Cái tát của vị khách VIP và văn hóa hàng không

18/08/2016 14:33
Mai Anh
(GDVN) - Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang nhận định, hàng không Việt Nam tăng trưởng mạnh nhưng văn hóa ứng xử chưa theo kịp với sự phát triển đó.

Khách VIP nhưng hành xử không VIP

Cảng vụ hàng không miền Nam vừa quyết định xử phạt 15 triệu đồng với hành khách hạng thương gia Mai Thanh B. của Vietnam Airlines vì có hành vi tát vào mặt nữ tiếp viên hàng không. 

Theo đó, trên chuyến bay VN255 của Vietnam Airlines từ Hà Nội đi TP.HCM, nam hành khách này không tìm thấy điện thoại iPhone 6 Plus nên đã tát vào má trái của nữ tiếp viên vì cho rằng nữ tiếp viên đã lấy điện thoại.

Sau khi chuyến bay hạ cánh, chiếc điện thoại được tìm thấy dưới ghế hành khách. Vụ việc được tổ bay VN255 trình báo Cảng vụ hàng không miền Nam, vị khách này đã thừa nhận hành vi của mình và chấp nhận nộp phạt.

Việc hành khách có hành vi ứng xử không đúng mực trên các chuyến bay đặt ra vấn đề nâng cao văn hóa hàng không trong thời kỳ phát triển tăng trưởng nóng hiện nay - ảnh: H.Lực.
Việc hành khách có hành vi ứng xử không đúng mực trên các chuyến bay đặt ra vấn đề nâng cao văn hóa hàng không trong thời kỳ phát triển tăng trưởng nóng hiện nay - ảnh: H.Lực.

Sau khi thông tin sự việc lan tỏa, dư luận bức xúc cho rằng, mức xử phạt 15 triệu đồng đối với vị khách VIP kia không đủ để răn đe, phòng trừ các hành vi côn đồ, vô văn hóa, mất lịch sự có thể còn tiếp diễn trên các chuyến bay. 

Thậm chí, có ý kiến đề xuất hàng không Việt Nam nên cấm bay những hành khách xúc phạm, xem thường nhân phẩm người khác như vị khách thương gia này.

Khoang hạng thương gia vốn được biết đến là nơi dành cho những "thượng đế" hạng sang... tức là không chỉ nhiều tiền mà còn được mặc định sẽ văn minh, lịch sự hơn số đông khác một bậc. Nhưng sau vụ việc cái tát lần này, dường như lý thuyết đó đã không còn đúng. 

Có tiền chưa hẳn là có văn hóa. Có tiền nhưng cư xử kém văn hóa thì chẳng khác nào "trọc phú". 

Đáng buồn hơn, đây không phải lần đầu tiên xảy ra việc hành khách hành hung, có thái độ khiếm nhã với nhân viên, tiếp viên hàng không.

Cách đây chưa lâu, đại diện hãng hàng không Vietjet xác nhận có việc giám đốc một doanh nghiệp trong ngành xây dựng dùng điện thoại vỗ vào mông tiếp viên trên chuyến bay của hãng từ Vinh đi TP.HCM ngày 15/11/2015.

Cụ thể, khi hành khách này tiến gần nhà vệ sinh trên tàu bay, tiếp viên thông báo đang có người phía trong thì ông này đã dùng điện thoại vỗ vào mông tiếp viên rồi cười. 

Đây là tàu bay được Vietjet thuê lại của một hãng hàng không Bulgaria và bốn tiếp viên trên tàu bay đều là người nước ngoài. 

“Sau sự việc, các tiếp viên nước ngoài cảm thấy bị xúc phạm, thông báo cho cơ trưởng và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý hành khách này” - đại diện hãng này cho hay. 

Trước đó, nữ hành khách tên N.T.H đi trên chuyến bay VJ150 từ TP.HCM đến Hà Nội của hãng hàng không Vietjet Air cũng có hành vi tát vào mặt nam nhân viên khi anh này nhắc nhở việc trọng lượng hành lý vượt yêu cầu.

Trong chuyến bay 30/8/2014, nam hành khách N.V.T cũng có những hành động gây rối, la hét gây ảnh hưởng đến hành khách trên chuyến bay VJ8684 từ TP.HCM đi Hà Nội của VJA.

Các nhân viên của VJA đã nói chuyện trấn an anh T, nhưng anh này không chịu hợp tác mà còn có hành vi xô đẩy tiếp viên, đe dọa an toàn trên chuyến bay.

Tương tự, ngày 24/9/2014, trên chuyến bay VN172, hành khách tên Phạm Văn T. đã có biểu hiện say xỉn, chửi bới lăng mạ nhân viên của hãng hàng không Vietnam Airlines và nhân viên an ninh tại cửa ra máy bay.

