Bị cấm cửa vì gian lận, lừa đảo: Nhiều DN Việt không biết xấu hổ?

10/10/2013 10:14
Hồng Minh
(GDVN) - Theo doanh nhân Giản Tư Trung, không biết từ bao giờ, hễ nhắc đến “kinh doanh” nhiều người lại thường liên tưởng tới “buôn gian bán lận”...
Cuối ngày 8/10, nhóm Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam công bố lệnh cấm đối với Công ty Cổ phần Phát triển Cơ sở Hạ tầng Thăng Long và các công ty con trong thời gian 2,5 năm sau khi công ty này thừa nhận hành vi lừa đảo.

Cụ thể, các công ty con này đã nộp nhiều văn bản không đúng sự thật trong quá trình tham gia đấu thầu của Dự án nâng cấp đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Dự án Giảm nghèo khu vực miền núi phía Bắc giai đoạn hai và Dự án Phát triển Bền vững Thành phố Đà Nẵng.

Ngân hàng Thế giới cấm cửa một doanh nghiệp Việt vì gian lận. Đây là trường hợp gian lận đầu tiên được World Bank công bố ở Việt Nam, sau khi phát hiện gần 100 trường hợp khác trên thế giới trong năm vừa rồi.
Ngân hàng Thế giới cấm cửa một doanh nghiệp Việt vì gian lận. Đây là trường hợp gian lận đầu tiên được World Bank công bố ở Việt Nam, sau khi phát hiện gần 100 trường hợp khác trên thế giới trong năm vừa rồi.

Lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực từ tháng 10/2013, World Bank cho biết. Trong thời gian này, Công ty Cổ phần phát triển cơ sở hạ tầng Thăng Long và các công ty con sẽ không được tham gia bất kỳ hợp đồng nào do Ngân hàng Thế giới tài trợ.

Không chỉ đối tác quốc tế, vừa qua Bộ Giao thông Vận tải cũng “cấm cửa”, phong tỏa tài sản một nhà thầu yếu kém là Công ty cổ phần Xây dựng và Lắp máy Điện nước số 3 thuộc Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA) vi phạm trong quá trình thi công, nghiệm thu, thanh toán, thực hiện hợp đồng không đúng quy định; năng lực tài chính, thiết bị, nhân lực yếu kém, thi công chậm tiến độ, báo cáo tài chính trong hồ sơ dự thầu không trung thực.

Đây chỉ là một trong số những doanh nghiệp làm ăn gian dối ảnh hưởng đến hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác. Câu chuyện của Công ty Cổ phần Phát triển Cơ sở Hạ tầng Thăng Long và Công ty cổ phần Xây dựng và Lắp máy Điện nước số 3 cũng giống như các cơ sở sản xuất chè tại một số địa phương trước đây. Để tăng trọng lượng chè người sản xuất đã không ngại trộn thêm bùn đất để chuộc lợi bất chính làm mất đi thương hiệu hình ảnh chè Việt Nam.

Hiện tượng doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh Việt Nam làm ăn gian dối không chỉ dừng lại ở một ngành nghề, một lĩnh vực. Ngược lại từ việc gian dối của doanh nghiệp Việt ở hầu hết các lĩnh vực kinh doanh từ nhỏ đến lớn. Đơn giản, gây bức xúc xã hội nhất là hành vi gắn chíp, nổi số để gian lận lượng xăng bơm cho khách hàng tại một số cây xăng thuộc địa bàn TP Hà Nội.

Việt Nam nổi tiếng với những mặt hàng nông sản độc đáo nhưng không ít nhà nhập khẩu ngao ngán khi nói đến chất lượng hàng nông sản Việt nguyên nhân xuất phát từ kiểu làm ăn chộp giật của doanh nghiệp Việt. Ông John Waring – Chủ tịch Tập đoàn Waring – khẳng định: “Là nhà nhập khẩu hạt điều lớn nhất Australia, chúng tôi là khách hàng của Việt Nam. Ở Australia, việc đẩy mạnh công nghiệp chế biến thực phẩm từ hạt điều được chính phủ hỗ trợ mạnh mẽ. Chúng tôi cam kết với VN, nhu cầu sử dụng loại hạt này ở Australia, của cả thế giới là rất lớn”.

Tuy nhiên vị Chủ tịch Waring cũng thẳng thắn: “Thời gian gần đây, chúng tôi thay vì nhập khẩu điều Việt Nam, buộc phải chuyển sang nhập khẩu điều Ấn Độ, vì có những lý do khác nhau”.

Những lý do mà ông Waring tế nhị, không nói ra, đã được ông Joseph Lang – Giám đốc điều hành của Công ty Kenkko – tiết lộ rằng: “Trước đây, chất lượng nhân điều Việt Nam rất tốt, rất ngon. Nhưng thời gian gần đây, có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu điều Việt Nam bán cho chúng tôi những lô hàng với chất lượng kém, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Câu chuyện doanh nghiệp Việt làm ăn gian dối có lẽ còn dài như diễn giả, doanh nhân Giản Tư Trung Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE và là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED) nêu trong bài viết “Làm ăn hay làm người”. Theo doanh nhân Giản Tư Trung, không biết từ bao giờ, hễ nhắc đến “kinh doanh” nhiều người lại thường liên tưởng tới “buôn gian bán lận”?

Theo diễn giả Giản Tư Trung, trong giới làm ăn của quốc gia nào cũng có 3 nhóm người: Doanh nhân, trọc phú và con buôn. Trọc phú và con buôn đều giống nhau ở chỗ kiếm được tiền bằng cách lừa ai đó hoặc hại ai đó, chỉ khác nhau về quy mô. Con buôn thì quy mô nhỏ, còn trọc phú thì quy mô lớn. Để đánh giá là một doanh nhân hay con buôn, người ta không nhìn vào quy mô mà người ta nhìn vào cách kiếm tiền của họ. Không thể lấy cái quy mô để đánh giá mà phải nhìn vào bản chất của vấn đề.

“Doanh nhân phải là những người kiếm tiền mà không làm hại đến ai, không lừa gạt ai và sản phẩm của họ có thể đem lại những giá trị cho người tiêu dùng. Chẳng hạn, bà bán trái cây dạo cũng có thể là doanh nhân nếu bán trái cây tử tế nhưng sẽ là con buôn nếu trái cây của bà ấy mua từ những nguồn độc hại và được bảo quản bằng hóa chất”, diễn giả Giản Tư Trung nói.

Xin lấy câu nói nổi tiếng của Khổng Tử thay cho lời kết bài: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều gì mình không muốn thì cũng đừng làm cho người khác). 
Hồng Minh