AEON đầu tư vào Hà Nội: Lời cảnh tỉnh "phá sản" cho các DN Việt

14/04/2014 07:15
Hoàng Lực
(GDVN) - Khẳng định DN bán lẻ trong nước sẽ gặp khó khăn, thậm chí sẽ bị phá sản... nhưng theo ông Phú, việc các tập đoàn bán lẻ tiếp tục vào VN là xu hướng tất yếu.

Tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản AEON dự kiến sẽ khởi công xây dựng Khu phức hợp thương mại tại Hà Nội với tên gọi khu thương mại, dịch vụ cộng đồng và triển lãm AEON Mall Him Lam. Dự án này sẽ được xây dựng tại khu công nghiệp Sài Đồng B, quận Long Biên với quy mô khoảng 10ha thuộc Khu công viên công nghệ thông tin Hà Nội với giá trị 200 triệu USD.

Dự án bao gồm nhiều hạng mục như Trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, văn phòng, khu thể thao... được bố trí trên diện tích sàn khoảng 1,1 triệu m2. Dự kiến, khu phức hợp này sẽ mở cửa vào năm 2015 sau 1,5 năm xây dựng.

AEON đầu tư vào Hà Nội khiến thị trường bán lẻ chật chội.
AEON đầu tư vào Hà Nội khiến thị trường bán lẻ chật chội.

Việc AEON quyết định đầu tư mạnh vào thị trường bán lẻ Hà Nội lúc này được xem là mạo hiểm khi thị trường bản lẻ tại khu thủ đô dường như đang trở nên chật chội. Tình hình kinh doanh của nhiều hệ thống siêu thị đang gặp khó khăn, ế ẩm ở hầu hết các phân khúc đặc biệt là phân khúc cao cấp. 

Vì vậy vấn đề khi đầu tư vào Hà Nội, AEON sẽ tập trung đầu tư phân khúc nào để nắm được thị phần? Cơ hội của AEON cũng như thách thức với doanh nghiệp bán lẻ tại Hà Nội hiện nay như thế nào? 

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, việc AEON đầu tư xây dựng khu thương mại tại Hà Nội là lời cảnh tỉnh cho doanh nghiệp bán lẻ đang đóng chân trên địa bàn thủ đô, nhất là so với điều kiện của AEON đặc biệt so với doanh nghiệp bán lẻ trong nước.

“Khi thực hiện đầu tư lớn như vậy đòi hỏi vốn rất lớn, khả năng quản trị doanh nghiệp tốt. Điều này AEON hơn hẳn với phần còn lại của đơn vị bán lẻ tại Hà Nội và vượt trội doanh nghiệp bán lẻ trong nước. AEON vào sẽ khiến thị trường bán lẻ Hà Nội thêm chật chội hơn”, ông Phú nhận xét.

Mặc khác, AEON đầu tư vào Hà Nội sẽ đặt ra vấn đề liên kết của siêu thị, doanh nghiệp bán lẻ trong nước như thế nào để giữ được thị phần, giữ được khách hàng.

“Sẽ có cuộc cạnh tranh mạnh mẽ giữ doanh nghiệp bán lẻ trong nước với AEON, nếu không liên kết doanh nghiệp bán lẻ không thể cạnh tranh được”, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội nhận xét.

Đánh giá doanh nghiệp bán lẻ trong nước với Tập đoàn bán lẻ nước ngoài đang đầu tư tại Hà Nội ông Phú cho biết, doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài bên cạnh lợi thế về vốn, lợi thế thương hiệu còn hơn về chất lượng dịch vụ, hơn về cạnh tranh giá. Lấy ví dụ cụ thể, LotteMart Đống Đa khai trương khi vào khách hàng được cúi chào, gửi xe không mất tiền. Trong khi siêu thị nội từ cái nhỏ là việc thu vé xe của khách đến thái độ dửng dưng khi tư vấn tiếp thị hàng.

Nhận xét của vị Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội không hề sai khi theo phản ánh của khách hàng, khi đến siêu thị CitiMart (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) hay Coopmart (Hà Đông), nếu họ mua hàng thì sẽ được miễn phí trông xe nhưng không mua hàng thì bị thu 3.000 đồng/lượt?

Bên cạnh chất lượng dịch vụ, giá cả mặt hàng siêu thị trong nước khó cạnh tranh hơn. Ông Vũ Vinh Phú cho biết, ở Hà Nội đã có trường hợp siêu thị trong nước mua hàng từ siêu thị lớn của tập đoàn nước bán lẻ nước ngoài cách đó mấy con phố về bán lại.

Giải thích điều này ông Phú cho biết, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam đều xây dựng hệ thống khu chế xuất, khu sản xuất kết hợp với tiêu thụ tại thị trường Việt Nam và xuất khẩu. “Ví dụ như Metro là trung tâm cá ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, trung tâm lúa gạo, trung tâm hoa quả… Cách làm như vậy rất bài bản, mua tận gốc bán tận ngọn giá cả cạnh tranh kể cả tiêu thụ nội địa và xuất khẩu”, ông Phú nói.

Khẳng định doanh nghiệp bán lẻ trong nước sẽ gặp khó khăn, thậm chí sẽ bị phá sản nếu không cạnh tranh được nhưng theo ông Phú, việc các tập đoàn bán lẻ tiếp tục vào Việt Nam là xu hướng tất yếu, nhất là khi Việt Nam tham bỏ hàng rào thuế quan trong Asean (AFTA), tham gia hiệp định tự do thương mại TTP… mà Hà Nội là 1 trong 2 đầu tàu kinh tế lớn nhất đất nước, việc AEON vào đầu tư tại Hà Nội là điều dễ hiểu.

“Đây là việc đi trước đón đầu của các tập đoàn bán lẻ kết hợp với sản xuất và xuất nhập khẩu. Với trường hợp của AEON vào Hà Nội là xu hướng tất yếu không thể tránh khỏi, nó mang tác dụng nhất định buộc doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam phải cạnh tranh, vừa rồi Lottemart khai trương ở Tây Sơn (Hà Nội) Harpro, CitiMart phải "nhảy" lên”, ông Phú lý giải. 

Cũng theo ông Phú, khi tập đoàn bán lẻ vào đầu tư sẽ có tác dụng nhất định giúp doanh nghiệp bán lẻ trong nước học tập kinh nghiệm quả lý từ họ và cạnh tranh vừa học hỏi. Từ đó xây dựng chuỗi liên kết phân phối của Việt Nam cho tốt, giữ chân khách hàng đừng để thương hiệu bán lẻ nước ngoài chiếm thị phần.

Hoàng Lực