Khu dân cư “quái dị“, nhà nào cũng có người điên hoặc hấp hối chờ chết

13/02/2012 17:54
Khu dân cư chỉ có 10 nóc nhà, thì 10 gia đình đó là 10 bi kịch khi tất cả các nhà đều không có người điên loạn, thì cũng có người mắc trọng bệnh, nằm chờ “thần chết viếng thăm”. 

.

Ngày xưa khi mới đến và thấy chuyện lạ, người ta còn đoán mò rằng có thể khu vực có độc chất gì đó, hoặc vì điều kiện địa lý nào đó ảnh hưởng đến người sống. Thế nhưng thời gian gần đây, khi “trục vớt” được tấm bia đá cổ gần 400 năm tuổi và nghi ngờ đây là “vùng đất thiêng”, người ta lại đổ lỗi những tai ương là đến từ… ma quỷ.

Câu chuyện xảy ra ở khu dân cư làng Thông Khê, xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định) không chỉ xôn xao dư luận mà còn giáng những “đòn tâm lý” tai ương đến 10 hộ gia đình này: Đi không được, ở lại cũng không xong.

Khung cảnh Phủ Thông hoang tàn
Khung cảnh Phủ Thông hoang tàn

Bia đá “báo mộng”?

Chuyện nhà nào trong khu dân cư này cũng gặp tai ương thì người dân địa phương đã biết từ lâu, nhưng chuyện bia đá biết “báo mộng” thì bây giờ người ta mới biết. Chị Nguyễn Thị Hoài (42 tuổi, chủ cửa hiệu mỹ viện ảnh đối diện ngay lối đi duy nhất vào khu quẩn thể Phủ Thông trước đây) dẫn chúng tôi vào khu đất hoang và chỉ nơi đặt tấm bia tạm thời. Như một người “hướng dẫn chuyên nghiệp”, chị nhớ rành rọt từng chi tiết về việc trục vớt được bia, về lịch sử của tấm bia và những câu chuyện liên quan đến tấm bia vì theo người phụ nữ này, chị chính là “chìa khóa” của sự việc – là người được tấm bia “báo mộng”.

Nguyên căn của việc chị trở thành người trông bia “bất đắc dĩ” là sau nhiều năm gia đình liên tục gặp hoạn nạn, mẹ chị ốm liệt giường tưởng không qua khỏi, khi “đi xem” thì “thầy bói” bảo phải lập miếu thờ may ra mới qua khỏi. Kể từ ngày gia đình chị lập miếu, ngày ngày hương khói, cùng với việc thường xuyên tới cửa Phật, chị cho rằng không chỉ bệnh tình của người mẹ thuyên giảm mà còn dần khỏe lại, gia đình ngày càng “ăn nên làm ra”.

Rồi một đêm chị Hoài nằm mơ thấy có một “vị thần” dẫn chị ra tận bờ ao phía Bắc, trước đây là ao của khu Phủ Thông chỉ vị trí tấm bia mà nói: “Tấm bia này chứa đựng rất nhiều điều mà đến nay nhiều người vẫn chưa biết”. “Sáng hôm sau tỉnh dậy tôi ra bờ ao, nhớ lại chuyện trong mơ nên đưa tay xuống vị trí đó và giật bắn người khi tay chạm ngay đúng một vật giống như bia đá”, chị Hoài thuật lại.

Nhân dịp người dân tát ao, chị xin ý kiến các cụ trong làng cho trục vớt tấm bia và mọi việc diễn ra thuận lợi. Mời cả những người giỏi chữ nho trong vùng về đọc nội dung ghi trên tấm bia, dù có những đoạn do thời gian quá lâu nên chữ bị mờ, tróc nhưng mọi người vẫn không khỏi giật mình kinh hãi khi biết nội dung của tấm bia đó ghi lại công đức của bà chúa Thông Khê. Về tên thật của bà mà trong lịch sử còn nhiều tranh cãi, có người cho rằng bà mang họ Phùng nhưng theo bia đá thì chắc chắn bà mang họ Trần. Cũng theo tấm bia này, khu đất mình đang ở có tên “quần thể Phủ Thông” trước đây nằm trong hệ thống quần thể di tích Phủ Giầy (thờ mẫu Liễu Hạnh) mà khách thập phương ai cũng biết tới.