Bên cạnh hành vi gây rối, trên mạng xã hội thời gian qua có hình ảnh thông tin về việc hành khách chen lấn khi lên tàu bay, thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh chung, xả rác bừa bãi trên khoang tàu bay...

Gây tranh cãi nhất trong dư luận có lẽ là vụ việc ca sĩ L.Q cho con trai đi tè vào túi nôn trên chuyến bay của Vietnam Airlines.

Cái tát của vị khách VIP và văn hóa hàng không ảnh 2

Không có chuyện 4 tiếp viên Vietjet bị sàm sỡ

Cái tát của vị khách VIP và văn hóa hàng không ảnh 3

Vietjet tuyển dụng tiếp viên hàng không

Điểm chung các vụ hành hung, gây rối của hành khách là làm ảnh hưởng đến lịch trình bay, mặt khác tạo dư luận không tốt với hình ảnh hàng không Việt Nam nhếch nhác, thiếu văn minh.

Cuộc marathon văn hóa hàng không

Trước thực tế này, ông Võ Văn Quang – Chuyên gia thương hiệu cho rằng: “Cùng với xu hướng thế giới, những năm qua ngành hàng không Việt Nam cũng phát triển vượt bậc. Máy bay đã và đang trở thành phương tiện giao thông thuần túy”.

Đặc biệt, sự tăng trưởng mạnh mẽ của Hãng hàng không Vietjet cả về số lượng máy bay, chuyến bay, điểm đi/đến... cùng mức giá vé phù hợp đã tạo nên sự cạnh tranh, kích cầu trên toàn thị trường hàng không.

Xu hướng giảm giá vé từ Vietjet lan sang Vietnam Airlines và Jetstar... tạo thêm nhiều cơ hội đi máy bay cho người dân.

Tuy nhiên có một thực tế, sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng không đang tỷ lệ nghịch với văn hóa hàng không. Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang nhận định, hàng không Việt Nam tăng trưởng mạnh nhưng văn hóa ứng xử chưa theo kịp với sự phát triển đó.

Mặc dù sự tăng trưởng "nóng" của ngành đang đặt ra bài toán nan giải về hạ tầng hàng không nhưng chuyên gia Võ Văn Quang cho rằng, hạ tầng hàng không có thể khắc phục bằng việc xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất nhà ga, sân bay nhưng để "nâng tầm" văn hóa hàng không lại là câu chuyện dài.

Dễ thấy, tăng trưởng ngành hàng không tạo nên nút thắt về nhân lực với nhu cầu lớn. Điều đó mở ra cơ hội đào tạo tiếp viên, nhân viên hàng không. Tuy nhiên, đào tạo ở đây không chỉ là kỹ năng xử lý tình huống mà là kỹ năng mềm ứng xử khi gặp những hành khách có thái độ ứng xử không đúng mực.

Những sự cố hành khách gây lộn trên các chuyến bay hay tại các sân bay theo ông Quang có trách nhiệm cả hai bên.

Với hành khách, không ít người chưa có văn hóa ứng xử đúng mực, thiếu kiềm chế chưa quen văn hóa ứng xử nơi công cộng, quen với hành xử kiểu chợ búa. Về phía hãng hàng không, cá biệt có một số nhân viên không giữ được thái độ đúng mực. 

Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang - ảnh nhân vật cung cấp.
Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang - ảnh nhân vật cung cấp.

Nêu vấn đề giải pháp trong xây dựng văn hóa hàng không, theo ông Quang, hãng hàng không nên mở trung tâm đào tạo nhân lực, liên kết với trường đại học mở hẳn chuyên ngành đào tạo nhân lực hàng không.

“Các hãng hàng không phải có trung tâm đào tạo riêng và tiến tới có thể  đào tạo nhân sự hàng không rồi xuất khẩu. Nguồn nhân lực ngành hàng không châu Á cần hàng triệu người để đáp ứng mức tăng trưởng 20% một năm”, ông Quang nói.

Để nâng cao nhận thức và cách ứng xử người dân khi tham gia giao thông hàng không, không nên làm theo kiểu phong trào riêng rẽ từng hãng hàng không mà cần phải đồng bộ, tạo thành quy tắc ứng xử chung.

Trước khi hình thành quy tắc ứng xử, phải tuyên truyền để người dân hiểu quy định riêng của ngành, quy định làm thủ tục, quy định hành lý ký gửi… Trách nhiệm tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân thuộc cơ quan quản lý nhà nước, Cục hàng không Việt Nam, các hãng hàng không, cảng hàng không. Phải đồng bộ các cơ quan mới thay đổi nhận thức và hành vi người dân.  

Mai Anh