Cà phê Buôn Ma Thuột bị “cướp” thương hiệu từ… 2 năm trước

20/09/2011 11:50
Cách đây khoảng hai năm, một phó chủ tịch tỉnh Đăk Lăk đã cảnh báo với Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột nhưng sau đó sự việc bị... quên lãng!
Dư luận tại tỉnh Đắk Lắk và người dân cả nước những ngày qua xôn xao, bất bình về thông tin thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột -  Đắk Lắk bị doanh nghiệp hai nước Trung Quốc và Pháp đăng ký bảo hộ độc quyền và đã được ngành chức năng sở tại cấp phép. Việc làm này thật vô lý và không thể chấp nhận được.

Công chúng biết sự thật này là nhờ luật sư Lê Quang Vinh - Công ty CP sở hữu trí tuệ Bross & Partners, trụ sở tại Hà Nội. Ông Vinh tình cờ lên mạng và phát hiện sự việc cách đây hai tháng. Thế nhưng, một điều bất ngờ là việc này hai ông Nguyễn Văn Lạng - nguyên Chủ tịch tỉnh  Đắk Lắk và ông Đinh Văn Khiết - đương nhiệm Phó chủ tịch tỉnh đã biết từ cách đây... hai năm.

Mất thương hiệu từ một hợp đồng xuất khẩu cà phê

Báo CATP số đặc san ra ngày 16/9/2011 có bài viết Về vụ cà phê Buôn Ma Thuột bị doanh nghiệp nước ngoài mạo danh đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người.

Nhiều cuộc điện thoại và email của bạn đọc gửi về tòa soạn bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ Báo CATP và các cơ quan ngôn luận, thông tấn về việc phải lên tiếng một cách cương quyết, mạnh mẽ để công chúng biết rõ thật - giả, trắng - đen. Mặt khác bày tỏ sự thất vọng, bất bình vì sự chậm trễ, thờ ơ, thiếu trách nhiệm của những người có trách nhiệm, quyền lợi liên quan đến tài sản quốc gia, đến sản phẩm cà phê Việt.

Có thể nói, từ năm 2001 đến nay cà phê Việt Nam (trong đó trên 50% thị phần từ Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk) được nhiều nước trên thế giới và du khách biết đến. Riêng thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đã xuất khẩu ra 60 nước, vùng lãnh thổ toàn cầu, góp phần đưa nước ta trở thành nước thứ hai trên thế giới xuất khẩu cà phê Rubusta.
Lễ khai mạc Festival cà phê 2011 tại TP. Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk
Lễ khai mạc Festival cà phê 2011 tại TP. Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk
Con số ấn tượng là thế, cùng với những nỗ lực của UBND tỉnh Đắk Lắk và nhiều bộ ngành liên quan trong việc xây dựng thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk suốt những năm qua, nhưng đáng tiếc hai thương hiệu nổi tiếng lại bị nước ngoài đánh cắp. Để rồi phải đối mặt với những khó khăn, rắc rối trong việc “đòi lại” thương hiệu.

Trong bối cảnh cả thế giới đều quan tâm tới nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, thì việc đăng ký thương hiệu, bảo hộ độc quyền là cần thiết.

Hàng ngàn cá nhân, doanh nghiệp trong cả nước đang làm ăn, kinh doanh, “sống chết” với ngành cà phê vẫn coi thị trường nước ngoài là béo bở, đi nước ngoài như đi chợ, nhưng họ lại chẳng hề đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk, cà phê Việt Nam có chỉ dẫn địa lý. Trên thương trường, ngoài lợi ích kinh tế còn cần đến sự nhạy bén tư duy, lòng tự hào dân tộc; trách nhiệm với cộng đồng, với sản phẩm Việt Nam.

Tại một cuộc họp bàn về giải pháp đòi lại thương hiệu cà phê do UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức mới đây, ông Đinh Văn Khiết - Phó chủ tịch tỉnh này cho biết: Cách đây khoảng hai năm, ông bất ngờ nhận được danh thiếp của một doanh nhân bằng hai thứ tiếng Hoa - Anh, có in dòng chữ “BUON MA THUOT COFFEE”.

Ông được giới thiệu rằng công ty mang tên cà phê Buôn Ma Thuột đó có trụ sở tại Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ông nhắc Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột cảnh giác trước hiện tượng này, sau đó sự việc đi vào... quên lãng!

Ông Nguyễn Văn Lạng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, hiện là Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ - một trong những người được đánh giá là “lãnh đạo ấn tượng” của tỉnh Đắk Lắk, cũng chính là người đề xướng và tổ chức đón nhận văn bằng công nhận Quyền sở hữu chỉ dẫn địa lý cho thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột tại Festival cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ I năm 2005.

