Agel VN bỏ chạy, niềm tin về kinh doanh đa cấp càng lung lay?

02/07/2011 07:25
(GDVN) - Việc Tập đoàn đa cấp Agel sụp đổ tại Việt Nam khiến người tiêu dùng thêm một lý do để lắc đầu với loại hình kinh doanh này.

(GDVN) – Những ngày qua, giới kinh doanh đa cấp thừa nhận: Việc Tập đoàn kinh doanh đa cấp Agel  của Mỹ rút khỏi thị trường Việt Nam thực sự đã gây cú sốc lớn cho họ. “Các thành viên trong nhóm trở nên hoang mang và lo lắng hơn, cứ ngồi với nhau là họ bàn tán về sự sụp đổ của Agel”, anh Nguyễn Quốc Huy, một người kinh doanh đa cấp cho biết.

>> Agel VN sụp đổ, hàng chục ngàn thành viên chấn động vì mất tiền tỷ

Agel sụp đổ do văn hóa kinh doanh chộp giật?

Lý do tại sao Agel Việt Nam sụp đổ đã trở thành câu chuyện bàn tán rôm rả của giới kinh doanh đa cấp trong những ngày qua.

“Tôi không ngạc nhiên lắm với sự sụp đổ này”, anh Nguyễn Đức Anh - một nhà kinh doanh tham gia bán hàng đa cấp của Công ty Amway (một trong những công ty có hệ thống phân phối đa cấp các sản phẩm hóa, mỹ phẩm lớn nhất hiện nay tại Việt Nam) cho biết: “Tôi cũng đã từng được chào mời sang làm việc cho Agel, đã từng tìm hiểu và nghiên cứu về phương thức bán hàng của đơn vị này cũng như được tiếp cận rất nhiều với các thành viên. Ban đầu, nghe thấy khoản lợi nhuận hoa hồng kếch xù tôi rất thích, hàng hóa của họ về cơ bản là tốt. Tuy nhiên, tôi nhận thấy Agel có vấn đề trong văn hóa ứng xử. Khi đi thuyết phục đối tác, họ luôn so sánh với đối tác khác, kể tốt về mình và nói xấu đối thủ. Từ nhân viên, cho tới lãnh đạo đều kinh doanh theo phương thức chộp giật, không vững bền”.

a
Theo các nhà kinh doanh đa cấp: Agel sụp đổ do văn hóa kinh doanh
"không liêm chính".

Cũng đồng tình với quan điểm trên, một thành viên khác của mạng lưới kinh doanh đa cấp thuộc tuyến trên, anh Vũ Điệp nhận định: Có nhiều lý do khiến Tập đoàn bán hàng đa cấp Agel của Mỹ rút khỏi thị trường Việt Nam nhưng điều quan trọng nhất vẫn là do văn hóa kinh doanh. "Một công ty bền vững là một công ty phải có cơ chế để giữ con người hợp tác với nhau, không tranh giành, kèn cựa. Còn Agel kinh doanh theo kiểu chộp giật, chạy theo tiền nhiều hơn là vun đắp để xây dựng mạng lưới, xây dựng mối quan hệ”, anh Điệp nhận xét.
Việc Tập đoàn kinh doanh đa cấp Agel chính thức tuyên bố rút khỏi thị trường Việt Nam đã khiến cho hàng chục ngàn người điêu đứng vì thiệt hại nặng nề cả uy tín và vật chất với tổng trị giá lên tới hàng tỷ đồng. Toàn hộ hệ thống bị rối loạn. Hiện nhiều thành viên đã khiếu nại lên tập đoàn Agel của Mỹ, nhưng phía Agel Mỹ trả lời, họ không gây ra thiệt hại nên không có trách nhiệm về việc này, tất cả trách nhiệm thuộc về Công ty TNHH Agel Việt Nam.

Trao đổi với báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, anh Nguyễn Đức T. – trưởng một nhóm trong bộ máy kinh doanh đa cấp của Amway, người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc bán hàng tại nhiều nước trên thế giới lắc đầu khi cho rằng: Những “nạn nhân” trong vụ sụp đổ Công ty Agel Việt Nam rất khó để đòi lại tiền đền bù chính đáng cho mình. Mặc dù Nghị định số 110/2005/NĐ-CP (24/8/2005)  của Chính phủ có những quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp cũng như những quy định ràng buộc về hình thức kinh doanh này nhưng hiện giờ, bản thân Công ty Agel Việt Nam đã biến mất, tan rã, “không còn gì thì lấy tiền đâu ra để đền bù”.

