Năm 2016, nền kinh tế nước nhà phải đối diện với quá nhiều khó khăn khi nợ công tăng cao, nhiều tỉnh trải qua sự cố môi trường chưa từng có, nhiều dự án đầu tư bằng vốn nhà nước bị thua lỗ lớn... Trong bối cảnh khó khăn ấy Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó phải kể đến số lượng doanh nghiệp đăng ký mới đạt kỷ lục, thu hút FDI tăng.
Tiếp tục thành công đó triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2017 được dự báo sẽ có nhiều điểm sáng trong đó tăng trưởng kinh tế sẽ vượt năm 2016 và hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu 6,7% do Quốc hội đề ra.
Bức tranh kinh tế Việt Nam 2016 có nhiều gam màu sáng từ sự điều hành nỗ lực của Chính phủ - ảnh nguồn WB. |
Chính phủ hành động thay đổi bộ mặt kinh tế
TS.Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định, năm 2016 có thể nói là năm có nhiều mốc lịch sử tạo ra định hướng tốt cho nền kinh tế Việt Nam. Trước hết là Nghị quyết Đại hội Đảng 12 tổng kết 30 năm đổi mới và định hướng cho phát triển kinh tế trong giai đoạn 2016 -2020.
“Nghị quyết Đại hội Đảng hay những chính sách phát triển kinh tế, phục vụ hội nhập kinh tế thế giới chúng ta đặt ra nhiều, ở từng thời kỳ khác nhau. Nhưng điểm nổi bật năm qua mà người dân, chuyên gia, doanh nghiệp phải ghi nhận là khâu điều hành, thực hiện”, TS.Kiêm nhận định.
Theo TS.Cao Sỹ Kiêm chủ trương định hướng của Đảng trong mỗi thời kỳ là đúng đắn, nhưng thực tế cho thấy khâu yếu nhất là triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, năm vừa qua dưới sự điều hành quyết liệt của Chính phủ việc triển khai nghị quyết, định hướng kinh tế đã có nhiều điểm sáng, khắc phục một số hạn chế ở giai đoạn trước.
Khoảng cách từ chủ trương tới triển khai thực hiện thu hẹp lại, những vấn đề tồn tại như năng suất lao động, thủ tục hành chính, nạn tham nhũng, bộ máy cồng kềnh bước đầu được giải quyết.
“Nói như vậy không phải năm 2016 những tồn tại nêu trên đã được giải quyết hết, nhưng thái độ cương quyết với quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động của Thủ tướng đã đưa đến nhiều dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế”, ông Kiêm nhận định.
TS. Cao Sỹ Kiêm tin tưởng dưới sự điều hành Chính phủ kinh tế Việt Nam năm 2017 sẽ đạt được tăng trưởng như kỳ vọng - ảnh H.Lực |
Đánh giá điều hành của Chính phủ trong năm qua, TS.Cao Sỹ Kiêm cho biết, ông rất ấn tượng với sự quyết liệt thẳng thắn, nhưng trên tinh thần lắng nghe của Chính phủ.
“Chính phủ dưới sự điều hành của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tạo niềm tin cho người dân khi thể hiện thái độ cương quyết trong xử lý doanh nghiệp, dự án yếu kém ngành công thương.
Bên cạnh đó, Thủ tướng trực tiếp đối thoại với doanh nghiệp, lắng nghe và đốc thúc các bộ ngành tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát triển; đồng thời xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường, khắc phục ảnh hưởng biến đổi khí hậu…
Sự quyết liệt của Thủ tướng, của tập thể Chính phủ từ lời nói cho tới hành động đã thể hiện bằng những con số thống kê ấn tượng”, TS. Kiêm nói.
Cụ thể, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến hết cuối năm 2016 đã có hơn 100 nghìn doanh nghiệp mới thành lập; trong khi đó cả năm 2015 chỉ có 94.700 doanh nghiệp thành lập mới.
Cùng với đó, cả nước có hơn 24.500 doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng gần 32% so với cùng kỳ.
Các tổ chức kinh doanh gia nhập thị trường trong không khí khởi nghiệp sôi động bởi cam kết của lãnh đạo đất nước về một Chính phủ "kiến tạo, phục vụ doanh nghiệp".
