Bộ, ngành nào không muốn rời xa doanh nghiệp sân sau?

28/05/2018 16:09
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đại biểu Quốc hội Leo Thị Lịch: "Nhiều bộ ngành không muốn rời xa doanh nghiệp được coi là sân sau của mình".

Theo kết quả giám sát, đã có 571 doanh nghiệp cổ phần hoá trong 6 năm qua. Các chỉ số kinh doanh tại hầu hết doanh nghiệp Nhà nước đều tăng sau bán vốn Nhà nước, tổng tài sản tăng 39%, doanh thu 29%, thu nhập bình quân của người lao động 33%...

Đến cuối 2015, các tập đoàn tổng công ty Nhà nước đã thoái vốn được gần 10.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc cổ phần hóa vấn còn nhiều vấn đề tồn tại. Tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ ở các công ty cổ phần còn cao.

Lượng cổ phần chào bán ra công chúng đạt thấp so với phương án cổ phần hóa doanh nghiệp, có nhiều Tổng công ty tỷ lệ bán ra ngoài được rất nhỏ (chỉ khoảng 1% -2% vốn điều lệ), dẫn đến chưa đạt mục tiêu của cổ phần hóa là đổi mới quản trị và thu hút vốn từ bên ngoài

Đến tháng 8/2017, còn 747 doanh nghiệp cổ phần hóa chưa đăng ký lưu ký và giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán; chậm bàn giao các doanh nghiệp đã cổ phần hóa về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Báo cáo nhấn mạnh, tồn tại chủ yếu của doanh nghiệp Nhà nước trong cổ phần hoá là sai phạm trong xác định sai lệch giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa nhằm chiếm dụng vốn.

Khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá, còn có trường hợp doanh nghiệp không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất, dẫn đến giá đất xác định thấp hơn giá thị trường.

Sau cổ phần hoá, doanh nghiệp không đưa đất vào sử dụng mà tự ý chuyển mục đích sử dụng đất và không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định, còn để tình trạng đất bị lấn chiếm...

Đại biểu Leo Thị Lịch phát biểu tại hội trưởng. (Ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu Leo Thị Lịch phát biểu tại hội trưởng. (Ảnh: Quochoi.vn)

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang) cho rằng, về quản lý vốn tài sản Nhà nước trong các doanh nghiệp, báo cáo giám sát chỉ ra một trong nguyên nhân hạn chế yếu kém chậm thực hiện, thực hiện không triệt để tách chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước với chức năng quản lý Nhà nước của các bộ.

Đại biểu nêu quan điểm: “Rõ ràng, nhiều bộ ngành không muốn rời xa doanh nghiệp được coi là sân sau của mình.

Phải chăng đây là lợi ích nhóm hay nguyên nhân dẫn đến nhóm lợi ích khi mà một số cơ quan quản lý Nhà nước vừa đá bóng vừa thổi còi không khách quan trong xây dựng chính sách.

Nó làm giảm hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước tạo ra sự ỷ lại, không chịu vươn lên của doanh nghiệp Nhà nước. Nó cũng làm méo mó môi trường cạnh tranh vừa làm nảy sinh tham nhũng, lãng phí vừa xảy ra thời gian qua”. 

Về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, đại biểu đoàn Bắc Giang đánh giá, quá trình này xuất hiện hạn chế, nguy cơ thất thoát tài sản do việc định giá doanh nghiệp thấp hơn giá trị thực tế, nhiều giá trị tài sản vô hình như thương hiệu, lợi thế doanh nghiệp độc quyền, giá trị đất đai đắc địa… không được đánh giá đúng.

Bộ, ngành nào không muốn rời xa doanh nghiệp sân sau? ảnh 2Dự án thua lỗ có cán bộ bị bắt nay ra sao?

“Một số doanh nghiệp Nhà nước bị bán với giá bèo bọt. Có một thực trạng, tài sản Nhà nước mua vào thì luôn bị đánh giá cao lên còn tài sản Nhà nước bán ra luôn có xu hướng bị đánh giá thấp đi. Thực tế này diễn ra không ít thời gian qua”, bà Lịch nói.

Để khắc phục hạn chế này, theo đại biểu không cách gì hay hơn là phải công khai minh bạch việc mua bán tài sản Nhà nước trên thị trưởng mới loại bỏ được yếu tố lũng đoạn chi phối. Như vậy sẽ thể hiện được giá trị thưc.

Một vấn đề khác được đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) nhấn mạnh là cần rà soát xử lý dứt điểm theo đúng tinh thần Nghị quyết 12, đến năm 2020 tập trung xử lý dứt điểm các doanh nghiệp Nhà nước, các dự án đầu tư thua lỗ kéo dài.

Không chỉ với 12 doanh nghiệp thua lỗ của ngành Công thương, Tổng Công ty công nghiệp đầu tư tàu thủy (Vinashin), mà còn với các doanh nghiệp khác.

Không để tình trạng tiếp tục mất vốn kéo dài hoặc  nhiều tình trạng hao mòn theo thời gian, mất chi phí bảo dưỡng duy trì tài sản.

“Tôi đi tiếp xúc cử tri tại huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ), cử tri rất bức xúc, 50ha bờ xôi ruộng mật phải nhường chỗ cho nhà máy Ethanol Phú Thọ. Chi hàng nghìn tỷ đồng nhưng dừng triển khai 5, 6 năm nay, các thiết bị máy móc đắp chiếu. Rất xót xa.

Chúng tôi làm việc với Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam vẫn tiếp tục thua lỗ. Theo tôi, cần phải quyết liệt xử lý hơn, càng để lâu càng nghiêm trọng”, đại biểu Hàm nói.

Đỗ Thơm