Ông cho biết rõ thêm: Chính từ mối quan hệ giữa Công ty cà phê An Thái (trụ sở tại đường Đinh Tiên Hoàng, TP. Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk) với Công ty Guangzhou của Quảng Châu, mới dẫn tới việc Guangzhou lấy hẳn cụm từ cà phê Buôn Ma Thuột đăng ký thương hiệu cho công ty để tiện việc mua bán.

Phóng viên lập tức liên lạc với ông Nguyễn Xuân Thắng, cán bộ quản lý xuất khẩu của Công ty cà phê An Thái, thì được xác nhận từng có quan hệ mua bán giữa An Thái với Guangzhou của Quảng Châu. Chính Guangzhou chủ động đặt quan hệ liên kết và nhập hàng của An Thái lâu dài. Tuy nhiên, không rõ lý do gì họ chỉ nhập một lô ba container loại cà phê sữa 3 trong 1 của An Thái rồi thôi luôn.

Nhìn sự việc một cách đơn giản, nhẹ nhàng thì đây là việc chúng ta mất cảnh giác. Nhưng qua đó cũng là bài học, tuy rằng không mới, rằng nếu chúng ta chỉ chăm chăm nghĩ tới việc làm lợi kinh tế từ sản phẩm mà quên mất yếu tố phải bảo vệ, nâng niu nó thì cái giá phải trả sẽ không hề nhỏ.

Phải thắng kiện như “Kẹo dừa Bến Tre”


Đây không phải lần đầu tiên nông sản Việt Nam bị đánh cắp thương hiệu. Năm 1999, nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre cũng đã bị một doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký độc quyền trên đất nước Trung Quốc, đồng thời sử dụng biện pháp ngăn chặn hàng Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc.

Một doanh nghiệp Việt Nam sau đó khởi kiện, kết quả phía Trung Quốc đã hủy bỏ việc đăng ký nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre đối với doanh nghiệp của họ.

Một số chuyên gia cho biết: luật của Trung Quốc cũng như nhiều nước khác tham gia WTO đều quy định quyền của bất kỳ ai khi thấy có dụng ý xấu, làm ăn không trung thực thì có quyền yêu cầu hủy bỏ các hành vi chiếm đoạt, lợi dụng uy tín nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý các nước khác gây nhầm lẫn xuất xứ sản phẩm.
Cà phê Buôn Ma Thuột không những đã nổi tiếng ở Việt Nam nhiều năm qua, nó còn gắn với một địa danh cụ thể, bởi vậy việc khởi kiện và giành thắng lợi là hoàn toàn có hy vọng. Đối với thương hiệu cà phê Đắk Lắk cũng vậy, chúng ta cần thông qua luật pháp quốc tế, theo quy định của Hiệp định TRIPS về sản phẩm trí tuệ.

Chiều 15/9/2011, tại TP. Buôn Ma Thuột diễn ra cuộc họp về hướng giải quyết vụ việc thương hiệu Việt bị mạo danh, do UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức.

Theo luật sư Lê Quang Vinh: về bản chất đây chưa phải là vụ kiện mà chỉ là vụ khiếu nại hành chính. UBND tỉnh Đắk Lắk nên đứng đơn khiếu nại đến Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Công thương Trung Quốc, yêu cầu hủy bỏ nhãn hiệu đã đăng ký độc quyền thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột trên toàn lãnh thổ Trung Quốc.

Nếu các bên không đồng ý cách giải quyết của người phán quyết thì mới phải tính đến việc kiện ra tòa. Chúng ta có đầy đủ bằng chứng pháp lý về việc này.

Trả lời báo chí, ông Trịnh Đức Minh - Phó giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Đắk Lắk cho biết, Thường vụ và UBND tỉnh đánh giá đây là một việc nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc “đòi lại” thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk cần phải có đối sách tế nhị và phù hợp. Trước mắt, chúng tôi sẽ tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh chọn con đường ngoại giao, yêu cầu các nước sở tại hủy bỏ bảo hộ. Trong trường hợp không thành công mới xem xét tới việc khởi kiện.

Ông Minh cũng nhìn nhận: vụ việc này khiến UBND tỉnh  Đắk Lắk phải chú trọng hơn nữa tới việc xúc tiến bảo hộ ra nước ngoài; đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp nâng cao ý thức tự bảo vệ thương hiệu. Sắp tới, Đắk Lắk sẽ thực hiện bảo hộ cà phê Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk tại các thị trường ưu tiên là EU, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Canada, Anh, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Theo Công an TP.HCM