Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin: “Vốn ngân sách nhà nước hiện nay chúng ta mới giải ngân được 62,6%; vốn trái phiếu Chính phủ chúng ta mới giải ngân được 46,3%.
Từ nay đến cuối năm còn 2 tháng phải tập trung giải ngân số vốn ngân sách và số vốn trái phiếu Chính phủ cộng với 24.000 tỷ Thủ tướng vừa quyết định phân bổ cho các dự án, đặc biệt là 22 dự án vốn kết dư của Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14. Cần kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, không đổ lỗi cho quy trình thủ tục”.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng yêu cầu làm rõ trách nhiệm trong việc chậm giải ngân vốn nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ. ảnh: vgp. |
Trong 10 tháng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tổ công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp tục đôn đốc các địa phương, giao Bộ KH&ĐT là cơ quan chủ trì đôn đốc các địa phương để tháo gỡ khó khăn về thủ tục giải ngân vốn.
Vấn đề tài chính, ngân sách, Thủ tướng yêu cầu triệt để tiết kiệm chi ngân sách, cả chi đầu tư và chi thường xuyên, nhất là chi cho hội họp, tiếp khách, đi công tác, sử dụng xe công.
Hiện nay, trích dự phòng 10% và tiết kiệm 10% khi giao dự toán chi đầu tư cho các công trình, dự án của 2017. Về thu, triển khai đồng bộ các biện pháp đôn đốc nợ thuế, chống thất thu ngân sách, đẩy mạnh cải cách hành chính trong vấn đề thu thuế, hoạt động của cơ quan hải quan.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, với tư cách là Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo kết quả kiểm tra việc thực hiện kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương, các tổng công ty nhà nước.
Trong tháng 10, Tổ công tác đã kiểm tra Bộ Y tế, TP.HCM và 4 cơ quan liên quan đến việc giải ngân chậm trễ nguồn vốn kết dư từ dự án Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14.
Như vậy từ 1/1 đến 26/10/2016, tổng số nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành, địa phương là 7.349 nhiệm vụ, đã hoàn thành 4.069 nhiệm vụ, trong đó hoàn thành trong hạn 3.321 nhiệm vụ, hoàn thành quá hạn là 748 nhiệm vụ, chưa hoàn thành 3.280 nhiệm vụ (trong hạn là 3.135 nhiệm vụ, quá hạn 145 nhiệm vụ).
Như vậy nhiệm vụ hoàn thành tăng 28,8%, nhiệm vụ chưa hoàn thành, quá hạn giảm chỉ còn 3,56%, tức là đã giảm 14,74% so với cùng kỳ năm 2015.
Hoạt động của Tổ công tác đã tạo hiệu ứng lan tỏa, tạo chuyển biến rõ nét trong các bộ, ngành, địa phương. Các nhiệm vụ được giao đã được các bộ, ngành, địa phương thành lập tổ công tác của Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố để trực tiếp giúp Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố kiểm tra, rà soát theo dõi.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: "Dứt khoát không nới trần nợ công" |
Kết luận phiên họp, Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác thời gian tới thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, theo dõi, kiên quyết không để chậm trễ, không để thực hiện kém chất lượng các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm với những việc chậm trễ.
Có thể quay lại kiểm tra các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra trước đó để xem mức độ hậu kiểm thế nào, đặc biệt liên quan đến thủ tục hành chính, các rào cản liên quan đến tháo gỡ phục vụ cho sản xuất kinh doanh, liên quan đến doanh nghiệp.
“Sắp tới, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ sẽ trả lời chất vấn và giải trình trước Quốc hội.
Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung, chuẩn bị kỹ công tác này với trách nhiệm cao, với tinh thần cao nhất để Quốc hội và cử tri thấy được quyết tâm, ý chí, tinh thần trách nhiệm và các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, và các thành viên Chính phủ.
Đặc biệt là sẽ giao cho các Bộ trưởng, Phó Thủ tướng trả lời trực tiếp trước đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước”, Bộ trưởng Dũng cho biết.
Kiểm soát tốt nợ công, nợ Chính phủ
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, để bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn cho bội chi và cho đầu tư phát triển nhằm đạt các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chỉ tiêu nợ Chính phủ giai đoạn 2016-2020 không quá 55% GDP.
Việc xác định chỉ tiêu nợ Chính phủ không quá 55% GDP cũng hợp lý giữa các cấu phần nợ công theo hướng giảm nghĩa vụ nợ dự phòng từ bảo lãnh Chính phủ đồng thời kiểm soát mức dư nợ chính quyền địa phương.
Theo đánh giá của Worldbank, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ổn định năm 2016. ảnh: Báo bưu điện. |
Cũng tại Báo cáo đang trình Quốc hội, Chính phủ đã xây dựng các giải pháp nhằm mục tiêu kiểm soát các chỉ tiêu nợ trong giới hạn cho phép, trong đó có các nhóm giải pháp như sau:
Kiểm soát tốc độ gia tăng nợ công thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ trượt giá; kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước; đầu tư của Nhà nước chỉ tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, có sức lan tỏa lớn.
Xây dựng, điều hành thực hiện các kế hoạch tài chính ngân sách, kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 5 năm và hàng năm cần bảo đảm dự phòng cho các rủi ro có thể phát sinh như giá dầu, tỷ giá, các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn, các rủi ro bất khả kháng để bảo đảm các chỉ tiêu nợ trong giới hạn cho phép.
Cắt giảm mạnh bảo lãnh Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ bội chi và nợ chính quyền địa phương; ưu tiên bố trí nguồn tăng thu, tiết kiệm chi cho chi trả nợ để giảm nợ công, nợ Chính phủ.
Nâng cao hiệu quả đầu tư công, khuyến khích đầu tư theo các hình thức đối tác công tư; thu hẹp đối tượng sử dụng nợ công, chỉ tập trung vào các công trình, dự án trọng điểm, bảo đảm khả năng trả nợ; gắn trách nhiệm giải trình của các Bộ, ngành, địa phương với việc phân bổ và hiệu quả sử dụng vốn vay.
Tiếp tục tái cơ cấu nợ công; thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn và đa dạng hóa công cụ nợ, mở rộng cơ sở nhà đầu tư.
Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ, thể chế, chính sách quản lý nợ công, phù hợp với tình hình nước ta và thông lệ quốc tế; hoàn thiện các công cụ quản lý nợ chủ động.