6 chính sách có ảnh hưởng tới doanh nghiệp từ tháng 8/2014

02/08/2014 17:11
Ngọc Quang
(GDVN) - Quy định chọn nhà thầu qua mạng; Bỏ lệ phí cấp giấy phép thực hiện quảng cáo; Hướng dẫn thuế thu nhập doanh nghiệp… là các chính sách có hiệu lực từ tháng 8.

Một số chính sách phát triển thủy sản

Có hiệu lực từ 25/8, Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản đã được Chính phủ ban hành, đối với đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ vỏ thép, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm. Còn trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới, với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm.

Đối với đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ, bao gồm cả máy móc, trang thiết bị hàng hải; thiết bị phục vụ khai thác; ngư lưới cụ; trang thiết bị bảo quản hải sản, trường hợp đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 400CV đến dưới 800CV, chủ tàu được vay vốn ngân hàng tối đa 90% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 2%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 5%/năm.

Trường hợp đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 800CV trở lên, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm.

Trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm.

Thời hạn cho vay là 11 năm, trong đó năm đầu tiên chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc. Ngân sách nhà nước cấp bù số lãi vay của chủ tàu được miễn năm đầu cho các ngân hàng thương mại.

Chính phủ đặc biệt quan tâm tới các chính sách phát triển thủy sản.
Chính phủ đặc biệt quan tâm tới các chính sách phát triển thủy sản.

Quy định lựa chọn nhà thầu qua mạng có hiệu lực từ 1/8/2014

Nghị định  59/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, trong đó quy định lựa chọn nhà thầu qua mạng có hiệu lực từ ngày 15/8/2014, lựa chọn nhà thầu qua mạng được thực hiện đối với các gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp và hỗn hợp có hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp và chỉ định thầu.

Các văn bản điện tử giao dịch qua hệ thống mạng đầu thầu quốc gia, các thông tin được đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được coi là văn bản gốc, có giá trị pháp lý và có hiệu lực như văn bản bằng giấy, làm cơ sở phục vụ công tác đánh giá, thẩm định, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và giải ngân.

Tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước

Theo Quyết định 37/2014/QĐ-TTg ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước có hiệu lực từ 6/8/2014, Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đối với những doanh nghiệp hoạt động trong 16 ngành, lĩnh vực.

Bên cạnh đó, có 7 loại doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ từ 75% tổng số cổ phần trở lên; 8 loại doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ từ 65% đến dưới 75% tổng số cổ phần; có 9 loại doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% tổng số cổ phần

Bãi bỏ lệ phí cấp giấy phép thực hiện quảng cáo

Bộ Tài chính  ban hành Thông tư 74/2014/TT-BTC bãi bỏ Thông tư số154/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí cấp giấy phép thực hiện quảng cáo. Theo đó, các khoản lệ phí bãi bỏ gồm: lệ phí cấp giấy phép thực hiện quảng cáo trên bảng, biển, panô và các hình thức tương tự; lệ phí thực hiện quảng cáo trên phương tiện giao thông, vật phát quang, vật thể trên không, dưới nước, vật thể di động và các hình thức tương tự khác; lệ phí thực hiện quảng cáo trên băng rôn (bao gồm cả băng rôn dọc và băng rôn ngang).

Thông tư 74 có hiệu lực thi hành từ 1/8/2014.

Miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước

Đây là một trong những nội dung tại Thông tư 77/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 46/2014/NĐ-CP Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

Thông tư nêu rõ các quy định trong áp dụng miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước.

Theo đó, dự án đầu tư có sử dụng đất được xét miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước là dự án được lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Dự án đầu tư được miễn, giảm tiền thuê đất gắn với việc cho thuê đất mới áp dụng trong trường hợp chủ đầu tư được Nhà nước cho thuê đất lần đầu trên diện tích đất thực hiện dự án hoặc được gia hạn thuê đất khi hết thời hạn thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Dự án đang hoạt động mà được ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước nhưng mức ưu đãi (miễn, giảm thấp hơn) quy định tại Điều 19, Điều 20 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP thì được áp dụng mức miễn, giảm theo quy định tại Điều 19, Điều 20 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP cho thời hạn miễn, giảm còn lại.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2014

Hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp

Theo Thông tư 78/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, từ ngày 1/1/2014 thuế suất thuế thu nhập doanhh nghiệp (TNDN) phổ thông là 22% và từ ngày 1/1/2016 là 20%.

Đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm trước liền kề dưới 20 tỷ thì thuế suất thuế TNDN áp dụng là 20%. Nếu năm trước đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh chưa đủ 12 tháng, tính bình quân doanh thu một tháng không vượt 1.67 tỷ thì áp dụng thuế suất thuế TNDN 20%.

Thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải hạch toán riêng để kê khai nộp thuế TNDN với mức thuế suất 22% (từ 01/01/2016 là 20%).

Thông tư này có hiệu lực từ 02/8/2014.

Ngọc Quang