Từ sự việc này, những người trong khu dân cư mới lần về nguồn gốc khu đất mình đang ở và được biết nơi này trước đây là chùa Quang Minh gồm nhiều đền phủ, nhiều dãy nhà ngang, nhà dọc to lớn.... Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, những dinh cơ miếu mạo này phần bị phá hủy bởi chiến tranh, phần được chuyển sang làm trường học, trụ sở của các cơ quan...

Hiện dấu tích còn lại của khu phủ xưa chỉ còn lại một gian nhà hoang tàn, cột kèo được chạm khác tinh tế và mái lợp ngói mũi hài. Diện tích đất hiện nay còn khoảng 2000 mét vuông, do Công ty giống cây trồng Nam Định quản lý và dù là “khu đất vàng” ngay cạnh trung tâm nhưng nhiều năm nay đã bị “bỏ quên”, tiêu điều xơ xác như một khu đất hoang.

Những ngôi nhà cấp bốn trước đây là nhà kho đã xuống cấp sập mái, chỉ còn trơ lại những bức tường gạch nham nhở. Khu ao hai bên cũng đã bị “thu hẹp” và thuộc quản lý của các hộ gia đình nhận đấu thầu. “Tâm điểm dư luận” chính là 10 gia đình đã được chính quyền xã tổ chức đấu thầu, chia ô, cắt khoảnh một diện tích nhỏ trong khu vực này làm làm đất thổ cư.

Tấm bia đá biết “báo mộng”
Tấm bia đá biết “báo mộng”

 “Trả giá” vì chiếm đất “người cõi âm”?

Biết chuyện nhiều năm nay mình đang sống trên “đất thiêng”, người ta mới giật mình nhận ra “thủ phạm” của việc vì sao nhiều năm nay các gia đình trong khu vực này lại liên tục gặp phải tai ương, điên loạn và những tai nạn bất thường như vậy. Tất cả các gia đình sau khi được nhận đất đến làm nhà tại đây không gặp chuyện này thì cũng xảy ra chuyện nọ: Nhà thì có người lâm trọng bệnh mà y học “bó tay”, nhà thì có người điên loạn.

Người ta cho rằng một trong những gia đình đã bị làm “vật tế thần” đầu tiên là gia đình xây nhà trên đường vào khu Phủ Thông trước đây. Đó là gia đình ông Trương Văn H (60 tuổi) có hai con trai là 37 và 35 tuổi đều phát điên, dù gia đình đã đưa đi chữa trị nhiều nơi nhưng bệnh tình vẫn không hề thuyên giảm. Mới đây trong một lần lên cơn điên dại, gia đình ông  đã phải nhờ đến sự can thiệp của chính quyền địa phương nhưng khi công an xã đến, một người con trai đã vác dao chém cả công an. Không còn cách nào khác, chính quyền địa phương đã phải “hộ tống” thanh niên này vào trại điên chữa bệnh bắt buộc vì sợ anh chàng có những hành động gây nguy hiểm cho gia đình và làng xóm.

Bên cạnh đó cũng là một bi kịch khác. Gia đình ông hàng xóm Trần Văn B (50 tuổi) có một cậu con trai duy nhất là niềm hy vọng, là “hạt giống đỏ” của cả gia đình. Từ bé cậu trai đã học rất giỏi, không phụ lòng cha mẹ, xong cấp phổ thông thì thi đỗ 3 trường đại học danh tiếng ở Hà Nội. Cậu chọn học Trường Đại học Xây dựng, mong muốn khi tốt nghiệp sẽ trở thành kỹ sư giỏi góp ích cho xã hội.

Lên Thủ đô, cậu chuyên tâm học tập, có thời điểm được một tập đoàn kinh tế nhận tài trợ du học nước ngoài. Khi cậu sinh viên đang phân vân suy nghĩ thì đột nhiên có những biểu hiện bất thường như tự bỏ học đi lang thang ngoài đường vài ba ngày. Tháy lạ, bạn bè gọi điện về nhà cho bố mẹ cậu. Hớt hải bắt xe lên, chứng kiến cảnh con trai đầu bù tóc rối, quần áo lem luốc mà ông bà không tin đó là con mình, đành bấm bụng xin nhà trường bảo lưu kết quả học tập để gia đình đưa con về nhà chữa chạy, hi vọng sẽ khỏi bệnh rồi tiếp tục theo học.

