Bảo vệ người tiêu dùng: "Phải thay đổi nhận thức từ nhiều phía..."

24/04/2012 07:30
Phạm Hải (Thực hiện)
(GDVN) - "Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần phải bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức từ nhiều phía...." - ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội TC & BVNTD VN cho biết...
Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) luôn là vấn đề mà mọi người quan tâm. Chất lượng VSATTP vẫn luôn là nỗi lo thường trực và càng trở nên "nóng" hơn khi thời gian gần đây cơ quan chức năng liên tục phát hiện những vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm như thịt thối được "giải cứu" khỏi hố tiêu hủy, thịt lợn nhiễm hóa chất tạo nạc độc hại (nhóm Beta 2-Agonist), phát hiện chất cấm Trifluralin trong cá diêu hồng,...càng làm cho người dân cảm thấy lo lắng khi sức khỏe, quyền lợi hợp pháp của mình đang bị đe dọa trước "vấn nạn" mất an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Để giải đáp những thắc mắc cũng như lo lắng nêu trên, PV báo điện tử Giáo Dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Ảnh: Chinhphu.vn)
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Ảnh: Chinhphu.vn)

PV: Thời gian qua vẫn xảy ra khá nhiều vụ việc vi phạm gây thiệt hại về kinh tế, sức khỏe, thậm chí tính mạng của người tiêu dùng, như hiện tượng nhà sản xuất, kinh doanh các mặt hàng như sữa có chứa melamin, rượu có chứa độc tố, mỹ phẩm chứa hóa chất không được phép sử dụng, thực phẩm chứa chất bảo quản gây độc hại v.v... Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Đây là thực trạng đáng báo động và đáng buồn. Vì trục lợi mà người kinh doanh đã bất chấp luật pháp và coi thường sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng. Hành vi này phải được nghiêm trị. Mặt khác, thực tế đó cũng cho thấy công tác quản lý còn bất cập, do vậy cần tăng cường hơn.
PV: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có hiệu lực từ 1/7/2011, nhưng đến nay tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn ra khá phổ biến. Vậy cần có biện pháp gì để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng cũng như quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp? 
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Hệ thống pháp luật của nước ta về sở hữu trí tuệ, chất lượng hàng hóa, chống hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đến nay khá đầy đủ. Vấn đề hiện nay là công tác thực thi thế nào cho hiệu quả. Trước tiên là sự vào cuộc thường xuyên và quyết liệt của các cơ quan thực thi của nhà nước. 
Ngoài ra, để bảo vệ sản phẩm của mình tránh bị làm giả, doanh nghiệp phải có biện pháp tự vệ như dùng biện pháp kỹ thuật, dán tem chống hàng giả, thông tin đến người tiêu dùng cách phân biệt hàng thật, hàng giả, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa v..v...Phía người tiêu dùng, cần thận trọng khi mua hàng.

Thời gian qua vẫn xảy ra khá nhiều vụ việc vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm gây thiệt hại về kinh tế, sức khỏe, thậm chí tính mạng của người tiêu dùng như rượu bẩn, thịt lợn nhiễm hóa chất tạo nạc, cá điêu hồng có tồn dư chất cấm,...(Ảnh: Phạm Hải)
Thời gian qua vẫn xảy ra khá nhiều vụ việc vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm gây thiệt hại về kinh tế, sức khỏe, thậm chí tính mạng của người tiêu dùng như rượu bẩn, thịt lợn nhiễm hóa chất tạo nạc, cá điêu hồng có tồn dư chất cấm,...(Ảnh: Phạm Hải)

PV: Mặc dù sự ra đời của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được kỳ vọng sẽ là "tấm lá chắn" bảo vệ người tiêu dùng một cách hữu hiệu nhất, nhưng trên thực tế, điều này lại có vẻ không dễ dàng gì do có rất nhiều người dân vẫn chưa biết đến nó? Theo ông làm thế nào để Luật thực sự đi vào cuộc sống?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Câu hỏi này tôi cũng đã có dịp trả lời nhiều phóng viên báo chí. Theo suy nghĩ của tôi, Luật tạo ra hành lang pháp lý, nhưng người ta (những đối tượng bị Luật điều chỉnh) có “đi” trong hành lang đó hay không lại là việc khác. Chẳng hạn Luật Giao thông đường bộ cũng đã có lâu rồi chứ, nhưng tại sao tai nạn giao thông đường bộ vẫn xảy ra, người tham gia giao thông vẫn cứ vi phạm? 
Vì vậy, để Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực sự là “tấm lá chắn” còn phụ thuộc vào việc thi hành. Điều này đang nằm trong tay cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, tổ chức xã hội và người tiêu dùng là những đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. 
Ngoài ra, để Luật thực sự đi vào cuộc sống, tôi nghĩ rằng, phải bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức từ cơ quan quản lý, cơ quan chức năng, người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng. Vì vậy công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phải tiếp tục tăng cường và làm thường xuyên, dưới nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng. Nhưng không phải xong việc này mới làm việc khác, vì nhận thức là quá trình. Việc cần làm ngay là công tác thực thi. 

Tuy nhiên, tôi cũng nói thêm, quy định thì có nhưng để có điều kiện tham gia vào việc đưa Luật vào cuộc sống đối với tổ chức xã hội - nghề nghiệp như Hội Tiêu chuẩn & Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam hiện nay vẫn chưa được khai thông. 
PV: Như vậy, người tiêu dùng cần làm gì khi quyền lợi hợp pháp của họ bị xâm hại?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Người tiêu dùng hãy dành thời gian để tìm hiểu và sử dụng quyền của mình đã quy định trong Luật Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng. Hội Tiêu chuẩn & Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam sẽ sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ khi cần thiết.

Người tiêu dùng cần kết hợp kinh nghiệm thực tế của mình và tìm hiểu các hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học để có sự lựa chọn đúng trong cách sử dụng thực phẩm hàng ngày. (Ảnh: Phạm Hải)
Người tiêu dùng cần kết hợp kinh nghiệm thực tế của mình và tìm hiểu các hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học để có sự lựa chọn đúng trong cách sử dụng thực phẩm hàng ngày. (Ảnh: Phạm Hải)

PV: Trước hàng loạt các vụ việc về mất an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng mà đối tượng chịu nhiều thua thiệt nhất chính là người tiêu dùng. Vậy họ (người tiêu dùng - PV) sẽ được bảo vệ như thế nào?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thì người tiêu dùng được bảo vệ trên cơ sở hệ thống pháp luật, hệ thống chính quyền, cơ quan quản lý, cơ quan thực thi, cơ quan trọng tài thương mại, tòa án dân sự, tổ chức xã hội. Nhưng trực tiếp là các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan thực thi từ TW đến địa phương.
PV: Với tư cách là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, ông có lời khuyên như thế nào đối với người tiêu dùng trong cách lựa chọn, sử dụng hàng hóa, thực phẩm ở thời điểm hiện nay?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Trước diễn biến phức tạp của thị trường hiện nay, người tiêu dùng nên thận trọng khi mua và sử dụng hàng hóa. Mua những hàng hóa có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng, còn hạn sử dụng, ở những địa chỉ tin cậy, có uy tín. 
Đối với thực phẩm tươi sống như thịt lợn, có kiểm soát thú y, bằng kinh nghiệm thực tế của mình và tìm hiểu các hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học để có sự lựa chọn đúng, không chủ quan nhưng cũng không quá hoang mang khi mình đã nắm vững những thông tin cần thiết. /.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Phạm Hải (Thực hiện)