Ai chịu trách nhiệm khi để doanh nghiệp không đủ năng lực ký hợp đồng BOT?

17/05/2017 07:00
Mai Anh
(GDVN) - Theo Luật sư Trần Quốc Thuận để dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn không đội vốn Bộ Giao thông vận tải cần tổ chức đấu thầu lại để lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực.

Sau hơn 1 năm động thổ, do không nộp đủ vốn chủ sở hữu cần thiết nên Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn là chủ đầu tư dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn đã bị Bộ Giao thông vận tải ra thông báo về việc dự kiến chấm dứt hợp đồng dự án

Đánh giá cao sự thay đổi trong điều hành của Bộ Giao thông vận tải trong việc lựa chọn nhà đầu tư BOT giao thông tuy nhiên Luật sư Trần Quốc Thuận – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, cần thực hiện đấu thầu lại dự án này để lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực tài chính.

Phối cảnh cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn khi hoàn thành - ảnh nguồn Báo Sài Gòn Giải Phóng
Phối cảnh cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn khi hoàn thành - ảnh nguồn Báo Sài Gòn Giải Phóng

Dự án đội vốn do nhà đầu tư kém năng lực

Theo ông Trần Quốc Thuận yếu tố quyết định mang đến thành công cho các dự án  BOT giao thông là lựa chọn được nhà đầu tư có kinh nghiệm, đủ năng lực tài chính.

“Muốn lựa chọn được nhà đầu tư tốt phải thực hiện mời thầu, đấu thầu công khai. Nguyên tắc đấu thầu doanh nghiệp nào có mức đầu tư thấp nhất, chất lượng công trình cao nhất, mức thu phí và thời gian thu phí thấp nhất sẽ được lựa chọn.

Tuyệt đối không chỉ định thầu ngoại trừ những dự án, công trình quan trọng có ý nghĩa quốc phòng – an ninh”, ông Thuận nêu quan điểm.

Luật sư Trần Quốc Thuận – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - ảnh: Hoàng Lực
 Luật sư Trần Quốc Thuận – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - ảnh: Hoàng Lực

Luật sư Trần Quốc Thuận phân tích, lựa chọn nhà đầu tư BOT giao thông nhưng không có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông lại không có vốn hoặc dựa hoàn toàn vào vốn vay của ngân hàng dẫn đến nhiều nguy cơ.

Thứ nhất, dự án có nguy cơ đội vốn. Do thiếu nguồn vốn chủ sở hữu để triển khai dự án dẫn đến dự án kéo dài.

Dự án kéo dài dễ dẫn đến đội vốn do thay đổi về giá thành thị trường, giá nhân công, giá vật liệu. 

Thứ hai, khi nhà đầu tư không có cả năng tài chính thực hiện dự án mà dựa hoàn toàn vào vốn vay ngân hàng đồng nghĩa tổng mức đầu tư dự án sẽ phải gánh cả lãi suất cao từ ngân hàng.

Điều này không đúng với ý nghĩa kêu gọi đầu tư BOT giao thông là tận dụng nguồn vốn dư của doanh nghiệp.

Theo ông Thuận, muốn lựa chọn được doanh nghiệp đủ năng lực phải tính toán được chính xác tổng mức đầu tư dự án.

Tuy nhiên tính toán tổng mức đầu tư dự án BOT giao thông hiện nay đang có độ chênh.

Năm 2014 theo kết luận thanh tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được báo chí trích dẫn, dự án BOT Cầu Giát dài 33,93km do liên danh Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 4 và Tổng Công ty 319 được chỉ định là chủ đầu tư. Vốn đầu tư khi được phê duyệt là hơn 3.500 tỷ đồng nhưng theo tính toán của thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư chỉ là hơn 2.378 tỷ đồng, chênh lệch hơn 1.200 tỷ đồng.

Dự án khác cũng được thanh tra là dự án BOT nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang. Trong đó, tổ hợp nhà thầu Tập đoàn Đại Dương, Tổng Công ty 319, Tổng Công ty Vinaconex và Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú được chỉ định là chủ đầu tư, vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng.

Tại thời điểm thanh tra, tiến độ mới đạt khoảng 10% và vốn đầu tư bị tăng lên hơn 800 tỷ đồng.

Theo quy định với dự án BOT giao thông tổng mức đầu tư ban đầu dự án chỉ là sơ bộ để lựa chọn nhà đầu tư.

Phải đến khi dự án hoàn thành và được quyết toán thì giá trị quyết toán của dự án mới là căn cứ đề quyết định mức phí, thời gian thu phí.

Ai chịu trách nhiệm khi để doanh nghiệp không đủ năng lực ký hợp đồng BOT? ảnh 3

Ông Đinh La Thăng có trách nhiệm thế nào với một số dự án BOT giao thông?

