Ăn thịt heo bảo quản bằng thuốc an thần, hại gan và thận

11/10/2012 07:14
Hân Ni
(GDVN) - Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai – Nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết: Người tiêu dùng vô tình ăn thịt heo có chứa lượng tồn dư thuốc an thần sẽ rất có hại cho chức năng đào thải của gan và thận.
Trong đợt thanh tra mới đây, tổ kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã phát hiện 19 lọ thuốc Prozil (thuốc an thần), trong đó 16 lọ đã sử dụng, 3 lọ đang sử dụng, 1 ống xi lanh nhựa đang đựng thuốc Prozil tại hiện trường lò mổ của người dân thuộc xã Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh). Theo tiết lộ của một chủ lò giết mổ heo trên địa bàn H.Hóc Môn, TP.HCM đăng tải trên báo Thanh niên: “Bạn hàng cần bao nhiêu thịt dẻo họ đều đáp ứng, thường là tiêm thuốc vào heo vài tiếng đồng hồ trước khi giết mổ làm cho thịt heo dẻo hơn, tươi hơn, ướt hơn nên để lâu miếng thịt vẫn tươi ngon, tiểu thương bán được giá hơn, có khi hơn đến 10 giá (10.000 đồng/kg) so với thịt heo không tiêm thuốc”. Để hiểu rõ hơn về tác hại của loại thuốc an thần này khi tiêm vào thịt lợn và vô tình được đưa vào cơ thể con người, phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với bác sỹ Nguyễn Xuân Mai – Nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng (Bộ Y tế).
Phát hiện 19 lọ thuốc Prozil (thuốc an thần), trong đó 16 lọ đã sử dụng, 3 lọ đang sử dụng, 1 ống xi lanh nhựa đang đựng thuốc Prozil tại hiện trường lò mổ của người dân thuộc xã Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh).. (Ảnh: TNO)
Phát hiện 19 lọ thuốc Prozil (thuốc an thần), trong đó 16 lọ đã sử dụng, 3 lọ đang sử dụng, 1 ống xi lanh nhựa đang đựng thuốc Prozil tại hiện trường lò mổ của người dân thuộc xã Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh).. (Ảnh: TNO)
Bác sỹ Mai cho biết: Về nguyên tắc, cái gì cấm dùng thì không được dùng. Trong khi đó, theo quy định, thuốc thú y sau khi loại thải khỏi cơ thể gia súc, gia cầm mới được giết mổ, thời gian loại thải này là 14 ngày, nếu giết mổ trước thời gian này thì thịt gia súc, gia cầm không được làm thực phẩm cho người. Thuốc an thần Prozil có tác dụng cho heo ít vận động vì thế mà thịt heo tươi hơn. Tuy nhiên, loại thuốc dùng để chữa bệnh cho động vật này khi sử dụng phải có sự chỉ định, giám sát, hướng dẫn chặt chẽ của bác sỹ. Bác sỹ Mai cũng nhấn mạnh: Lượng tồn dư còn trong thực phẩm, thức ăn là điều cấm kỵ. Người không có nhu cầu về thuốc an thần mà vẫn phải vô tình ăn  vào sẽ rất nguy hiểm. “Thuốc an thần không có lợi cho gan, nhất là đối với trẻ em và những bệnh nhân có chức năng gan không ổn định hay chức năng thận yếu. Với những người thiểu năng về gan, thận, các bác sỹ luôn rất cẩn trọng khi cho bệnh nhân uống thuốc này, thuốc kia, nhưng nếu vô tình ăn thịt lợn có chứa lượng tồn dư thuốc an thần mà không có sự kiểm soát sẽ rất nguy hiểm” – bác sỹ Mai lưu ý. Chia sẻ với báo Giáo dục Việt Nam, thầy Trịnh Duy Hùng, giảng viên khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên cũng cho biết: Prozil được các dược sỹ dùng với mục đích chữa bệnh, hỗ trợ cho thần kinh, gây hưng phấn hay ức chế thần kinh.
Người tiêu dùng rất khó nhận biết loại thịt heo có tồn dư chất an thần, chỉ có các xét nghiệm mới biết được. Về việc này, các trạm thú y thừa nhận: có thể kiểm soát bằng cách tăng cường kiểm tra các lò giết mổ chính quy nhưng các lò giết mổ lậu thì chịu thua. (Ảnh minh họa)
Người tiêu dùng rất khó nhận biết loại thịt heo có tồn dư chất an thần, chỉ có các xét nghiệm mới biết được. Về việc này, các trạm thú y thừa nhận: có thể kiểm soát bằng cách tăng cường kiểm tra các lò giết mổ chính quy nhưng các lò giết mổ lậu thì chịu thua. (Ảnh minh họa)
“Khi chất này theo thịt lợn vào người, chất tồn dư còn trong đó, người tiêu dùng khỏe mạnh ăn vào sẽ có hại, gây độc cho cơ thể. Thứ nữa, thuốc Prozil khi được tiêm vào thân con lợn có thể tạo ra những phản ứng phụ tương tác, đây là điều mà chúng ta chưa lường trước được!” – thầy Hùng nhận định. Cho tới thời điểm này,  “tôi mới chỉ nghe nói về việc đó. Ngành hóa chất cũng chưa có những xét nghiệm đầy đủ để đưa ra những kết quả chi tiết về tác hại của chất Prozil này. Tôi chỉ khuyến cáo người dùng không nên ăn thịt lợn nếu phát hiện ra việc tiêm thuốc an thần trên. Đồng thời, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tôi nghĩ các cơ quan chức năng liên quan tới vệ sinh an toàn thực phẩm cũng cần tìm hiểu, phân tích để công bố những thông tin, kết quả đầy đủ nhất, tránh hoang mang cho người dân” – thầy Hùng nói. Theo thông tin mới nhất nhận được từ Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), hiện tại, Cục đã nắm bắt được thông tin về việc lợn tiêm thuốc an thần. “Cục đang trao đổi với Cục thú y về độ chính xác của thông tin này, sau đó sẽ thông tin với báo chí ngay sau khi có kết quả chính xác nhất” – Cục trưởng nói.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Hân Ni