Alô ở cây xăng bị phạt đến 5 triệu đồng: Ai phạt? Phạt như thế nào?

06/08/2012 10:38
Vũ Vũ (thực hiện)
(GDVN) - Trước Nghị định 52 của Chính phủ về xử phạt người nghe điện thoại ở cây xăng, đại tá Nguyễn Văn Lâm - Trưởng phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) quận Hoàng Mai thừa nhận: Quy định nộp phạt là như thế nhưng chưa có chế tài buộc người ta phải thực hiện.
Bắt đầu từ 5/8, Nghị định 52 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy bắt đầu có hiệu lực thi hành, theo đó, người dùng sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đến 5 triệu đồng nếu sử dụng nguồn lửa, điện thoại di động, các thiết bị điện tử hoặc các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt khác ở những nơi có quy định cấm. Tuy vậy, theo khảo sát của phóng viên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, hầu hết người dân Việt Nam đều tỏ ra ngơ ngác vì không biết thông tin này. Các đại lý xăng dầu cũng nhận xét: Việc sử dụng điện thoại đã trở thành thói quen của người tiêu dùng trong khi việc PCCC chưa đi vào tiềm thức của người dân. Vì vậy, để xử phạt hành vi này hoàn toàn không hề dễ.
Đội PCCC quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: Từ trước tới nay, mặc dù đã có quy định về việc phạt hành chính đối với khách hàng sử dụng điện thoại ở cây xăng, tuy nhiên, trên thực tế chưa ghi phạt ai bao giờ.(Ảnh: TTO)
Đội PCCC quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: Từ trước tới nay, mặc dù đã có quy định về việc phạt hành chính đối với khách hàng sử dụng điện thoại ở cây xăng, tuy nhiên, trên thực tế chưa ghi phạt ai bao giờ.(Ảnh: TTO)
Trao đổi với pv, đại tá Nguyễn Văn Lâm - Trưởng phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) quận Hoàng Mai (Hà Nội) cũng cho biết: Việc xử phạt người mua xăng khi sử dụng di động dù đã có luật nhưng vẫn còn bất cập vì chưa có chế tài. Mặc dù, theo đại tá Lâm, việc sử dụng điện thoại tại cây xăng rất nguy hiểm vì nguy cơ gây cháy nổ cao.- Thưa đại tá, trước khi Nghị định 52 mới của Chính phủ ra đời, đội PCCC đã xử phạt trường hợp gọi điện thoại tại cây xăng nào chưa?Đại tá Nguyễn Văn Lâm: Các quy chế, nội quy quy định về PCCC đều đã quán triệt tới các chủ cây xăng, từ đó, các chủ cây xăng lại phải truyền đạt lại tới các nhân viên của mình để có trách nhiệm nhắc nhở khách hàng. Đối với đội PCCC, từ trước tới nay cũng chưa làm gắt gao. Mặc dù đã có quy định xử phạt nhưng chưa có trường hợp nào gọi điện thoại ở cây xăng mà bị phạt. Tới đây trong Nghị định mới, đội PCCC sẽ tăng cường hơn nữa việc này, có biện pháp xử phạt nặng để răn đe với khách hàng, kể cả nhân viên của cửa hàng, đại lý xăng dầu. - Ông đánh giá thế nào về mức độ nguy hiểm khi dùng điện thoại ở các địa điểm bán xăng dầu?
Điện thoại di động khi hoạt động trong vùng có khí ga, khí xăng dễ phát cháy. Bạn cứ hình dung giống như khi mình bật que diêm trong môi trường có ga, có hơi xăng thì nguy hiểm như thế nào!
