Bất ngờ kêu lỗ, Keangnam thu phí "khủng" để hồi vốn?

25/06/2011 06:57
(GDVN) - Chủ tịch công ty Keangnam Vina, ông Ha Jong Suk cho rằng, mức thu phí hiện nay vẫn khiến Kengnam chịu lỗ do hiện tại chỉ có 230 căn hộ sinh sống.

(GDVN) –  “Trên thực tế, hiện tại chỉ có 230 căn hộ chuyển đến ở nên phí quản lý chúng tôi thu được là rất ít, trong khi phí phải chi lại không giảm nhiều, do vậy, chúng tôi đang bị thiệt hại rất lớn” - ông Ha Jong Suk, chủ tịch Keangnam Vina, “kể khổ” về việc kinh doanh thua lỗ của mình trong "Hội nghị cư dân Keangnam" diễn ra chiều qua (24/6.)

>> Clip: Keangnam phớt lờ “thượng đế”, cư dân khẳng định: "Kiện đến cùng"
>> "Ngay sau hôm nay, chúng tôi sẽ gửi đơn tố Keangnam"

Thu phí “khủng”, Keangnam vẫn kêu “thiệt hại”

Trước bức xúc của người dân về phí dịch vụ, phí gửi xe quá “khủng”, vượt mức quy định của UBND TP. HN, phía chủ đầu tư Keangnam Vina và Công ty quản lý Chestnut Vin  vẫn khăng khăng: “Sau khi xem xét, chúng tôi nghĩ rằng chi phí quản lý mà chúng tôi đưa ra rất hợp lý”.  Theo thông tin từ phía Keangnam Vina, chi phí xây dựng nhà xe gồm 2 tầng hầm và 7 tầng nổi với các hệ thống đi kèm là gần 43,5 triệu USD. Bên cạnh đó, còn nhiều loại chi phí khác như chi phí khấu hao tài sản, vệ sinh, vận hành, bảo hiểm… một tháng khoảng 88.000 USD. Do vậy, Keangnam căn cứ vào đó để thu phí xe máy và ô tô để thu hồi vốn.

a
Trong Hội nghị cư dân để giải trình khiếu nại của người dân
chiều 24/6, Chủ tịch công ty Keangnam Vina, ông Ha Jong Suk
cho rằng, mức thu phí hiện nay vẫn khiến Kengnam chịu lỗ.
Ông Ha Jong Suk cho biết: Nếu tính diện tích của 922 căn hộ tại Keangnam, với mức phí 0,9 USD một m2 thì phí quản lý thu về hàng tháng của công ty là 119.894 USD nhưng chi phí mà công ty phải chi cho các khoản như chi phí lao động, thông tin, phí pháp đình, phí ngoại cảnh, bảo hiểm, xử lý nước thải…lên tới 133.082 USD trong tháng. Vì vậy, thiệt hại hiện tại công ty phải chịu một tháng là 13.188 USD và một năm là 158.255 USD (khoảng 3,2 tỷ đồng).

“Nhưng trên thực tế, hiện tại chỉ có 230 căn hộ mới chuyển đến ở nên phí quản lý chúng tôi thu được là rất ít trong khi phí phải chi lại không giảm nhiều, do vậy, chúng tôi đang bị thiệt hại rất lớn. Đưa ra mức phí như hiện tại là chúng tôi đã dựa vào kết quả kiểm toán của một năm quản lý”, ông Han khẳng định.
a
Với hàng loạt mức phí mà Keangnam Vina đưa ra, đại diện chủ
đầu tư cho rằng: "Chi phí quản lý mà chúng tôi đưa ra rất hợp lý".

“Cũng giống như các khu căn hộ khác, ở đây, tiền phí điện nước dùng cho công cộng được tính tỷ lệ là 18%. Mức phí mà Keangnam đưa ra, người dân hoàn toàn có thể kiểm chứng. Tiền gửi xe cao do chúng tôi hạn chế chặt chẽ việc gửi xe của khách ngoài để quý vị có không gian gửi xe tiện lợi nhất” - ông Ha Jong Suk bày tỏ.

Chỉ giải quyết khi dân cư có Ban quản trị chính thức

Dường như để xoa dịu “ngọn lửa” bức xúc trong lòng người dân suốt thời gian qua, Keangnam Vina đã lặng lẽ tổ chức buổi “hội nghị cư dân” gấp gáp vào cuối ngày 24/6. Phòng họp tầng 3 với sức chứa đối đa không quá 100 người này đã trở nên khá chật chội khi có đông đảo người dân tới tham dự. Bản thân vị chủ tịch Keangnam Vina Ha Jong Suk cũng tỏ ra ngạc nhiên vì sự đông đủ này.

Mở đầu bài phát biểu của mình tại “hội nghị cư dân”, ông Ha Jong Suk gửi lời xin lỗi tới tất cả toàn thể cư dân Keangnam về những gì còn bất cập trong suốt thời gian qua. “Chúng tôi nghĩ rằng: Thực trạng vệ sinh hiện nay chưa thực sự khiến người dân hài lòng, chúng tôi vẫn đang đào tạo và cố gắng nâng cấp những dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Và để nâng cao chất lượng phục vụ và khắc phụ những điều còn tồn tại, chúng tôi cũng đã tổ chức các buổi huấn luyện, đào tạo để kiểm tra trong và ngoài tòa nhà Keangnam”.

a

Keangnam cho biết sẽ giải quyết khiếu nại khi dân cư có ban
quản trị chính thức.