Hoang mang  với kinh doanh đa cấp

Ngay sau khi báo điện tử Giáo Dục Việt Nam đăng tin về việc hàng chục nghìn thành viên Agel bị mất tiền tỷ, điện thoại tới đường dây nóng của tòa soạn, không ít người đã tỏ ra lo ngại với các hình thức kinh doanh đa cấp kiểu này. Bởi khi vào Việt Nam, kinh doanh đa cấp đã bị những người kinh doanh lợi dụng khiến nó trở nên biến tướng, từ đó gây ra hàng loạt thiệt hại cho các nhà phân phối.

a
Nhiều người dân Việt Nam chưa thực sự tin tưởng vào loại
hình kinh doanh đa cấp.
Đứng trên quan điểm hoài nghi về sự đảm bảo của loại hình kinh doanh này, anh Vũ Huy Hoàng (hiện đang sinh sống tại TP.Đà Lạt) bộc bạch: “Tôi đã từng được bạn bè rủ rê đi tới các buổi hội thảo của kinh doanh đa cấp, nghe các nhà kinh doanh mạng diễn thuyết. Ở Việt Nam, hầu như, họ chỉ đánh vào tâm lý ham tiền và nhanh chóng làm giàu của người Việt. Tôi thấy, họ tính toán rất rành rọt và chỉ ra cho người nghe thấy: Một ngày chỉ cần bỏ ra một khoảng thời gian ngắn là có thể thu về lợi nhuận ra sao, vẽ ra một viễn cảnh tương lai tươi sáng như thế nào, trở thành tỷ phú có khó không?”.

Anh Hoàng nói thêm: “Họ giảng dạy, hướng dẫn về cách làm sao để lôi cuốn được những người khác tham gia vào hoạt động, nhấn mạnh về công dụng của sản phẩm, tuy nhiên lại không nói đến các tiêu chuẩn chất lượng và nguồn gốc xuất xứ, cũng như cách làm sao để bán được hàng tốt và tiêu thụ sản phẩm giỏi. Đã có lần, tôi cố hỏi đến nguồn gốc xuất sứ, hầu hết đều bị lờ đi và nói đến vấn đề khác,... Thêm vào đó, khi tham gia vào hệ thống, được “danh chính ngôn thuận” trở thành nhà phân phối nhưng bản thân bạn lại phải bỏ tiền ra mua số sản phẩm để đem bán, tức là bạn nghiễm nhiên trở thành khách hàng đầu tiên sử dụng sản phẩm của kinh doanh đa cấp”.

Trên các diễn đàn online, cộng đồng cư dân mạng cũng lên tiếng phản đối loại hình kinh doanh này. Bạn có nickname mikael bức xúc: “Mình bị bạn bè rủ rê rất nhiều nhưng chưa bao giờ tin tưởng vào loại hình kinh doanh đa cấp. Đọc xong thông tin về sự sụp đổ của Agel thì càng tin tưởng vào quan điểm của mình hơn”.

Trò chuyện với phóng viên báo giaoduc.net.vn, anh Nguyễn Trường An, một người chuyên kinh doanh đa cấp trong lĩnh vực mỹ phẩm cho biết: “Sự bỏ chạy của Công ty Agel đã khiến xã hội có cái nhìn ác cảm hơn với loại hình kinh doanh đa cấp vốn đã có nhiều điều tiếng không tốt ở Việt Nam. Vụ  việc của Agel như thổi lên làn sóng phản đối, đa nghi và thêm một lý do để người dân không lựa chọn hình thức kinh doanh đa cấp. Chính vì thế, nó trở thành một trở ngại lớn đối với những người kinh doanh đa cấp như chúng tôi trong việc thuyết phục người khác mua hàng và tham gia vào hệ thống”.

a
Giới kinh doanh đa cấp Amway khẳng định: Sự sụp đổ
của Agel không hề ảnh hưởng tới việc buôn bán của Amway.

Trước những thông tin bất lợi về loại hình kinh doanh đa cấp, không ít người tiêu dùng đặt câu hỏi: sắp tới sẽ còn những tổ chức bán hàng đa cấp nào theo vết xe đổ của Công ty Agel?
Trong khi đó, khẳng định với báo Giáo Dục Việt Nam, những nhà kinh doanh đa cấp của Amway tin tưởng: Việc công ty kinh doanh đa cấp khác sụp đổ hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới họ.
“Ở Việt Nam hiện nay có trên 40 công ty bán hàng đa cấp, có công ty làm ăn chân chính, có công ty lợi dụng hình thức này để thu lời vì mục đích cá nhân, mang tính lừa đảo. Tập đoàn Agel về Việt Nam không phát triển được đã tự loại bỏ, cũng giống như ở Mỹ, sau 1 đêm, ngủ dậy có 60 công ty bán hàng trực tiếp ra đời nhưng công ty nào tồn tại thì cần được kiểm chứng, có công ty sau 2 năm mới sụp đổ do không thanh toán hết nợ nần. Riêng Amway đã có thâm niên hoạt động trên 50 năm nên chúng tôi rất tin tưởng vào bề dày kinh nghiệm này” – Anh Hải Triều, một thành viên của bộ máy kinh doanh đa cấp Amway cho biết.

Khuê Hạ

>> Agel VN sụp đổ, hàng chục ngàn thành viên chấn động vì mất tiền tỷ