Ví dụ như vụ nổ ga kinh hoàng mới diễn ra ở Tạ Quang Bửu, phường Bách Khoa, Hà Nội. Khi khí gas đã tràn ra xung quanh nhà, công tắc điện dù là bật hay tắt thì đều phát ra tia lửa điện, khi gặp nguồn hơi xăng hoặc nguồn hơi gas sẽ phát nổ ngay tức thì. Điện thoại di động cũng dễ phát nổ, tính chất, mức độ có thể nhẹ hơn nhưng giống như bật bếp châm lửa khi gas đã tràn ngập khắp không gian vậy! Ở các trạm bán xăng, hơi xăng ở cây xăng sẽ bốc ra, tuy nhiên, do không gian tương đối thoáng nên mọi người không thấy nguy hiểm. Bằng chứng là từ trước tới nay chưa xảy ra hiện tượng nào phát nổ ở cây xăng do dùng điện thoại di động. Tuy vậy, chúng ta cũng không thể coi thường. Bởi nếu ở nhà kín, có hơi gas, hơi xăng như thế thì rất dễ phát nổ, phát cháy khi người mua bật điện thoại di động.
– Theo đại tá Nguyễn Văn Lâm, trưởng phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) quận Hoàng Mai: Khi xăng, gas bị rò rỉ ra ngoài, dùng điện thoại di động chẳng khác nào bật tia lửa điện châm, đốt xăng, gas, gây cháy, phát nổ tức thì. (Ảnh: GDVN)
– Theo đại tá Nguyễn Văn Lâm, trưởng phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) quận Hoàng Mai: Khi xăng, gas bị rò rỉ ra ngoài, dùng điện thoại di động chẳng khác nào bật tia lửa điện châm, đốt xăng, gas, gây cháy, phát nổ tức thì. (Ảnh: GDVN)

- Với mức độ nguy hiểm như ông nói ở trên, đội PCCC sẽ kiểm tra việc dùng di động của người mua xăng bằng cách nào vì không ai có thể đứng túc trực ở cây xăng 24/24?
Đúng là chúng tôi không túc trực 24/24 được, lực lượng cảnh sát PCCC chỉ kiểm tra định kỳ. Với các cây xăng - cơ sở nguy hiểm, có nguy cơ cháy nổ cao theo danh mục của Chính phủ, đội PCCC phải kiểm tra định kỳ mỗi năm 2 đợt, ngoài ra còn có các đợt kiểm tra đột xuất. Ngoài ra, còn kết hợp với việc đôn đốc nhắc nhở, tự kiểm tra, giám sát nhau cũng như tích cực trang bị kiến thức để PCCC. Tôi nhận thấy: Lực lượng cảnh sát PCCC chưa đủ khả năng để có thể kiểm tra nhiều hơn. Do vậy, biện pháp chủ yếu vẫn là tuyên truyền cho mọi công dân, nâng cao ý thức trách nhiệm của mình để bảo vệ tài sản Nhà nước khi tới những nơi có nguy cơ cháy nổ cao. Tự giác chấp hành không sử dụng điện thoại di động. Còn nếu cứ chờ xử phạt mới có tính chất răn đe thì việc xử phạt này sẽ rất bất cập. Theo tôi nghĩ chủ yếu dựa trên tinh thần tự giác của người dân. Để được vậy, tới đây, chúng ta phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền.- Ông có thể nói rõ hơn về những bất cập trong việc xử phạt khách dùng điện thoại ở cây xăng?Quy định người ta nộp phạt là như thế nhưng chưa có chế tài buộc người ta phải thực hiện. Do đó, tôi mới nói Nghị định này còn bất cập vì chưa có chế tài. Ví dụ cảnh sát giao thông có chế tài giữ bằng lái xe hoặc giữ xe buộc người đi xe phải thi hành. Còn đối với đội PCCC, quy định của Bộ Công an có những cái chưa rõ ràng. Mặc dù từ trước tới nay, chúng tôi cũng chưa xử phạt trường hợp nào sử dụng điện thoại ở cây xăng. Nhưng nếu xảy ra trường hợp cháy nổ, người sử dụng điện thoại đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật, dù biết hay không biết. Khi không may xảy ra cháy nổ, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của, khách hàng đó không chỉ vi phạm luật hành chính, luật PCCC mà còn luật hình sự.- Xin cảm ơn đại tá!
Vũ Vũ (thực hiện)