Lúc đầu ông bà cũng chỉ nghĩ con trai học nhiều quá mà bị “ngộ chữ” chứ chẳng chịu tin con mình bị điên. Tuy nhiên đến nay đã 3 năm trôi qua nhưng bệnh tình của cậu trai vẫn không hề thuyên giảm, ông bà phải cắt cử người theo dõi con hàng ngày. “Ấy thế mà em nó giải toán, lý, hóa vẫn còn rất chuẩn khi mấy cháu đi học về nhờ giải giúp. Còn sinh hoạt hàng ngày khác thì em nó vẫn có những biểu hiện tâm thần”, ông B buồn rầu.

Cũng trên con đường dẫn vào khu Phủ Thông, gia đình ông Nguyễn Văn N cũng mang bi kịch “tai ương trên trời rơi xuống” khác. Cả hai ông bà có thời gian từng làm ngân hàng huyện, nay đã nghỉ hưu. Khi đấu thầu được mảnh đất ở trung tâm mặt đường, những tưởng xây xong nhà là gia đình “ăn nên làm ra”, lấy đó làm nơi phát triển kinh doanh.

Thế nhưng nhà mới xây chưa kịp ở thì ông bị tai biến mạch máu não nằm liệt giường, kinh tế gia đình sa sút, bà vợ phải bỏ hết mọi công việc để ngày ngày chăm lo cơm nước, thuốc thang cho chồng. Khi ông chồng vẫn đang điều trị bệnh thì đúng một năm sau bà cũng bị tai biến. Không còn gì khổ hơn khi hai góc nhà là hai chiếc giường cho đôi vợ chồng nằm bất động, con cháu phải thay nhau chăm sóc.

10 gia đình nằm trên đất phủ xưa là 10 bi kịch, không có người gặp hoạn nạn ốm đau thì cũng có người điên loạn: Gia đình Phạm Văn S có con trai nhiều năm nay bị điên loạn; gia đình bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn T.T, ông Bùi Văn V, ông Lê Văn T, ông Nguyễn Văn T… đều có người mắc bệnh nan y như bệnh ung thư gan, xuất huyết dạ dầy; có người mất khi tuổi còn khá trẻ, có người vẫn còn đang mang bệnh trong người, không biết khi nào tử thần gọi đến tên?

Những ngày phát hiện ra bia đá là những ngày người dân trong khu vực “thất điên bát đảo” vì lo sợ, kinh hãi. Đem chuyện hỏi những vị cao niên trong làng thì sau một hồi lục lại suy nghĩ, nhiều người cũng nhớ ra những sự lạ như cụ Nguyễn Văn Côi (năm nay đã ngoài 90 tuổi): “Ngày tôi còn nhỏ, thấy hội phủ to lắm, người khắp nơi về dự lễ hội có khi tới 10 ngày, sau này chiến tranh tàn phá nhưng khu vực đất này vẫn còn “linh thiêng”. Khi cô con gái tôi lên 9 – 10 tuổi đi chăn trâu, nhiều hôm chạy về kinh hãi gọi bố ra xem, đến nơi thấy một đôi rắn mào đang uốn lượn trên những ngọn nhãn, cây mít trong đất phủ”.

“Chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên”

Để tìm hiểu về sự việc có thật hay không chuyện vì lấn “đất thiêng” mà người sống tại đây gặp nhiều tai ương, nhóm phóng viên chúng tôi đã tìm gặp nhiều người có chức năng tại địa phương. Ông Bùi Văn Tam, Nhà nghiên cứu lịch sử Nam Định, từng có nhiều năm nghiên cứu về vùng đất Thiên Bản (nay là huyện Vụ Bản) cho biết: “Sau khi phát hiện bia đá, chúng tôi đã tập trung nghiên cứu, tra cứu nội dung bia. Thật đáng tiếc là do lịch sử và thời gian mà quần thể di tích Phủ Thông không còn. 

Nhà sử học Bùi Văn Tam: “Khu đất nằm ở thế đắc địa “rồng chầu, phượng múa””
Nhà sử học Bùi Văn Tam: “Khu đất nằm ở thế đắc địa “rồng chầu, phượng múa””

Theo như tư liệu trước đây, khi lập đình, chùa, miếu, phủ… người xưa thường chọn vị trí đắc địa nhất, nơi đất cao ráo, có thế đất “rồng chầu, phượng múa”. Nếu nhìn tổng thể thì Phủ Thông nằm ở vị trí đầu rồng theo hướng Nam, hai ao phía hai bên tượng trưng cho đôi mắt rồng và người xưa cho rằng đây là một nơi đất thiêng”.