Ai chịu trách nhiệm khi để doanh nghiệp không đủ năng lực ký hợp đồng BOT? ảnh 4

Người dân khốn khổ, nhà nước thiệt hại vì dự án BOT "tay không bắt giặc"

Tuy nhiên nếu tổng mức đầu tư ban đầu dự án được tính toán chi tiết không quá cao so với mức đầu tư thực sẽ mời gọi được nhiều doanh nghiệp đầu tư, có thêm sự lựa chọn và cạnh tranh trong đấu thầu giữa doanh nghiệp, từ đó chọn được nhà đầu tư tốt.

Trở lại dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn, ông Trần Quốc Thuận cho rằng, với doanh nghiệp không đủ điều kiện vốn vi phạm hợp đồng Bộ Giao thông vận tải không nên luyến tiếc.

Theo quy định hợp đồng BOT giữa Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn và Bộ Giao thông vận tải ký ngày 25/11/2016, nhà đầu tư phải cung cấp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo hình thức bảo lãnh của ngân hàng với số tiền hơn 121,8 tỷ đồng trước ngày 8/12/2016; Huy động đủ 100% vốn chủ sở hữu (khoảng hơn 1.200 tỷ đồng) sau 30 ngày và ký hợp đồng tín dụng (khoảng hơn 10.000 tỷ đồng) sau 60 ngày kể từ ngày ký hợp đồng BOT.

Tuy nhiên, đến đầu tháng 4/2017, nhà đầu tư vẫn chưa có đảm bảo thực hiện hợp đồng dự án, chưa nộp đủ vốn chủ sở hữu với số tiền còn thiếu khoảng hơn 700 tỷ đồng và chưa ký được hợp đồng tín dụng cho dự án.

“Doanh nghiệp không đủ điều kiện vốn Bộ Giao thông vận tải cần chấm dứt hợp đồng tránh dự án kéo dài có nguy cơ đội vốn”, ông Thuận cho biết.

Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mới

BOT giao thông không còn là mảnh đất màu mỡ như trước, nhiều doanh nghiệp đầu tư BOT giao thông nhận “quả đắng” khi đầu tư nhưng thiếu tính toán hiệu quả dự án.

Điển hình như Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (một trong những nhà đầu tư chính của dự án BOT cầu Hạc Trì, Phú Thọ).

Theo thông tin trên tờ Lao Động, hiện nay doanh thu 1 tháng của dự án cầu Hạc Trì này chỉ gần 5 tỉ đồng trong khi riêng tiền lãi ngân hàng đã là 10 tỉ đồng.

Trong hoàn cảnh tương tự là dự án BOT cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Để thực hiện dự án này Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam phải vay 300 triệu USD từ ngân hàng nước ngoài.

Hiện mỗi ngày phải trả 8 tỷ đồng tiền lãi nhưng số thu phí từ tuyến đường bình quân là 5,5 tỷ đồng/ ngày.

Từ bài học của những doanh nghiệp đi trước và vì thiếu vốn, sợ kém hiệu quả khiến một số nhà đầu tư trong liên danh đầu tư dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn xin rút.

Chỉ sau đúng một tháng động thổ, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đầu tư SCIC xin rút khỏi dự án. 

Việc SCIC rút đi khiến cho liên danh nhà đầu tư dự án từ chỗ 6 doanh nghiệp tụt xuống chỉ còn 5 và không lâu sau đó một doanh nghiệp nữa nữa là Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành xin giảm tỉ lệ đầu tư từ 25% xuống chỉ còn 5%. 

Tới tháng 3/2017, liên danh này chính thức ra khỏi dự án khi không thể huy động đủ vốn theo quy định.

Qua việc liên danh nhà đầu tư BOT Bắc Giang – Lạng Sơn tan vỡ vì thiếu vốn, Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước khi lựa chọn và ký kết hợp đồng với doanh nghiệp này.

“Chứng tỏ cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp là Bộ Giao thông vận tải đã tắc trách trong việc không xem xét khả năng của doanh nghiệp vội ký hợp đồng BOT với doanh nghiệp không đủ năng lực, không có ý định đầu tư nghiêm túc vào dự án”, ông Thuận nói.

Theo ông Thuận việc liên danh nhà đầu tư dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn tan vỡ sẽ khiến dự án khó hoàn thành trước ngày 31/12/2018 như dự tính.

“Để dự án không kéo dài dẫn đến đội vốn, Bộ Giao thông vận tải cần tiến hành mời thầu và đấu thầu công khai lại dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn để lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực.

Đặc biệt để tránh việc doanh nghiệp bỏ ngang giữa chừng phải có điều khoản cam kết, điều khoản xử phạt nếu doanh nghiệp không đảm bảo nguồn vốn thực hiện dự án”, ông Thuận cho biết.

Mai Anh