Ông Ha Jong Suk cũng khẳng định: “Cho tới nay, công ty Keangnam Vina cũng như Công ty quản lý Chestnut Vina luôn tuân thủ quy định pháp lý theo trình tự trong hợp đồng rằng: Khi cư dân thành lập được ban quản trị, chúng tôi sẽ hội ý với ban quản trị về công việc”. Theo ông  Ha Jong Suk, “ý kiến cá nhân không thể là đại diện cho tập thể được”, vì thế Keangnam Vina chỉ giải quyết khiếu nại và bàn bạc công việc khi cư dân tòa nhà Keangnam có ban quản trị chính thức, đại diện hợp pháp của người dân.
Trong khi đó, theo thông tư 16 về quy chế quản lý khu chung cư, ban quản trị sẽ được bầu ra trong thời hạn 12 tháng kể từ khi tòa nhà chính thức đi vào hoạt động. “Chẳng nhẽ, chúng tôi phải đợi 12 tháng mới có câu trả lời cho việc này?” – một cư dân Keangnam bức xúc chia sẻ.

Liên quan tới vấn đề này, báo Giáo Dục Việt Nam đã có buổi trao ngắn bên lề hội nghị với luật sư Bùi Quang Hưng. Ông Hưng cho rằng: Đó chỉ là cách “né tránh”, cố tình kéo dài thời gian giải quyết đơn thư khiếu nại từ phía Keangnam Vina. Bởi lẽ, trong điều 12 của Quyết định số 107/2009 QĐ- UBND quy định: “Mức phí trông giữ xe ô tô cụ thể không cao hơn mức thu tối đa do Ủy ban nhân dân thành phố quy định, giao cho chủ đầu tư thỏa thuận với ban quản trị hoặc người được nhân dân cử đại diện thống nhất mức thu cụ thể, gửi Sở Tài chính thẩm định”. Như vậy, chủ đầu tư có trách nhiệm đàm phán đại diện dân cư về mức phí gửi xe để trình lên UBND thành phố, chứ không nhất thiết phải là ban quản trị.

a
Trước sức  ép của người dân, đại diện của Keangnam Vina đã
phải hẹn trả lời chính thức vào ngày thứ 2 (ngày 27/6).
Theo luật sư Hưng: Trong trường hợp này, Keangnam Vina đang tự áp đặt mức phí trông xe vượt trần so với quy định của Ủy ban Nhân dân thành phố mà không cần thông qua người dân. Và mặc dù có đơn khiếu nại, dọa kiện cũng như trước những bức xúc phản ánh của người, cho tới thời điểm này, bảng niêm yết giá phí gửi xe vẫn đang được ngang nhiên thực hiện. Theo đó, phí trông ôtô, xe máy được chủ đầu tư áp dụng lần lượt là 1,462 triệu đồng và 104.000 đồng mỗi tháng, trong khi đó, quy định phí giữ ôtô và xe máy tại các chung cư trên địa bàn quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm là 875.000 đồng và 45.000 đồng. Mức phí xe máy tính theo lượt của chủ đầu tư đưa ra lên tới 10.000 đồng, gấp 5 lần quy định của thành phố.


Ngoài ra, “với mức phí dịch vụ 0,99 USD/m2 đang áp dụng cho hộ dân như hiện nay, chủ đầu tư cho rằng: Họ có quyền áp đặt mức phí đó. Nhưng thực tế, họ không có quyền làm thế. Theo luật định, nguồn kinh phí chỉ phục vụ cho dân cư tại đây, sau này, khi ban quản trị thành lập, số tiền phí dịch vụ sẽ được thu và tập trung vào một quỹ riêng để phục vụ dân cư dưới sự chỉ đạo và giám sát của ban quản trị. Hiện tại, khi ban quản trị chưa được bầu ra, có thể nói rằng, Keangnam Vina chỉ đang làm hộ cho ban quản trị” – Luật sư Hưng nhấn mạnh.

LS Bùi Quang Hưng: "Họ đã từ chối vai trò luật sư của tôi"

“Họ cũng từ chối vai trò luật sư của tôi trong cuộc làm việc này, thái độ cùng góp sức để xây dựng một khu chung cư hoàn hảo là hoàn toàn không có tại Keangnam. Họ không muốn đàm phán với tôi về bất cứ vấn đề gì cả” – Luật sư Bùi Quang Hưng chia sẻ sau khi bị ngăn cấm bước vào phòng họp của “hội nghị cư dân Keangnam”.

Trước những động thái bất hợp tác từ phía Keangnam Vina, những người dân đại diện cho toàn bộ khu chung cư sau buổi “hội nghị” trên đã nán lại gặp gỡ riêng để bàn bạc cách đấu tranh đòi lại quyền lợi của mình, trong đó có 3 vấn đề nổi cộm: Phí gửi xe quá “chát’, phí dịch vụ quá cao cùng với việc niêm yết giá trị căn hộ bằng Đô la Mỹ và yêu cầu thành toán bằng tiền VNĐ - vi phạm quy định về cấm niên yết ngoại tệ của pháp luật Việt Nam về quản lý ngoại hối của Việt Nam.

Theo đó, từ nay tới 27/6, ban đại diện khu dân cư lâm thời sẽ họp bàn các phương án đàm phán với Keangnam Vina trong buổi họp trả lời khiếu nại chính thức diễn ra vào đầu tuần tới.

Song song với đó, luật sư Bùi Quang Hưng sẽ chính thức gửi đơn khiếu nại tới UBND TP. Hà Nội, chỉ rõ những sai phạm của Keangnam Vina khi biết vượt mức quy định của thành phố nhưng vẫn tiếp tục áp dụng mức phí này.

>> Clip: Keangnam phớt lờ “thượng đế”, cư dân khẳng định: "Kiện đến cùng"
>> "Ngay sau hôm nay, chúng tôi sẽ gửi đơn tố Keangnam"

Cao Nguyên – Tiểu Phương

(Ảnh do cư dân Keangnam cung cấp)