Cũng theo ông Tam, với những chứng cứ lịch sử, có thể khẳng định chắc chắn Phủ Thông thuộc quần thể di tích Phủ Giầy thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh, nơi mà du khách thập phương vào dịp lễ tết và nhất là vào mùa chính hội tháng ba vẫn thường trở về cầu cho quốc thái, dân an, gia đình bình yên, xã hội phát triển. “Chúng tôi sẽ cố gắng dịch xong sớm và công bố rộng rãi nội dung tấm bia về Phủ Thông tới mọi người”, ông cho biết thêm.

Thực hư thì chưa rõ, nhưng sau ngày phát hiện ra sự việc thì khu vực trở nên hoang vắng hẳn bởi chẳng có nhiều người muốn bước chân vào vùng đất “gieo rắc tai ương” này. Người địa phương cho biết trước đây nhiều gia đình gần đất phủ có ý định lấn chiếm thêm một chút ra phía sau, nhưng từ khi tìm thấy bia đá cổ thì “có cho thêm tiền cũng chẳng dám động vào đất của người âm nữa” như lời một phụ nữ nói. Có một ưu điểm nữa là sau sự việc khu vực bỗng… sạch sẽ hẳn lên, ví dụ như việc ao nước trong phủ trước đây là nơi người ta cứ tiện tay là vứt rác, nay thì mọi người chẳng bị ai cấm mà không dám bén mảng đến, sợ “làm ô uế đất thiêng”.

Ông Trần Văn Quân, Trưởng ban văn hóa xã Cộng Hòa cũng xác nhận sự việc địa phương phát hiện, tìm được bia đá cổ và đã nhờ cán bộ Phòng Văn hóa huyện cùng nhà nghiên cứu lịch sử Bùi Văn Tam tổ chức nghiên cứu, dịch lại nội dung của tấm bia bởi đây là một chứng tích quan trọng về khu quần thể di tích Phủ Thông đã bị chiến tranh phá hủy. Theo ông Quân, việc những gia đình ở gần khu vực Phủ Thông gặp những bất hạnh trong cuộc sống là có thực, tuy nhiên “đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên và do người dân thêu dệt thêm để nói về sự linh thiêng của khu quần thể di tích Phủ Thông”.

Bí mật trên tấm bia cổ:

Theo nhà sử học Bùi Văn Tam, tấm bia đá về bà chúa Thông Khê cho biết bà có tên thật là Trần Thị Ngọc Đài, sinh ra vào cuối thế kỷ XVI (tương truyền vào năm chúa Liễu Hạnh mất khoảng năm 1577). Được chúa Trịnh Tráng (Văn tổ Nghị Vương) đưa về dinh lập thành Dương Phi rồi sinh ra chúa Trịnh Tạc. Vì thế khi con trai làm chúa, bà được phong là Thái phi và mất năm Kỷ Dậu 1669, thọ 93 tuổi. Bà không chỉ là người có tài sắc vẹn toàn mà còn có nhiều công lao trong việc mở mang kinh tế, văn hóa cho quê hương Vụ Bản, được dân gian tôn vinh thành “một trong sáu sự kỳ lạ của đất Thiên Bản”. Sau ngày bà mất người dân nơi đây đã đúc tượng đồng thờ bà cùng với Mẫu Liễu Hạnh.

Để tưởng nhớ công ơn của bà người dân nơi đây đã lập bia nói lên công đức ấy. Bia đá có niên hiệu Dương Hòa – Thời kỳ nhà Lê năm thứ 6 (1640), chiều cao 1,55 mét, rộng 0,9 mét và dày 0,16 mét; được chạm khắc rồng nổi, hoa điêu. Trên bia đá được lập thành 3 phần: Phần thứ nhất nêu lên lịch sử và những lần tôn tạo của chùa Pháp Quang nằm trong quần thể chùa Thông; Phần hai về số ruộng mà bà chúa Ngọc Đài công đức vào chùa; Phần thứ ba là thơ ca, ca ngợi công đức của bà, cảnh đẹp, phồn thịnh của quê hương đất Thiên Bản. Trong bia đá còn ghi rất rõ diện tích của Phủ Thông là hai mẫu (tương đương với 5 ngàn mét vuông, gồm cả hai ao bên cạnh chùa). Bia đá khẳng định năm 1629 (năm Kỷ Tỵ) chùa Pháp Quang đã được xây toàn bộ bằng gạch, lập ngói.

Nhóm phóng viên/Pháp luật và Thời đại