Việt Nam cũng tăng 9 bậc về môi trường kinh doanh trong năm nay theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới nhờ cải thiện thủ tục thành lập doanh nghiệp, nộp thuế, tiếp cận điện năng…
8 sự kiện kinh tế mang đậm dấu ấn điều hành Chính phủ năm 2016 Cam kết về một Chính phủ kiến tạo, hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển |
Ngoài ra, cho dù năm 2016 khó khăn nhưng thu ngân sách nhà nước đã cán đích và vượt dự toán.
“Bên cạnh giải quyết vấn đề về thủ tục hành chính, môi trường, giải pháp đột phá công nghệ trong nông nghiệp, bảo vệ môi trường biển kết hợp với kinh tế biển cũng đã được triển khai.
Năm qua, Chính phủ còn thể hiện sự điều hành minh bạch, kiên quyết, đặc biệt trong vấn đề cổ phần hóa, trách nhiệm người đứng đầu, xử lý các vụ án tham nhũng lớn”, TS. Kiêm cho biết.
Tăng trưởng 2017 sẽ đạt mục tiêu
Năm 2016, Quốc hội đã thông qua chỉ tiêu GDP năm 2017 phải tăng khoảng 6,7%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6-7%...
Theo TS.Cao Sỹ Kiêm, chỉ tiêu được Quốc hội đặt ra có thể hoàn thành trong năm 2017 bởi năm nay nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội và động lực tích cực cho phát triển kinh tế được tiếp nối từ đà tăng trưởng năm 2016 và cộng hưởng những lực đẩy từ thế giới.
TS. Kiêm nhận định, Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục thuộc nhóm có tốc độ tăng GDP cao hàng đầu khu vực và gấp đôi mức tăng trưởng chung toàn thế giới.
Lòng tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục được phục hồi và củng cố, nhờ tiếp tục các cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, tạo xung lực mới cho khu vực tư nhân trở thành động lực chính của năm 2017, cũng như nhờ giá năng lượng và nông sản thế giới dự báo phục hồi cùng với sự gia tăng tổng cầu tiêu dùng; tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế.
Để đạt được tăng trưởng cũng như kỳ vọng theo TS. Kiêm Chính phủ phải đồng bộ thực hiện ba giải pháp:
Thứ nhất, quản lý tốt thị trường chất lượng và giá cả hàng hóa, tính toán lộ trình điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý giá, bảo đảm không ảnh hưởng lớn đến mặt bằng giá và phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2017.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, ngăn ngừa buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng để bảo vệ sản xuất trong nước và quyền lợi của người tiêu dùng.
Triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016-2020. Thực hiện tốt công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, sớm khôi phục sản xuất và ổn định đời sống.
Thứ hai, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Trước mắt, đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, đưa khoa học công nghệ và nông nghiệp chủ động đối phó với biến đổi khí hậu, phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Năm 2017 sẽ là năm nông nghiệp phát triển với một loạt chính sách ưu đãi về vốn, về thị trường cho nông nghiệp”, TS. Kiêm nhận định.
Thứ ba, thúc đẩy tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, mở rộng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống và quyền lợi của người gửi tiền.
Thực hiện nghiêm luật ngân sách nhà nước và kỷ luật tài khóa, hài hòa việc nuôi dưỡng nguồn thu, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, tăng cường chống thất thu, chuyển giá và nợ đọng thuế.
“Giải quyết dự án, nhà máy thua lỗ ngành Công Thương, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước.
Giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước, giảm quy mô nợ công hàng năm. Bên cạnh đó, trên phạm vi cả nước cần có sự phát triển thị trường tài chính cân bằng hơn giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn”, TS. Kiêm cho hay.
Trong phát triển kinh tế, TS.Cao Sỹ Kiêm lưu ý năm 2017 Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm 5 quốc gia bị tác động bởi biến đổi khí hậu, tác động vấn đề môi trường từ đầu tư kinh doanh.
Vì vậy cần phải tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư, không để xảy ra hoặc lặp lại các sự cố môi trường mới.
Ông Kiêm nhận định: “Với định hướng rõ ràng được đưa ra vấn đề còn lại là việc thực hiện, phối hợp thực hiện giải quyết ra sao mà thôi. Với cam kết xây dựng Chính phủ liêm chính, Chính phủ hành động, người dân tin Chính phủ sẽ tập hợp được sức mạnh tập thể từ bộ, ngành, địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp và giải quyết được những vấn đề tồn tại”.