Cà phê Trung Nguyên sẽ thắng Starbucks tại Việt Nam, nếu...

23/01/2013 09:44
(GDVN) - Ông Vũ Tuấn Anh - Giám Đốc Điều Hành Viện Quản Lý Việt Nam nhấn mạnh: “Cạnh tranh với Starbucks rất khó nhưng không phải là không có cách để chiến thắng người khổng lồ này”.

Trao đổi với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Tuấn Anh - Giám đốc Điều hành Viện Quản lý Việt Nam chia sẻ: “Trong thâm tâm tôi luôn muốn Trung Nguyên chiến thắng Starbucks. Nhưng cuộc chiến này phải đầu tư trí tuệ, thời gian và tâm sức nhiều hơn…”.

Ông Vũ Tuấn Anh nhấn mạnh: “Cạnh tranh với Starbucks rất khó nhưng không phải là không có cách để chiến thắng người khổng lồ này”.
Báo Giáo dục Việt Nam xin đăng tải nguyên văn bài viết  dưới đây của ông Vũ Tuấn Anh, qua đó cho thấy, khách hàng trẻ là yếu tố thành bại của Starbucks không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Đây là ý kiến thiết thực đóng góp cho Đặng Lê Nguyên Vũ và Trung Nguyên cũng như đất nước Việt Nam có thể thành công trước thương hiệu nổi tiếng Hoa Kỳ này.

Khách hàng trẻ: Yếu tố thành bại của Starbucks 

“Gần đây, báo chí liên tục đăng bài về việc Starbucks đã vào Việt Nam và phân tich một số hoạt động và định hướng thi trường cạnh tranh của chuỗi café này. 

Đối với nhóm khách hàng từ 25 tuổi trở lên, Starbucks sẽ không có cơ hội nhiều vì các khách hàng này đã quen với vị đậm của cà phê Việt như Trung Nguyên.
Đối với nhóm khách hàng từ 25 tuổi trở lên, Starbucks sẽ không có cơ hội nhiều vì các khách hàng này đã quen với vị đậm của cà phê Việt như Trung Nguyên. 

Thực sự cà phê Trung nguyên (đại diện cho toàn bộ các loại cà phê uống theo kiểu Việt Nam) và Starbucks khác nhau về bản chất như CEO Trung Nguyên có nói với giới truyền thông thời gian qua. Cà phê Việt Nam có vị rất đậm và các sản phẩm nghiêng về cà phê thuần túy. Strarbuck có vị rất  nhạt và sản phẩm cà phê của Starbucks nhấn mạnh về trải nghiệm và lối sống. So sánh hai sản phẩm này với nhau rất khó nếu như chúng ta không cân nhắc các mẫu số chung ví dụ phân khúc khách hàng, doanh số v.v. 
Khái niệm (concept) sản phẩm chúng ta có thể thấy Trung Nguyên và Starbucks rất khác nhau. Tại các cửa hàng của Trung Nguyên khi bước vào chúng ta cũng vẫn chỉ cảm nhận đó là nơi bán cà phê. Các quảng cáo của Trung Nguyên trên báo chí và truyền thông chỉ nhấn mạnh cà phê là cà phê. 
Trung Nguyên cố gắng gắn kết một số yếu tố về tâm lý ví dụ như cà phê cho người dẫn đầu, sáng tạo nhưng các gắn kết này chưa mạnh và thuyết phục người sử dụng. Khái niệm sản phẩm của Starbucks rất rõ ràng và đã được chứng tỏ trên thị trường quốc tế. 
Bài toán ở đây đối với Trung Nguyên và cũng như rất nhiều các đơn vị khác của Việt Nam đó là khái niệm sản phẩm và dịch vụ như thế nào. Chúng ta cũng thấy rất nhiều cửa hàng của Kinh Đô, ABC… cũng chỉ là khái niệm cửa hàng bán sản phẩm phát triển. Chúng ta chưa thấy được những đột  phá xây dựng concept bán hàng. 
Highland là một trường hợp ngoại lệ khi xây dựng rất thành công tại TP.HCM. Tuy vậy concept của Highland khi mang ra Hà Nội không được tiếp nhận tốt như ở trong TP.HCM.
Bài toán đặt ra có thể Trung Nguyên cần cân nhắc việc tiếp tục sử dụng thương hiệu Trung Nguyên để đẩy mạnh chuỗi cà phê hay Trung Nguyên cần mua thêm một chuỗi cà phê nữa để sở hữu một nhãn hiệu nhằm cạnh tranh mạnh mẽ với  Starbucks trên cùng một hệ qui chiếu?. 
Vấn đề thứ hai sẽ rất khó khăn với Trung Nguyên đó là việc định dạng sản phẩm cho những khách hàng trẻ tuổi. Rất quan trọng khi khách hàng đầu tiên sử dụng sản phẩm cà phê. Một sự thật đó là các cửa hàng thức ăn nhanh hoặc nước ngọt có gas, các thương hiệu nước ngoài đã bám rễ rất chặt chẽ trong khách hàng thiếu nhi và họ sẽ có một vòng đời rất dài sử dụng sản phẩm. 
Đối với nhóm khách hàng từ 25 tuổi trở lên, Starbucks sẽ không có cơ hội nhiều vì các khách hàng này đã quen với vị đậm của cà phê Việt như Trung Nguyên. Nhưng vấn đề sẽ rất khác biệt nếu như các khách hàng nhí làm quen với Starbucks khi họ sử dụng những ly cà phê đầu tiên. 
Dần dần theo thời gian họ sẽ không sử dụng được café có vị đậm như Trung Nguyên. Cuộc chiến thành bại sẽ phụ thuộc vào việc các đối thủ cạnh tranh có định vị được hương vị của người dùng trẻ tuổi hay không. 
Trong cuộc chiến này, Starbucks dường như có ưu thế hơn Trung nguyên khi họ có thương hiệu. Một điều quan trọng nữa là mức lợi nhuận trên sản phẩm của Starbucks sẽ nhiều hơn của Trung Nguyên. Mức lợi nhuận này sẽ cho phép Starbucks thực hiện các chiến dịch cạnh tranh mạnh mẽ. 
Để thắng Starbucks, Trung Nguyên cần phải xác định rất rõ các khái niệm cửa hàng bán cà phê và tập trung marketing mạnh mẽ vào phân khúc khách hàng trẻ - những người uống ly cà phê đầu tiên trong đời. Nếu như nhóm khách hàng này thích các sản phẩm Starbucks hơn Trung Nguyên, cuộc chiến sẽ dành phần thắng cho Starbucks.

                                                                     Vũ Tuấn Anh/Giám đốc điều hành Viện Quản lý Việt Nam

* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!