn.
Tôi xin đề nghị trong năm 2017 trở ra chúng ta chỉ chọn 4 hoặc 5 lĩnh vực, còn tất cả các lĩnh vực khác tôi đề nghị để lại sau.
Với trách nhiệm tôi xin thật sự suy nghĩ rất nhiều nhưng cũng mong Quốc hội, Chính phủ lần này phải lắng nghe ý kiến các đại biểu và tiếp thu thì đất nước chúng ta mới có thể thoát khỏi những bất cập trong tình hình hiện nay.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho biết: "Đọc báo cáo về 5 dự án lớn do tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thực hiện chậm tiến độ, kém hiệu quả và đã tiêu tốn hay thua lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng. Như vậy, chúng ta thấy điều gì? Nhiều sai lầm, khuyết điểm được trình bày như điều đương nhiên, nghe rất quen thuộc như: nhà thầu hạn chế năng lực, giá và thị trường diễn biến không thuận lợi, xa vùng nguyên liệu, chất lượng sản phẩm không ổn định v.v... Truy xét kỹ thì sẽ thấy nhiều khuyết điểm chủ quan, từ khâu đệ trình đến phê duyệt và triển khai thực hiện các dự án. Dự án thép Thái nguyên đội vốn từ 3843 tỷ lên 8104 tỷ. Thời gian thi công từ 30 tháng lên 9 năm, đến nay vẫn chưa xong. Nhà thầu MCC của Trung Quốc ký hợp đồng thi công IPC giá trúng thầu C là 42,9 triệu USD đòi tăng lên 134 triệu, không được chấp thuận họ lại bỏ dự án là trở thành người bán thiết bị thuần túy. Đến nay đã thanh toán 93% gói thầu thiết bị nhưng phần chưa cung ứng lại là phần điện và điều khiển tự động. Báo cáo của Chính phủ không chỉ ra ai phải chịu trách nhiệm trong khi nhiều dự án, 5 dự án trên có một số dự án đang bế tắc và cử tri sẽ đặt câu hỏi Chính phủ chỉ báo cáo 5 dự án thì hiện còn bao nhiêu dự án như vậy chưa được nêu ra. Ngân sách và đầu tư công có vai trò là nguồn lực và động lực cho phát triển, nhưng nếu không quản lý tốt sẽ thành nguồn lợi cho các cán bộ, công chức, doanh nghiệp tham nhũng. Họ xà xẻo, xâu xé sau đó dự án thành những cái xác chưa chôn, đắp chiếu. Như thế vẫn tiếp tục ngốn ngân sách vì phải trả nợ vay, giải quyết việc làm cho người lao động mà thậm chí là thuê người bảo vệ cho những thiết bị mà đến nay nó thành phế liệu hoặc những mặt bằng đã thành đất bỏ hoang". |